Phóng to |
Nhóm sinh viên Trường CĐ nghề iSpace với những chiếc áo thun có in hình và dòng chữ “Hướng về biển Đông” - Ảnh: Thanh Đạm |
Lát sau, cả sảnh xôn xao tiếng cười nói, tiếng hô “Đoàn kết” của các bạn sinh viên Trường CĐ công nghệ thông tin iSpace với những chiếc áo mang biểu tượng “Hướng về biển Đông” mạnh mẽ. Nguồn năng lượng trẻ từ các bạn dường như đã xóa tan những vương vất cuối cùng.
Vận động dài lâu...
11.459.292.600 đồng là số tiền bạn đọc đóng góp và hưởng ứng chương trình “Chung sức bảo vệ chủ quyền biển Đông” tính đến 17g ngày 16-5. Riêng trong ngày 16-5, số tiền đóng góp là 1.256.705.000 đồng. * Ngày 16-5, chương trình chi hỗ trợ cho sáu gia đình quân nhân ở tỉnh Quảng Bình có hoàn cảnh khó khăn của hải đội 201, Vùng Cảnh sát biển 2 với số tiền 30 triệu đồng. Như vậy, chương trình đã triển khai hỗ trợ các hoạt động với số tiền 4.343.500.000 đồng. |
“Hơn 1.000 chiếc áo đã được phát ra toàn trường, và tuần sau toàn trường chúng tôi, từ giáo viên đến sinh viên, đều sẽ mặc chiếc áo này để nhắc nhau về tinh thần “Hướng về biển Đông”, cùng suy nghĩ về những hành động tiếp theo” - ông Nguyễn Hoàng Anh, hiệu trưởng Trường iSpace, cùng trong một chiếc áo y như sinh viên của mình, cho biết. Còn sau đó? “Sau đó, chúng tôi sẽ mặc chiếc áo này vào mỗi buổi chào cờ sáng thứ hai, cho đến khi nào chủ quyền trên biển của Việt Nam được bảo đảm”.
Một cái vẫy tay của thầy hiệu trưởng, các bạn sinh viên xăng xái mang vào từng chồng, từng thùng... cả 1.000 chiếc áo thun “Hướng về biển Đông” nữa: “Chúng tôi nhờ báo Tuổi Trẻ gửi tặng đến các bạn trẻ, học sinh, sinh viên. Tôi mong các bạn sẽ mặc chiếc áo này và mang tinh thần này đi nhiều nơi, làm nhiều việc để góp phần bảo vệ đất nước, đòi lại công lý cho Việt Nam. Nhờ chiếc áo đẹp, thông điệp đẹp của chúng ta sẽ lan tỏa nhanh hơn, mạnh hơn”.
Nhanh hơn, mạnh hơn như chính câu chuyện của chiếc áo: xưởng may gia công của chị Yến Nhi nhờ báo Tuổi Trẻ chuyển tặng các chiến sĩ biển đảo, đã lan đến Trường iSpace, và giờ đây lại một lần nữa được nhân lên để quay lại Tuổi Trẻ, tiếp tục lan đi. Thông điệp này ắt sẽ còn mang lại nhiều hành động thiết thực hơn nữa cho các bạn trẻ.
“Chúng tôi đã hoàn thành đợt vận động lần thứ nhất, vài ngày nữa sẽ tiếp tục vận động lần 2, rộng rãi hơn thông qua giải đua xe đạp xuyên 10 tỉnh miền Tây” - anh Nguyễn Tấn Ninh, chuyên viên truyền thông Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang, hồ hởi cho biết. Những ngày qua, cả ngàn cán bộ, công nhân viên của công ty theo dõi tin tức của những chiếc tàu kiểm ngư, cảnh sát biển Việt Nam xung quanh vòng rào những chiếc tàu Trung Quốc mà nóng ruột, vừa lo vừa tức. Ông Huỳnh Quốc Hứng, chủ tịch công đoàn công ty, trầm ngâm: “Sôi sục lắm, nhất là anh em kỹ sư trẻ. Nhiều người ý kiến: sao Trung Quốc gây hấn thế mà Việt Nam lại nhẹ nhàng thế? Tôi giải thích: mình là nước nhỏ, phải chọn thái độ bình tĩnh, đối sách khôn ngoan, đấu tranh từng bước. Anh em tin vì tôi cũng từng là lính...”.
50 tấn gạo, tương đương 500 triệu đồng là kết quả của hai ngày vận động đầu tiên và công ty đã đến đóng góp ngay để mau chóng được hỗ trợ công tác trên biển. “Giải đua xe đạp sắp tới chúng tôi sẽ phối hợp tuyên truyền để thông tin từ biển Đông đến với từng hộ nông dân. Sẽ còn những đợt vận động thứ hai, thứ ba nữa, vì tôi nghĩ việc đấu tranh quanh khu giàn khoan này chắc còn kéo dài” - ông Hứng nói tiếp.
Phóng to |
Ông Huỳnh Quốc Hứng (bìa trái) đại diện Công ty CP Bảo vệ thực vật An Giang đóng góp 500 triệu đồng - Ảnh: Thanh Đạm |
Những người thầm lặng
Rất nhiều bạn đọc đến đóng góp đã lắc đầu khi được hỏi tên để ghi vào thư cảm ơn dùng thay phiếu thu, xua tay khi thấy ống kính máy ảnh. “Cứ ghi bạn đọc TP.HCM là được rồi” - họ chỉ yêu cầu đơn giản thế. Một anh thanh niên mang đến một danh sách những người bạn: Đức: 500; Cường: 1 triệu... và khi được trao một tập thư cảm ơn kèm phong bì, anh dứt khoát trả lại tập phong bì kèm câu nói rất lính: “Phải triệt để tiết kiệm để chuyển tất cả ra biên giới, hải đảo”. Có bác cán bộ đến đóng một lượt sáu tháng lương hưu tạm ứng, quả quyết khi có người hỏi sẽ lấy gì để chi tiêu: “Không sao cả, việc nước mới là quan trọng. Phần chúng tôi, sáng chỉ củ khoai lót lòng, trưa chén cơm là qua bữa”. Bác cũng nhất quyết lắc đầu khi được hỏi tên: “Chỉ ghi con dân nước Việt là đủ rồi”.
Cũng có hơn 300 bạn đọc đã chuyển khoản đến tài khoản của báo Tuổi Trẻ. Có người để lại số điện thoại, chúng tôi gọi đến thì nhận được câu trả lời: “Đóng góp cho đất nước là việc phải làm, chẳng biết nói gì thêm”. Có người chỉ ghi gọn: “Bà Nga, Hà Nội - 5 triệu”. Có người còn ẩn danh hơn nữa: “Bạn đọc”, dù số tiền được chuyển đến không phải là nhỏ. Cũng có khi đoán ra được câu chuyện qua thông tin: “Cháu Lê Việt Thường - lớp 5A Trường Hùng Vương, Đông Hà, Quảng Trị - 1.686.000đ”. Chắc hẳn là cậu bé đã đập một con heo đất... Những người thầm lặng ấy đã đóng góp hơn 600 triệu đồng trong sáu ngày vận động của chương trình.
Biển Đông sôi sục trong tim người trẻ “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam”, tiếng hô vang vọng cả hội trường của gần 1.000 sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM tối 15-5 tại buổi mittinh về tình hình biển Đông chính là tuyên bố mạnh mẽ khẳng định chủ quyền đất nước của những người trẻ. Thầy Đỗ Văn Dũng, hiệu trưởng nhà trường, đã nhắn nhủ sinh viên: “Chúng ta kiên quyết phản đối hành động ngang ngược của Trung Quốc và cùng dốc lòng ủng hộ các chiến sĩ đang dũng cảm bám trụ nơi đầu sóng ngọn gió. Các bạn hãy thể hiện lòng yêu nước bằng cách cố gắng học tốt, đưa đất nước lên đỉnh cao khoa học, kỹ thuật thì không có nước nào bắt nạt được...”. Đồng thời ông cũng nhắc sinh viên cần có một cái đầu lạnh, một trái tim nóng, đủ bản lĩnh, nghị lực để không bị các thế lực xấu lôi kéo, kích động vào các hoạt động phá hoại, gây thù địch với người dân Trung Quốc đang sinh sống, làm ăn tại Việt Nam. Tại buổi mittinh, các bạn sinh viên cũng đã đồng lòng thể hiện lòng yêu nước khi cùng với thầy cô của trường đóng góp ủng hộ chương trình “Chung sức bảo vệ chủ quyền biển Đông” do báo Tuổi Trẻ phát động. 130 triệu đồng đã được nhà trường trao cho lãnh đạo báo Tuổi Trẻ gửi đến chương trình. Chiều 16-5 tại Trường ĐH Văn Hiến, cán bộ, giảng viên và sinh viên toàn trường đã ký cam kết vào tấm panô cỡ lớn với thông điệp: “Tập thể giảng viên, cán bộ, nhân viên và sinh viên Trường ĐH Văn Hiến kiên quyết cùng Chính phủ bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam”. Trường cũng phát động ủng hộ chương trình “Chung sức bảo vệ chủ quyền biển Đông” với mỗi cán bộ, giảng viên, nhân viên đóng góp một ngày lương. Tại buổi phát động này, PGS.TS Trần Văn Thiện, hiệu trưởng nhà trường, đã trao 100 triệu đồng ủng hộ chương trình cho đại diện báo Tuổi Trẻ. |
Huế: cộng đồng doanh nghiệp góp 110 triệu đồng Sáng 16-5, phòng khách của văn phòng đại diện báo Tuổi Trẻ tại Huế chật kín bởi sự có mặt của nhiều doanh nhân Huế đến chia sẻ và ủng hộ chương trình “Chung sức bảo vệ chủ quyền biển Đông”. Ông Nguyễn Mậu Chi (tổng giám đốc Công ty Bia Huế, chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Thừa Thiên - Huế) cho biết hiệp hội đã phát thư kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân toàn tỉnh hưởng ứng chương trình do báo Tuổi Trẻ phát động. Ngay trong ngày đầu tiên (15-5), đã nhận sự đóng góp của mười đơn vị và cá nhân với số tiền 110 triệu đồng. Cuối buổi chiều 16-5, đại diện Liên hiệp các Hội hữu nghị Thừa Thiên - Huế đã đến văn phòng báo Tuổi Trẻ để chuyển vào chương trình 26,7 triệu đồng, là số tiền vừa quyên góp được từ đại biểu của chín hội hữu nghị dự cuộc mittinh phản đối Trung Quốc chiều 15-5. Cũng trong chiều 15-5, tại chương trình thơ nhạc Hướng về biển Đông, các văn nghệ sĩ Huế đã đóng góp 3.528.000 đồng. Bình Định: cảng Quy Nhơn ủng hộ 50 triệu đồng Ngày 16-5, tổng giám đốc Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn Nguyễn Hữu Phúc đã trao cho đại diện báo Tuổi Trẻ tại Bình Định 50 triệu đồng, là đóng góp của gần 1.000 cán bộ, công nhân viên cho chương trình “Chung sức bảo vệ chủ quyền biển Đông”. “Chúng tôi muốn góp một phần nhỏ để chia sẻ và luôn hướng về Hoàng Sa thân yêu, bởi nơi đó lực lượng cảnh sát biển và kiểm ngư đang ngày đêm đấu tranh với những hoạt động trái phép của Trung Quốc để gìn giữ chủ quyền biển đảo Tổ quốc” - ông Phúc bày tỏ. Cũng trong ngày 16-5, cán bộ, công nhân viên Công ty cổ phần Dược - trang thiết bị y tế Bình Định ủng hộ 15,7 triệu đồng cho chương trình. Đà Nẵng: Công ty Truyền tải điện 2 góp 105,7 triệu đồng Chiều 16-5, tập thể cán bộ và công nhân viên Công ty Truyền tải điện 2 (thuộc Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia) đã phát động phong trào ủng hộ chương trình “Chung sức bảo vệ chủ quyền biển Đông”. Ông Nguyễn Hà Đông, giám đốc Công ty Truyền tải điện 2, cho biết: “Chứng kiến hình ảnh những kiểm ngư viên bị thương khi làm nhiệm vụ ngăn không cho Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trên vùng biển Việt Nam chúng tôi rất xúc động. Chính vì thế, khi biết báo Tuổi Trẻ phát động chương trình ý nghĩa này, cán bộ và công nhân viên ai cũng muốn đóng góp chút sức lực để cùng các anh giữ vững chủ quyền trên biển”. Tổng số tiền thu được tại buổi phát động là 105,7 triệu đồng đã được trao cho đại diện báo Tuổi Trẻ để đóng góp vào chương trình “Chung sức bảo vệ chủ quyền biển Đông”. |
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
18-5: "Chung sức cho biển Đông" tại phòng trà Không TênClip: Khi Tổ quốc cần, ta chung sứcNhiều Hiệp hội chung tay bảo vệ chủ quyền biển ĐôngThêm hàng triệu đồng “Chung tay bảo vệ chủ quyền biển Đông”Doanh nghiệp Thừa Thiên - Huế ủng hộ 110 triệu đồngDanh sách đóng góp "Chung sức bảo vệ chủ quyền biển Đông" ngày 15-5"Chung sức bảo vệ chủ quyền biển Đông" qua cổng thanh toán Tuổi Trẻ
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận