09/03/2014 17:00 GMT+7

Vui buồn trên những chuyến xe buýt

NGUYỄN MINH ÚT
NGUYỄN MINH ÚT

TTO - Tôi thường đi về từ TP.HCM và ngược lại bằng hai tuyến xe buýt nội và ngoại thành. Tôi cũng không còn nhớ đã mấy lần mình được nhường chỗ trên các chuyến xe buýt đông khách cũng như mấy lần tôi bị làm khó dễ khi đi từ ngã tư Ga tới bến xe miền Tây (TP.HCM).

b07j72Mk.jpgPhóng to
Một cảnh bắt khách hơn cả xe dù của xe buýt số 07 ở trạm Suối Tiên trên xa lộ Hà Nội, Q.Thủ Đức, TP.HCM - Ảnh: Tuổi Trẻ

Thư gửi những ai liên quan đến xe buýt “Hung thần” trên phốHình ảnh xấu xí của xe buýt

Tôi chỉ nêu lên đây vài trường hợp điển hình về cung cách ứng xử thiếu văn minh lịch sự của tài xế, tiếp viên và cả hành khách trên vài tuyến xe buýt mà tôi đã gặp phải.

Một lần tôi lên xe về Rạch Lá - Long An cùng với một sinh viên Trường CĐ Giao thông vận tải. Trên xe không ít thanh niên nam nữ nhưng tất cả đều thản nhiên, quan sát xung quanh tôi thấy cũng không ít người lớn tuổi như tôi đang đứng chen chúc trong số hành khách đông nghẹt.

Tệ hại hơn khi một phụ nữ trước khi xuống xe đã ra dấu nhường chỗ cho tôi, nhưng tôi chưa kịp ngồi thì cháu sinh viên lên xe cùng lúc với tôi đã nhanh chân giành mất! Mọi người trên xe, kể cả tiếp viên, vẫn thản nhiên trước hành động đó!

Lần khác trên chuyến xe về Rạch Kiến - Long An, tôi chứng kiến một phụ nữ mang thai phải ngồi phệt xuống sàn xe khi cô tiếp viên ngồi chễm chệ và không ngớt “tám” với anh tài xế trẻ trên hàng ghế có ghi rõ dòng chữ dành cho người khuyết tật, người già, phụ nữ có thai.

Ra sức xây dựng một nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, trong đó văn hóa ứng xử vừa có đạo đức vừa văn minh lịch sự như thương yêu giúp đỡ người bệnh tật già cả ốm đau... Ít nhất một lần cháu sinh viên trường cao đẳng vừa nêu cũng đã đọc và nghe qua nhưng tiếc thay cháu lại không thực hiện được! Vì sao vậy?

Không ít người tuổi cao, tàn tật, khuyết tật đã cống hiến xương máu, sức lao động cả đời vì dân tộc, vì đất nước, họ xứng đáng được sự quan tâm giúp đỡ của xã hội và nhất là những người trẻ. Một việc rất nhỏ là nhường chỗ ngồi cho họ trong chốc lát trên những chuyến xe buýt, tại sao có người lại không làm được?

Tất nhiên nội và ngoại thành có rất nhiều tuyến xe buýt và tài xế, tiếp viên, hành khách không phải ai cũng như ai. Có lần trên chuyến xe nội thành tôi bị từ chối xuống trạm cuối trước khi xe vào bến xe miền Tây với lý do hết sức đơn giản của tài xế: “Cứ vào bến rồi đi ra, chết chóc gì một đoạn đường ngắn mà bác sợ!”.

Một lần khác tôi bị tiếp viên “ép” xuống trên đường Sơn Kỳ cách trạm cuối cả 300m: “Bác cứ xuống đây rồi đi bộ lại đó, chạy đúng tuyến, dừng đúng trạm lỡ bị kẹt xe thì làm sao kịp giờ!”.

Một buổi sáng đẹp trời tôi đi trên tuyến 32, tài xế lái xe như điên trong thành phố, vừa nhấn ga rồi đạp thắng, mới đạp thắng lại nhấn ga bất kể hành khách trên xe ra sao cũng mặc. Khi tới trạm xuống thì tiếp viên gần như “quăng” hành khách xuống đường, trạm lên thì lôi kéo trông thật thảm hại, tới ngã ba, ngã tư kẹt đường thì văng tục chửi rủa.

Những trường hợp nêu trên là những điều mắt thấy tai nghe có thể coi như điển hình để qua đó mọi người cùng suy ngẫm vậy!

Trước thực trạng này nên chăng:

Các hợp tác xã vận tải, các công ty vận tải phối hợp cùng các sở giao thông vận tải thường xuyên tổ chức các hình thức học tập về cung cách phục vụ của cả tài xế và nhân viên đối với hành khách, có nhắc nhở, kiểm tra, thi đua khen thưởng. Nên có những hội thi hoặc phát động những tháng có chủ đề phục vụ hành khách cho tài xế, tiếp viên và nhân viên ngành. Theo tôi, các hợp tác xã, các công ty vận tải chưa quan tâm lắm về vấn đề này.

Hội Liên hiệp Thanh niên, Đoàn thanh niên thường xuyên lồng ghép vào các chuyên đề sinh hoạt, tọa đàm, hội thảo về các hành vi văn hóa ứng xử của thanh niên trong cuộc sống, trong đó nên có văn hóa “ứng xử văn minh lịch sự trên các phương tiện vận chuyển công cộng”.

Từ các bậc học phổ thông đến đại học, tùy theo từng trình độ nhà trường nên có những buổi sinh hoạt, lồng ghép nhẹ nhàng vào những bài học, tọa đàm về lối sống văn minh lịch sự, lối sống lành mạnh, có ích... của thanh thiếu niên.

Nhường chỗ cho người già, khuyết tật, ốm đau, phụ nữ có thai… trên các phương tiện vận chuyển công cộng là chuyện nhỏ nhưng ý nghĩa giáo dục lại rất lớn đối với mọi người, đặc biệt là đối với việc hình thành nhân cách cho lớp người trẻ.

NGUYỄN MINH ÚT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên