03/10/2013 02:46 GMT+7

Tả dối ảnh hưởng đến việc học văn

TRÚC GIANG (Q.3, TP.HCM)
TRÚC GIANG (Q.3, TP.HCM)

TT - Hôm họp phụ huynh đầu năm cho con gái đang học lớp 4, cô giáo chủ nhiệm có dặn dò phụ huynh phải quan tâm đến việc học của con, trong đó có môn tập làm văn. Cô giáo nói bài tập làm văn lớp 4 phải khác nhiều so với bài tập làm văn lớp 3, phải dài hơn (nhiều câu hơn, câu phải nhiều ý hơn...), phải có mở bài, thân bài, kết luận rõ ràng... Cô giáo cũng thí dụ một số câu, chẳng hạn tả về sân trường thì nên có những hàng cây cao vút, có hoa, có tiếng chim hót... Cô nói như thế câu văn mới sinh động, mới hay...

Hồi đi học, tôi thích môn văn, sau này cũng có viết lách, nên cơ bản đồng tình với gợi ý của cô giáo. Viết văn để tránh vô hồn thì phải miêu tả những hình ảnh sinh động với âm thanh, màu sắc, hình khối, thể hiện bằng những từ tượng thanh, tượng hình...

Ngẫm kỹ lại, với học sinh tiểu học, yêu cầu viết tập làm văn cho sinh động chắc không phải tưởng tượng mà phải ghi lại, miêu tả lại những gì có thực trong cuộc sống mà các em thấy, các em biết. Tôi thấy rằng đến đây việc học văn đã trở nên khó khăn rồi. Ngay như thí dụ của cô giáo con tôi (may mà sân trường con tôi đang học có mấy tán cây me tây cổ thụ, thường có hoa tím phơn phớt, nhìn từ lầu hai có thể thấy rất rõ), nếu những trường không có tán cây thì miêu tả thế nào đây? Đã không có cây thì không có lá, không có hoa, cũng chẳng có tiếng chim, nếu yêu cầu các em viết cho sinh động thì khác nào bảo các em “tả dối”, phải tưởng tượng?

Cũng như vậy, yêu cầu tả ông bà, mà nhiều em không sống gần ông bà, thi thoảng mới gặp, không có nhiều hình ảnh, cảm xúc thì tả thế nào cho sinh động? Hoặc đôi khi được “mặc định” rằng bà (nội hoặc ngoại) tóc bạc da mồi, nhai trầu bõm bẽm, hay ngồi xâu kim may vá... thì bây giờ nhiều phụ nữ “lên chức” bà ở tuổi 60 vẫn còn trẻ và khỏe mạnh thì tả thế nào để không bị cái “mặc định” đó bác bỏ? Yêu cầu tả cô giáo mà cô hay quát nạt, thiếu tình cảm, không quan tâm đến học trò thì biết tả thế nào cho vừa hay mà vừa không làm cô phật ý? Hay tả buổi tối ở gia đình thì với một số em cha mẹ ly tán hoặc đi làm đến khuya mới về, lấy đâu không khí gia đình để tả một cách đầm ấm?... Như vậy, trong nhiều trường hợp, các em phải viết theo bài mẫu, theo gợi ý của giáo viên, theo sự tưởng tượng mà không có thật. Sự giả tạo đó có lẽ lâu ngày sẽ khiến sự yêu thích học văn của học sinh giảm đi, khả năng viết văn của học sinh kém đi, trừ những em có khả năng đặc biệt, có thể phát huy sự tưởng tượng đó thành hư cấu văn học...

Vì vậy, tôi nghĩ rằng tốt hơn hết là vẫn viết thực, tả thực - dĩ nhiên không phải cái thực quá trần trụi, quá tự nhiên - và đừng quá bay bổng, quá “đẹp” so với cái thực tế đang có. Sân trường chỉ có một cây bàng thì chỉ nên tả một cây bàng, nhưng nên gợi ý cho trẻ nhìn màu lá úa đỏ vào những ngày cuối năm hay những hoa trắng li ti vào mùa mưa, hay cái dáng sừng sững hiên ngang của nó, chứ đừng yêu cầu trẻ tả thành cây khác. Em không có (hoặc không biết) ông bà thì đừng bắt em tả ông bà, có thể để em tả người khác, nhất là người nào em yêu quý, kính trọng. Buổi tối ở nhà em buồn tẻ thì cứ để em tả như thế và cũng đừng chê em sao không biết tưởng tượng...

Đừng vì bài văn điểm cao cho đạt các kết quả thi đua “đẹp” mà bắt trẻ không trung thực, lại triệt tiêu cái riêng (có thể rất độc đáo) của các em!

TRÚC GIANG (Q.3, TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên