08/10/2013 10:04 GMT+7

Dạy trẻ tả dối: lỗi đâu phải của giáo viên

Thanh Thu (Q. Gò Vấp)
Thanh Thu (Q. Gò Vấp)

TTO - Khi trẻ không được tận mắt thấy những điều mình mô tả, chấm điểm phải sát theo đề tài. Đó là những lý do buộc giáo viên phải "vô tình tiếp tay" cho trẻ tả dối.

ISYbnBGT.jpgPhóng to
Với nhiều học sinh ở thành phố, không phải ai cũng có cơ hội quan sát thiên nhiên để tả chi tiết như đề ra - Ảnh tư liệu - Ảnh chỉ mang tính chất minh họa

Bài văn tả mẹ của cháu tôiKý ức không hay luôn khắc sâu trong các bé“Đạo văn” bắt đầu từ đâu?Tả dối ảnh hưởng đến việc học văn

Đó là ý kiến của bạn đọc Thanh Thu (một giáo viên) gửi đến Tuổi Trẻ Online nhân đọc hai bài viết “Đạo văn bắt đầu từ đâu” (tác giả Thụy Hiền, đăng ngày 2-10) và “Tả dối ảnh hưởng đến việc học văn” (tác giả Trúc Giang, đăng ngày 3-10), cũng như một số ý kiến chia sẻ của phụ huynh đăng trên Tuổi Trẻ số ra ngày 7-10.

Tuổi Trẻ Online xin đăng lại:

Dưới góc độ của một nhà giáo, xin được nêu ra vài chia sẻ với mong muốn mọi người sẽ có cái nhìn đầy đủ hơn về nỗi khổ của một giáo viên đứng lớp.

Thứ nhất, tôi có hai đứa cháu, một đang học lớp 2 và một học lớp 6. Ngày nào đi học về, các cháu cũng hỏi tôi tên của các loài hoa, cây xanh trồng dọc hai bên vệ đường.

Ngày nghỉ cuối tuần, đứa lớn luôn đòi ba mẹ chở về quê để được tận mắt nhìn thấy lúa đang mạ dòng, con gà trước khi gáy đập cánh thế nào. Đứa nhỏ lại đòi đi sở thú chỉ vì “mấy cái hình minh họa trong sách giáo khoa nhỏ quá, con phải tận mắt nhìn thấy ngoài đời mới có thể tả lại được”.

Nhưng không phải bố mẹ ở thành phố nào cũng có đủ thời gian và điều kiện đưa con đi “mục sở thị” thiên nhiên như thế.

Trong khi đó, hình ảnh minh họa trong sách giáo khoa hiện nay đa phần là hình vẽ của các họa sĩ, câu chữ miêu tả rập khuôn, nhàm chán khiến học sinh thiếu hứng thú, khó hình dung các loài vật, cây cảnh trong thực tế đời thường.

Học sinh ở thôn quê còn đỡ, ngay cả những học sinh giỏi nhất ở thành thị cũng chỉ nghe được qua lời kể của bố mẹ, ông bà hoặc là sản phẩm tạo ra của trí tưởng tưởng.

Vậy mà phân môn tập làm văn lại yêu cầu các em phải miêu tả thật cụ thể, rõ nét từng đặc điểm của các loài cây cảnh, con vật mà từ nhỏ đến lớn các em chưa một lần nhìn thấy.

Đứng ở vai trò của một giáo viên, không lẽ bỏ mặc cho học sinh của mình để giấy trắng, phải nhận những điểm số không mong muốn chỉ vì lỗi không thuộc về các em?

Thứ hai, với nền giáo dục trọng hình thức, câu nệ câu chữ đến từng gạch đầu dòng 0,25 điểm, học sinh không còn “đất” phát huy tinh thần sáng tạo. Làm khác đi so với những gì chương trình đặt ra đồng nghĩa với việc trở thành yếu, kém.

Đơn cử như trường hợp một học sinh không có cha, với đề văn “Hãy miêu tả sự lam lũ của một người cha”. Nếu để giấy trắng hoặc tự ý chuyển thành bài viết miêu tả những vất vả, lo toan của mẹ, dù có viết cảm động và hay cách mấy, em cũng bị đánh giá là lạc đề và phải nhận điểm 0.

Trước tình cảnh đó, giáo viên không còn cách nào khác là phải viết ra những hướng dẫn mang tính chất “dọn đường” cho em trong việc hoàn thành bài viết.

Dẫu biết việc làm đó không đúng với lương tâm nhà giáo nhưng thử hỏi, lương tâm nhà giáo có cho phép cô đứng nhìn học sinh của mình phải chịu thiệt thòi, thậm chí là tổn thương hơn về mặt tình cảm chỉ vì một bài văn không thể hoàn thành?

Gợi ý cho học trò thì bị cho là tiếp tay cho “đạo văn”, hướng dẫn các em những điều mà chúng không thể trực tiếp nhìn thấy thì bị quy chụp là đang dạy học sinh cách “tả dối”.

Nhưng nếu không làm như thế, nhà trường và phụ huynh sẽ không biết được sức học thật của các em khi bị điểm xấu chỉ vì “không có cơ hội được hiểu biết trong thực tế”.

Bản thân học sinh nếu không được giáo viên “tiếp sức” sẽ mặc cảm, tự ti vì không hoàn thành được những yêu cầu trong sách giáo khoa.

Ở đây, tôi muốn nói đến vấn đề “bất khả kháng”, lỗi không thuộc về quyền quyết định của những người trực tiếp tạo ra điều đó.

Nói qua để thấy bản thân giáo viên cũng có trăm ngàn cái khổ. Một bên là sức ép từ ban giám hiệu với những yêu cầu về chỉ tiêu, thành tích, bên kia là sự kì vọng của phụ huynh, quyền lợi và những đòi hỏi chính đáng của học sinh.

Vì vậy trước khi trách những người thầy, người cô đã làm ra điều đó, xin hãy nhìn lại về chương trình và những trọng trách mà ngành giáo dục buộc họ phải làm theo như thế. Suy cho cùng, họ chỉ có lỗi “chẳng đặng đừng” mà thôi!

Bạn có đồng tình với ý kiến của bạn đọc Thanh Thu? Theo bạn, làm thế nào để khắc phục tình trạng học sinh tả dối? Là giáo viên, bạn chia sẻ những kinh nghiệm gì của mình trong việc dạy trẻ học văn? Liệu việc dạy trẻ học văn như thế này có gây nguy hại gì cho tương lai của trẻ?...

Hãy chia sẻ cùng Tuổi Trẻ Online qua địa chị email tto@tuoitre.com.vn hoặc qua phần Ý kiến bạn đọc ngay dưới bài.

Thanh Thu (Q. Gò Vấp)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên