10/03/2014 11:14 GMT+7

Làm gì để xe buýt thôi hỗn danh "hung thần"?

NHÓM PV
NHÓM PV

TT - Ngoài lỗi chủ quan của tài xế và người đi đường, tình trạng hạ tầng giao thông, việc phân làn, phân luồng giao thông... chưa hợp lý cũng góp phần không nhỏ vào việc gây ra những tai nạn liên quan đến xe buýt. Dưới đây là một số ý kiến của chuyên gia nói về vấn đề này.

Vui buồn trên những chuyến xe buýtThư gửi những ai liên quan đến xe buýt“Hung thần” trên phốHình ảnh xấu xí của xe buýt

OTIYgnyK.jpgPhóng to
Một cuộc cãi vã trên đường giữa tài xế xe buýt và người đi xe máy sau khi xảy ra va chạm. Cả người đi đường và tài xế xe buýt đều dừng xe lại và chuẩn bị “giáp trận” - Ảnh do bạn đọc Phạm Nguyễn cung cấp, chụp tại vòng xoay hồ con rùa (Q.3, TP.HCM) trung tuần tháng 1-2014
F0UWOLtt.jpg
Bắt đầu xung đột giữa hai bên - Ảnh do bạn đọc Phạm Nguyễn cung cấp, chụp tại vòng xoay hồ con rùa (Q.3, TP.HCM) trung tuần tháng 1-2014
n88YWJkp.jpg
Tranh cãi gay gắt - Ảnh do bạn đọc Phạm Nguyễn cung cấp, chụp tại vòng xoay hồ con rùa (Q.3, TP.HCM) trung tuần tháng 1-2014
ScBKmnbT.jpg
“Chia tay” trong hậm hực - Ảnh do bạn đọc Phạm Nguyễn cung cấp, chụp tại vòng xoay hồ con rùa (Q.3, TP.HCM) trung tuần tháng 1-2014

Phải tách làn đường

* Ông Khuất Việt Hùng (vụ trưởng Vụ Vận tải Bộ Giao thông vận tải):

Dù số vụ tai nạn liên quan đến xe buýt so với các loại phương tiện khác là không nhiều, nhưng mỗi khi xe buýt gây tai nạn tạo ra sự tác động rất lớn đến cộng đồng. Nhìn lại những vụ tai nạn xe buýt, tôi thấy thường ít dính dáng đến chuyện xe buýt chạy quá tốc độ, mà chủ yếu xe buýt va quẹt với xe máy hoặc xe máy va quẹt với xe máy ngã vào xe buýt.

Nếu chúng ta xác định xe buýt là một phương tiện vận tải công cộng thì phải có những chính sách ưu tiên. Người dân cần nhận thức được điều này để có ứng xử, xây dựng văn hóa tham gia giao thông hợp lý hơn: ví dụ phải nhường đường, giữ khoảng cách an toàn với xe buýt, đặc biệt khi xe buýt ra vào trạm. Việc đó phù hợp với điều kiện hạ tầng dành cho giao thông ở TP hiện nay. Về lâu dài, cần phải quy hoạch hạ tầng giao thông dành cho xe buýt, trước mắt là tách cho xe buýt đi làn đường riêng ở những tuyến đường có điều kiện như đường rộng, có nhiều làn xe.

* PGS.TS Phạm Xuân Mai (Trường ĐH Bách khoa TP.HCM):

Đường dành cho xe buýt ở các TP trên thế giới đều có vị trí sát lề phải và luôn là làn đường ưu tiên hoặc dành riêng, hầu như không có sự xung đột giữa xe cá nhân và xe buýt. Còn ở VN, do tồn tại một lượng lớn xe máy nên người ta phải ưu tiên xếp làn xe máy ở sát lề phải và xe buýt phải đi ra làn ngoài cùng, khi muốn vào ra trạm, xe buýt bắt buộc phải xung đột với làn xe máy. Khi có xung đột thì khó tránh tai nạn xảy ra.

Đó là nguyên nhân khách quan, còn nguyên nhân chủ quan chủ yếu đến từ lái xe và đơn vị quản lý xe. Lái xe có những lúc chạy ẩu, không kiểm soát tay lái. Còn quản lý thì nặng về sản lượng mà ít để ý đến tính an toàn, tiện nghi, nên lái xe dễ bị thúc ép về thời gian dẫn đến lấn tuyến, lấn làn và lúc này sẽ dễ xảy ra xung đột gây tai nạn. Khắc phục những vấn đề này khá dễ dàng và hoàn toàn nằm trong tầm tay của các nhà quản lý xe buýt.

Đường hẹp nhưng xe quá lớn

* TS Nguyễn Hữu Nguyên (Đại học KHXH và NV TP.HCM):

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn xe buýt tại TP.HCM thời gian qua, nhưng nguyên nhân sâu xa và đáng bàn nhất là hạ tầng và tổ chức giao thông. Theo Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, TP hiện có hơn 7.000km đường giao thông nhưng chỉ có khoảng 1/3 trong số đó, tức 2.000km, là đường rộng cho xe buýt chạy được. Còn lại khoảng 5.000km là đường nhỏ và đường hẻm. Con số 7.000km, theo tôi, mới chỉ đạt được 7-9% diện tích tự nhiên dành cho giao thông, trong khi tiêu chuẩn của thế giới và tiêu chuẩn của các đô thị hiện đại là trên 20-30%. Số vụ kẹt xe, số tai nạn tỉ lệ nghịch với con số này. Diện tích dành cho hạ tầng càng ít, càng thấp thì số vụ tai nạn càng tăng.

Nghịch lý của chúng ta là đường ít và hẹp nhưng lại thích làm xe buýt to. Như vậy là không thích hợp. Đặc điểm đường sá của chúng ta hiện nay không đủ rộng để phân những tuyến đường độc lập dành cho xe buýt. Do đó cần phải tổ chức lại cơ cấu phương tiện giao thông vận tải. Tức là các loại hình phương tiện với nhiều loại kích cỡ khác nhau để đảm bảo cho từng đặc điểm của từng khu vực. Tôi cho rằng TP.HCM cần phục hồi các phương tiện nhỏ như xe lam tuk tuk, xe buýt nhỏ loại 10-12 chỗ. Khi đó sẽ có nhiều người dân bỏ xe máy ở nhà để đi bộ vài chục mét ra các tuyến đường nhỏ, đường hẻm đi xe buýt nhỏ. Chứ hiện giờ người ta không thể đi bộ hàng kilômet để ra ngoài đường đi xe buýt.

Quá nhiều ưu đãi

* Trung tá Nguyễn Bình Tâm (đội trưởng đội cảnh sát giao thông Công an Q.Bình Tân, TP.HCM):

Do đặc thù là loại hình vận chuyển hành khách công cộng, phục vụ mục đích giảm ùn tắc giao thông nên xe buýt hiện được hưởng khá nhiều ưu đãi. Ngoài việc được trợ giá, xe buýt còn được ưu tiên đi vào một số đường cấm, được dừng, đậu tại nhiều điểm cấm các loại phương tiện khác dừng, đậu. Thậm chí có tuyến đường xe buýt được ưu tiên đi vào đường ngược chiều, khiến người đi đường và chính bản thân tài xế xe buýt cũng có cảm giác xe buýt “đứng trên pháp luật”, được hưởng những quyền đặc biệt mà người khác không có. Trong khi lưu thông, theo quy định thì xe buýt chỉ được lưu thông vào làn đường hỗn hợp (dành cho môtô, xe hai bánh và ôtô trong trường hợp chuyển hướng) tại nơi dừng đón, trả khách và phải ra khỏi làn đường này tại điểm mở gần nơi dừng xe. Tuy nhiên, nếu lúc kẹt xe, xe buýt đi vào làn đường hỗn hợp cũng rất khó xử lý, mà hành động này gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông vô cùng.

* Tiến sĩ Dư Phước Tân (trưởng phòng nghiên cứu quản lý đô thị Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM):

Cần phải phát triển xe buýt

- Xe buýt là một câu chuyện dài. Với đặc thù đô thị ở TP.HCM, dĩ nhiên xe máy luôn là lựa chọn hàng đầu cho mỗi cá nhân. Nhưng khi lợi ích cá nhân được thỏa mãn thì lợi ích cộng đồng sẽ thiệt hại và tác động tiêu cực ngược lại. Số liệu thống kê cuối năm 2013 cho thấy xe máy gia tăng khoảng 12%/năm, trong khi mặt đường chỉ phát triển được 5-7%/năm. Con số này phản ánh tình hình giao thông đáng lo ngại đến mức nào, những tai nạn đáng tiếc cũng từ đó mà ra.

* Có ý kiến cho rằng nên đầu tư phát triển hạ tầng trước, khi nào xe buýt có làn đường riêng thì hãy đầu tư phát triển xe buýt...

- Đây lại là một câu chuyện luẩn quẩn về quả trứng và con gà. Tôi cho rằng phải thực hiện song song tất cả giải pháp: hạn chế xe cá nhân, phát triển đường sá, phát triển giao thông công cộng. Hãy tưởng tượng nếu ta làm đường trước và chỉ đầu tư mở rộng đường thì xe máy lập tức sẽ lấp đầy vào các khoảng mở rộng ấy và bài toán trở lại như cũ. Chẳng phải ngẫu nhiên mà thành phố bỏ tiền trợ giá, chính sách ưu tiên cho xe buýt. Hiện xe buýt ở TP.HCM chỉ mới đáp ứng được 8% nhu cầu đi lại của người dân.

* Để người dân thiện cảm hơn với xe buýt, ông nghĩ cần phải làm thế nào?

- Trong quá trình điều tra về mức độ hài lòng, khi phân tích số liệu và dữ kiện, tôi thấy những phàn nàn chủ yếu tập trung vào các xe của hợp tác xã vận tải, được vận hành theo kiểu gia đình. Trong số các biện pháp được thành phố đưa ra để xây dựng văn hóa xe buýt có một giải pháp rất hay: tinh giản đầu mối xe buýt. Đây là hướng đi đúng để các tuyến xe được tổ chức chặt chẽ hơn, nâng cao chất lượng đào tạo nhân viên xe buýt, chuyên môn, chuyên nghiệp hóa hoạt động xe buýt... Mỗi người làm việc trên xe đều phải hiểu Nhà nước ưu tiên, trợ giá là để xe buýt trở thành lựa chọn của người dân, chứ không phải để xe buýt trở thành “hung thần” đe dọa tính mạng của họ.

Còn về người dân cũng cần có nhiều thay đổi về ý thức. Từng có dịp sống ở Nhật, tôi thấy người dân Nhật rất kiên nhẫn, rất chia sẻ khi sử dụng giao thông công cộng. Mỗi người đều sẵn lòng đi bộ, xếp hàng có khi cả 30 phút để đến ga tàu điện ngầm. Trong khi ở VN, một đoạn đường cách chừng 5-10 phút đi bộ nhưng chúng ta cũng đều leo lên xe máy. Nếu mỗi người có ý thức tốt hơn thì tình hình giao thông chắc sẽ được cải thiện.

* Cá nhân ông đã chọn xe buýt để đi làm chưa?

- Nói thật là chưa. Tôi vẫn bắt buộc phải đi xe máy. Lý do cũng chỉ xoay quanh vấn đề thời gian. Tôi có đi thử xe buýt nhiều lần. Từ nhà đến cơ quan tôi phải qua hai tuyến, vợ tôi phải qua ba tuyến, tính thời gian thì phải gấp đôi đi xe máy, công việc còn phải đến nhiều chỗ khác, nên chúng tôi muốn lắm mà... chưa có điều kiện đi được. Tuy nhiên, ngày nghỉ thời gian rộng rãi hơn, chúng tôi dẫn cháu đi Suối Tiên hoặc đi siêu thị thì lên xe buýt rất tiện.

Phạm Vũ

NHÓM PV
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên