07/10/2013 03:17 GMT+7

Ký ức không hay luôn khắc sâu trong các bé

HOÀNG CÁT
HOÀNG CÁT

TT - Ngày còn học tiểu học, tôi không biết viết văn, kể cả chỉ là kể lại câu chuyện Ăn khế trả vàng. Tôi rất thắc mắc sao các bạn làm được mà tôi không làm được. À thì ra chỉ cần học thuộc câu chuyện rồi kể lại, thế là có điểm cao. Khi tôi lên lớp 4, môn văn của tôi vẫn ì ạch như thế.

LTS: Sau các bài viết “Đạo văn bắt đầu từ đâu” (tác giả Thụy Hiền, đăng ngày 2-10) và “Tả dối ảnh hưởng đến việc học văn” (tác giả Trúc Giang, đăng ngày 3-10), Tuổi Trẻ đã nhận được nhiều ý kiến trao đổi quanh vấn đề này. Mời bạn đọc cùng theo dõi.

Trước khi thi học kỳ, cô giáo cho lớp một bài văn mẫu về tả cánh đồng lúa (tôi đã được gặp cánh đồng lúa bao giờ đâu mà tả), cô bảo về học thuộc. Nghe lời cô, tôi về học thuộc từng chữ. Vào thi đúng bài tả cánh đồng lúa tôi đã thuộc, chép hết những gì cô cho ghi, còn đoạn kết vì hết giờ do trống đánh sớm năm phút, thế là ghi không kịp. Bài làm của tôi được 9,5 điểm (điểm số lần đầu tiên đạt được). Trẻ con mà, vui lắm chứ. Khi lớn, tôi nghĩ về bài văn 9,5 điểm của mình, thì ra đó là 9,5 điểm của công học thuộc bài chứ không phải công tôi viết văn. Và tôi thấy xấu hổ.

Trở thành một giáo viên, tôi ngẫm nghĩ giữa hai lựa chọn: dạy học sinh sử dụng rập khuôn những gì đã được định sẵn để có điểm cao hay dạy học sinh sử dụng tư duy của mình để vận dụng thực tế. Và tôi nhận thấy không dễ để lựa chọn giữa đúng mà khó, giữa dễ mà sai. Tùy tâm mỗi người mà có quyết định. Tôi mong mọi người hãy quyết định chọn lựa điều tốt nhất cho một chặng đường dài, chứ đừng chọn cái chỉ đem lại lợi ích nhất thời. Trong cuộc sống chúng ta vô tình dạy trẻ con lối sống sáo rỗng. Đơn giản như việc mời các bé lên khán đài nhận thưởng, quà với bao thư rỗng. Trẻ con thơ ngây bị tổn thương chúng ta nào biết. Ký ức không hay khắc sâu trong tâm khảm các bé chúng ta nào hay. Lối sống hình thức, dối trá ăn mòn nhân cách các cháu, chúng ta có sửa được chăng khi các cháu trưởng thành? Giáo dục con trẻ cần cẩn trọng.

Con không nói dối

Con tôi học lớp 4, đầu năm cô giáo cho về nhà làm bài văn: Viết thư chúc và thăm hỏi ông bà nhân dịp năm mới. Phần chúc thì dễ rồi, nhưng phần thăm hỏi thì cháu không biết viết gì nhiều. Tôi mới gợi ý cho con hãy tưởng tượng mình đang ở cách bà thật xa (vì cháu chỉ còn bà) và hỏi bất cứ chuyện gì có liên quan đến bà. Cháu không biết, tôi thí dụ hai câu “Bà hết đau lưng chưa? Lúa có trúng mùa không?”. Lập tức cháu đáp lại: “Không nói dối”. Vì cháu không biết bà có đau lưng hay không và nhà bà không có trồng lúa (ruộng xa nhà nên cháu không biết).

Thay vào đó, cháu biết người thím mới vừa bệnh nên hỏi “Thím... có khỏe không bà?” trong bài văn cô giáo cho về nhà. Tôi mừng vì sự trung thực của cháu...

Tôi lo cho con tôi

Con tôi đang học lớp 5. Từ khi còn học các lớp 3, 4, cô giáo hay cho bài tập làm văn về nhà với hàng chục câu gợi ý, chỉ cần trả lời các câu hỏi là gần như có bài văn hoàn chỉnh.

Tôi bảo con đừng theo câu hỏi của cô, con nhìn thấy nó có gì nổi bật, hay con nghĩ gì về nó thì con viết theo suy nghĩ của con, hoặc những bài làm văn kể chuyện thì tôi hướng dẫn cháu cứ kể chuyện thật. Phần còn lại là cách dùng từ sao cho hợp lý và hay, cái này phải có vốn từ.

Mà muốn có vốn từ nhiều phải đọc sách báo nhiều. Đôi khi cháu làm bài văn chưa hay lắm, điểm khá thôi vì làm văn khác gợi ý có sẵn nhưng tôi vẫn khen con vì dám thoát ra hướng dẫn của cô giáo. Tôi luôn dạy cháu điểm số không quan trọng, quan trọng là mỗi ngày con phải khác đi, nghĩ được, học được thêm những cái gì mới. Nhưng không phải cô giáo nào cũng thích điều này.

Họ sợ học sinh viết theo suy nghĩ thì điểm không cao, ảnh hưởng thành tích chung cả lớp. Gần đến thời gian thi học kỳ thì luôn luôn có những đề văn mẫu và những gợi ý mẫu cho các cháu học thuộc để thi. Nói thật, tôi lo con tôi đánh mất sự sáng tạo, khả năng tư duy vì kiểu học như thế. Mặt khác, cháu đã bắt đầu làm quen với đối phó và nói dối.

HOÀNG CÁT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên