07/03/2014 14:26 GMT+7

Để ai cũng "được về nhà"!

Diệp Hoàng
Diệp Hoàng

TTO - Những cái chết thương tâm liên tiếp của người dân dưới bánh xe buýt, đặc biệt là cái chết của học sinh 12 tuổi Nguyễn Đức Bảo Trác tại TP.HCM sáng qua 6-3 đang thật sự khiến bạn đọc bức xúc mạnh.

Không thể "ngồi yên" khi đã có những bạn trẻ mãi mãi ra đi với tuổi thanh xuân vì tai nạn xe buýt. Không thể không lên tiếng khi nỗi ám ảnh xe buýt đang như lớn dần trong cộng đồng. Không thể chấp nhận nếu danh sách nỗi đau tang tóc bởi xe buýt còn nối dài. Song, trong câu chuyện về "hung thần" xe buýt, còn có cả câu chuyện quy hoạch đường sá, chuyện lượng xe máy khổng lồ, chuyện người đi bộ, người đi xe máy đang đi lại với cách thức như thế nào...

Có cả những ý kiến bạn đọc chia sẻ phần nào áp lực của tài xế xe buýt khi phải "bơi" giữa dòng xe máy, áp lực về thời gian theo quy định của đơn vị, song tất cả những điều ấy không thể biện luận cho các hành vi gây nguy hiểm đến tính mạng con người. Nhiều bạn đọc đưa ra đề xuất cho bài toán xe buýt với ước vọng duy nhất: để xe buýt không là "quan tài di động", để không còn tai nạn giao thông, để ai cũng được về nhà.

Tuổi Trẻ Online trích đăng một số ý kiến.

iMmJhLiC.jpgPhóng to
Thi thể học sinh Nguyễn Đức Bảo Trác (12 tuổi, học Trường THCS Hà Huy Tập, Q.Bình Thạnh) được đưa lên xe sau vụ tai nạn xe buýt tại giao lộ Phan Đăng Lưu - Phan Xích Long (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) sáng 6-3 - Ảnh: Mậu Trường

Thà chậm một chút mà được bình an

Tôi và một vài người bạn từng là nạn nhân của xe buýt. Lần đó thấy đèn đỏ, nhóm chúng tôi đi bộ băng qua đường thì một chiếc xe buýt vượt đèn đỏ lao vào chúng tôi, lơ xe kêu gào tránh đường. Chúng tôi phải chạy ngược trở lại vào lề đường, may mà không sao. Tuy vậy một người bị xe buýt chạy vượt qua sát lưng, hoảng quá nên bị té, sau đó phải bó bột. Người dân chúng tôi rất sợ xe buýt.

Xe buýt chạy chậm cũng được có sao đâu, chạy chậm thì chúng tôi đi làm sớm thêm vài phút. Phóng nhanh vượt ẩu làm chi để gây tai nạn? Tai nạn thương tâm xảy ra thì những người ngồi trên xe buýt ấy có lẽ cũng ám ảnh cả đời.

Đừng lợi dụng chính sách khuyến khích

Nhiều tài xế xe buýt đã lợi dụng chính sách khuyến khích vận tải công cộng của thành phố nên lái xe vô cùng ẩu và từ lâu họ bị gọi là hung thần đường phố. Tôi rất ngạc nhiên khi ít thấy xe buýt bị công an giao thông xử lý, điều này góp phần vào hành vi lái xe cẩu thả coi thường mạng sống người đi đường của đại đa số tài xế xe buýt. Mạng người là quan trọng nhất, tôi đề nghị các cơ quan phải làm gì đó để chấn chỉnh hoạt động xe buýt.

Vừa chở con vừa run

Xe máy giành đường xe buýt!

Xe máy và xe buýt chạy chung làn đường là điều rất nguy hiểm cho người đi xe máy. Nhưng tôi thấy có rất nhiều người không hề sợ xe buýt. Buổi sáng đi làm ngày nào tôi cũng thấy cảnh giành nhau để vượt lên khi gặp xe buýt!

Cơ quan chức năng phải nhanh chóng làm gì trong vấn đề xe buýt. Đi quốc lộ thì gặp xe tải, xe ben..., trong nội thành thì gặp hung thần xe buýt. Mỗi ngày tôi đều chở con đi học và chiều thì đón về, chạy xe mà đầu căng như dây đàn tập trung cao độ để đối phó với xe cộ, về đến nhà mới thở ra nhẹ nhõm. Tôi không dám để con tự lập đi xe đạp đến trường vì đường đi có rất nhiều tuyến xe buýt đi ngang, có thể ra vào trạm bất kỳ lúc nào.

Học hỏi kinh nghiệm điều hành của nước bạn

Tôi từng sống và làm việc tại Seoul, Hàn Quốc. Nói chung phương tiện vận tải của họ có quy định và kiểm soát rất khắt khe nên tài xế nước họ rất sợ và luôn thực hành đúng quy định.

Ví dụ: giờ cao điểm thì tuyến đường xe chạy trong cùng thuộc về xe buýt, dưới đường tuyến xe buýt chạy có ghi rõ ràng giờ chạy ưu tiên hoặc khi nhận khách xe phải cập sát mép lề đường, tránh việc khi khách bước xuống xe mà có phương tiện khác chen vào sẽ gây nguy hiểm cho hành khách. Họ chỉ đón khách đúng nơi quy định, không đón khách giữa đường, nên chăng ngành giao thông công chánh ở nước ta nên nghiên cứu và học hỏi để góp phần xóa đi những hình ảnh tai nạn thương tâm.

Nâng cao ý thức tài xế xe buýt

Mơ có đường riêng cho xe buýt

Đành rằng đường sá ở ta quá kém, chưa có làn riêng cho xe buýt và xe máy quá nhiều nhưng tôi nhận thấy phần lớn xe buýt chạy rất ẩu. Các lỗi phổ biến như vượt đèn, giành khách, thích tấp lề khi nào thì tấp, thậm chí không thèm dừng khi thả đón khách.

Tôi là đàn ông mà cũng suýt mấy lần té do xe buýt thắng gấp và tấp vào lề đột ngột đón trả khách. Cũng mong các ông chồng dành chút thời gian đưa đón con cái đi học thay vì giao phó hết cho các bà vốn dĩ yếu tay lái, dễ giật mình khi nghe tiếng còi xe. Cũng ước ao sao có một con đường dành riêng cho xe buýt đi xuyên suốt thành phố.

Theo tôi, phần nhiều tai nạn giao thông xe buýt là do tài xế chạy ẩu mà ra. Đi đường chúng ta đều thấy các tài xế xe buýt chạy ẩu như thế nào. Vì thế tôi nghĩ muốn giảm tai nạn xe buýt thì phải nâng cao ý thức của tài xế. Mà để làm việc này hiệu quả, tôi nghĩ cần làm việc gay gắt hơn với các cơ quan chủ quản, các doanh nghiệp vận tải quản lý xe buýt. Phải yêu cầu các cơ quan này tăng cường công tác giáo dục tư tưởng và cả những chế tài để các tài xế có ý thức giao thông tốt hơn.

Ngày nào cũng dặn "Cẩn thận nhe con!"

Với tai nạn giao thông xe buýt, tổn thất nhân mạng còn đo đếm được bằng con số, tổn thất của xã hội do nỗi sợ hãi, nỗi bất an đem lại thì không gì có thể đo đếm. Bản thân tôi cứ thi thoảng thấy lo lắng, mệt mỏi, cứ nghĩ quẩn khi hằng ngày con cháu mình phải luôn đối mặt với nguy cơ tai nạn giao thông rình rập. "Cẩn thận nhe con" luôn là lời nhắc nhở thường xuyên nhưng cũng khó an lòng, bởi suy cho cùng sự cẩn thận đó chỉ đảm bảo an toàn một phần nhỏ nhoi trước quá nhiều nguy cơ khó lường, khó tránh.

Biết là vậy nhưng có lẽ cẩn thận vẫn là trên hết, vẫn là việc đầu tiên phải làm mỗi khi tham gia giao thông, và tôi mong muốn mọi người "nằm lòng" hai chữ cẩn thận. Cẩn thận cho chính bản thân mình, cho người khác, cho mọi thứ tốt đẹp hơn. Mong lắm thay!

Gắn camera, xử phạt nghiêm xe buýt

Đề nghị gắn camera giám sát hành trình trước sau, hai bên hông và trong xe buýt để tiện việc xử lý và theo dõi, cần thiết thì gắn thêm micro ghi âm tại khu vực của tài xế để theo dõi tài xế có nói chuyện điện thoại hay nói chuyện gì gây mất tập trung hay không!

Số lượng xe buýt tại TP.HCM rất lớn, nếu gắn camera giám sát hành trình thì sẽ có nhiều chứng cứ để giải quyết tai nạn giao thông. Mong các đơn vị chức năng mau thực hiện để dễ minh oan cho những tài xế vô tội và cũng là chứng cứ xử lý người có tội.

Thêm nữa, lực lượng cảnh sát giao thông dường như không phạt xe buýt tội lấn tuyến, lấn làn nên tài xế chạy rất tùy tiện, mong các đồng chí cảnh sát giao thông xử phạt thật nghiêm!

----------------------------

* Tin bài liên quan:“Coi chừng xe buýt nghe con”!Xe buýt cán chết một học sinhTuổi Trẻ 7-3: Lại chết thương tâm dưới bánh xe buýtNgười bán vé số chết thảm dưới bánh xe buýtXe buýt cán chết một phụ nữ người NhậtMột thanh niên đi xe máy bị xe buýt cán qua người

Diệp Hoàng
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên