Phóng to |
Ông Lê Đình Ân (nguyên giám đốc Trung tâm Dự báo kinh tế xã hội quốc gia, Bộ Kế hoạch - đầu tư): Giảm tổn thất trước khi điều chỉnh giá
Tập đoàn Điện lực (EVN) có cả một đề án giá điện theo cơ chế thị trường. Nhưng tôi cho rằng đề án cần hơn là đề án giảm tổn thất điện năng. Hiện tổn thất điện năng ở VN cao quá, tới gần 10%. Tức là tiêu thụ 100 tỉ kWh/năm thì VN mất gần 10 tỉ kWh, và tiêu hao đó phải tính vào giá điện. Cần có đề án đủ mạnh để giảm mức tổn thất này. Thứ hai là bộ máy, nhiều ý kiến cho rằng bộ máy ngành điện còn cồng kềnh, gần đây lại đẻ ra thêm nhiều tổng công ty nữa... nên tổng thể có thể khiến chi phí quản lý tăng cao. Nếu không có đề án giảm tổn thất điện năng và giảm chi phí quản lý thì tăng giá không có nhiều ý nghĩa, không giúp được nhiều cho nền kinh tế.
Còn việc tăng giá, cần tính là cầu hiện nay đang rất yếu. Doanh nghiệp cũng rất khó khăn. Trong khi để giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất, thoát khỏi khó khăn thì đáng lẽ cần giảm chi phí đầu vào như lãi suất, chi phí sản xuất kinh doanh. Nếu tăng giá điện thì đầu vào sẽ tăng, sẽ có những doanh nghiệp đang cố cầm cự có thể không cầm cự được nữa... Nếu tăng giá điện 5-7%, theo tôi cũng là lớn, dù ảnh hưởng đến CPI chỉ dưới 1% nhưng trong bối cảnh khó khăn hiện nay sẽ có tác động. Doanh nghiệp có thể bị phá sản do chi phí đầu vào tăng trong khi không thể tăng giá bán. Nếu điều này xảy ra thì tác động tăng giá điện sẽ lớn...
Ông Nguyễn Tuấn Phương (giám đốc Công ty Thực phẩm Đồng Nai - D&F): Doanh nghiệp sẽ chết...
Tăng giá điện nhấp nhổm thế này thì doanh nghiệp chết là cái chắc. Thời điểm hiện nay sức mua đang xuống rất thấp, gần như doanh nghiệp đang phải vật lộn với việc đẩy sức mua, nếu tăng giá điện đồng nghĩa với việc chi phí đầu vào tăng thêm. Đối với ngành thực phẩm, giá điện cho kho lạnh, cấp đông tốn kém hàng trăm triệu đồng mỗi tháng. Tăng giá điện sẽ khiến sức cạnh tranh của doanh nghiệp yếu đi nhiều, các doanh nghiệp có lãi kinh doanh còn chật vật, các doanh nghiệp nhỏ và vừa thì chỉ có lỗ. Trong khi hàng hóa không bán được mà lại tăng chi phí đầu vào, doanh nghiệp chỉ còn biết “ôm” hàng hóa chết chứ không biết làm thế nào mà xoay xở nổi.
TS Lê Đăng Doanh (nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương): Cần giám sát vị thế độc quyền của EVN
Nếu tăng giá điện thời điểm này có thể là không may mắn, thậm chí bất hạnh với nhiều doanh nghiệp. Nên cân nhắc thời điểm cần thiết. Nhất là việc tách doanh nghiệp ximăng, sắt thép ra tính biểu giá riêng, tôi cho rằng có thể cần làm việc này để cho họ có ý thức đổi mới công nghệ, tiết kiệm ngay từ khâu chuẩn bị đầu tư. Nhưng cũng phải có lộ trình để họ chuẩn bị, chứ không nên thấy cần là quyết tăng ngay.
Bản thân ngành điện cũng cần tính kỹ thời điểm, mức tăng giá để chia sẻ với doanh nghiệp, bởi nếu tăng giá mạnh, doanh nghiệp không cầm cự được thì EVN sẽ bán điện cho ai? Đặc biệt, dư luận thời gian gần đây nói nhiều về vị thế độc quyền của EVN, cách quản lý, giảm tổn thất điện năng... Cần có giám sát vị thế độc quyền của EVN. Bộ Công thương nên vào cuộc xem việc các tập đoàn dầu khí, điện, than gần đây ký văn bản hợp tác có tạo ra một liên kết siêu độc quyền không.
Tóm lại, theo tôi, tăng giá điện thời gian tới, nếu có, cơ quan chức năng cần tham khảo các hiệp hội, doanh nghiệp để xem khả năng chịu đựng, dự kiến tác động ra sao. Cần tránh quyết định giá xong sẽ có những hậu quả phát sinh không lường trước được...
Ông Văn Đức Mười (tổng giám đốc Vissan): húng tôi sẽ kiệt quệ hơn
Nếu giá điện tăng 2-7% thì doanh nghiệp đã yếu sẽ còn kiệt quệ hơn. Chẳng hạn, hiện Vissan mỗi tháng chi phí tiền điện khoảng 1,5 tỉ đồng, nếu tăng giá điện thêm 5% thì chi phí tăng thêm sẽ khoảng 90 triệu đồng mỗi tháng. Giá xăng dầu có tăng có giảm trong khi giá điện chỉ tăng sẽ ảnh hưởng đến hàng loạt nguyên phụ liệu tăng theo. Hàng hóa chất đầy kho mà lại tăng giá bán sao doanh nghiệp tồn tại được?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận