19/10/2012 14:45 GMT+7

Sao không tiết kiệm hơn nữa để tăng lương?

hdthingan76@
hdthingan76@

TTO - Việc Bộ Tài chính dự tính năm 2013 không tăng lương do khó khăn ngân sách khiến nhiều bạn đọc lo ngại, đồng thời cho rằng hoàn toàn có thể tăng lương nếu chúng ta tiết kiệm hơn các chi phí không cần thiết.

Không tăng lương: bóp bụng đi làmLương tối thiểu và luậtGiảm chi tiêu để tăng lương

ffr0iHsI.jpgPhóng to
Công nhân Khu chế xuất Linh Trung (TP.HCM) lãnh lương qua máy ATM - Ảnh: Tiến Thành

Dưới đây, TTO xin trích đăng một số ý kiến của bạn đọc về vấn đề này:

* Bốn bước cải cách tiền lương

Muốn cải cách được cơ chế tiền lương đúng nghĩa cần phải có những bước sau: Một là sát hạch về trình độ, năng lực nghiệp vụ chuyên môn của từng cán bộ, bộ phận công tác của cán bộ, công chức, viên chức. Hai là đánh giá đúng thực lực của công chức, viên chức. Ba là phân tầng thâm niên công tác (ví dụ 5 năm thì bao nhiêu phần trăm, 10 năm thì bao nhiêu phần trăm, lũy kế thâm niên lớn dần, như vậy người cán bộ, công chức có công tác 30 năm không chịu thiệt thòi), còn mặt bằng tiền lương thì cấp trình độ bằng nhau được hưởng như nhau. Bốn là dù trình độ ĐH nhưng công chức, viên chức không có năng lực làm việc thì hưởng lương bằng trung cấp, thể hiện qua sát hạch từng năm. Cán bộ, công chức lực lượng vũ trang cũng vậy.

* Cần tiết kiệm, chống tham nhũng hơn nữa để tăng lương

Theo báo cáo của Bộ Tài chính thì cần khoảng 60.000 - 65.000 tỉ đồng để tăng lương cho toàn bộ những người hưởng lương trên đất nước Việt Nam. Theo tôi, cần tiết kiệm, chống tham nhũng mạnh mẽ hơn để tăng lương. Tôi nghĩ chỉ cần chống được một cái Vinalines hay Vinashin là chúng ta đảm bảo đời sống cho dân cả nước...

Bản thân tôi là một công chức đã có 34 năm công tác, trình độ ĐH, về mặt chuyên môn có kỹ năng làm việc, có kỹ năng sống nhưng tôi không đòi hỏi về tiền mà tôi đòi hỏi Chính phủ, Quốc hội phải xem xét chỉ đạo sao cho công bằng, có hiệu quả, đáp ứng được sự mong mỏi của đại bộ phận công chức. Cuối cùng tôi đề nghị Chính phủ, Quốc hội chỉ đạo thay đổi thang bảng lương.

* Rà soát lại

Nhà nước cần rà soát lại hệ số lương của các đối tượng hưởng lương từ ngân sách, cân đối công việc của họ và thu nhập (có thể chỉ điều chỉnh tăng hệ số lương của một số ngành thấp), nên bỏ bớt các loại phụ cấp, hỗ trợ để giảm gánh nặng ngân sách, bớt khổ cho dân và doanh nghiệp.

* Giảm những thứ không cần thiết

Tôi hoàn toàn ủng hộ quan điểm tinh giản bộ máy, tách y tế và giáo dục với mấy khu vực “ăn theo” kia, qua nhiều lần tăng lương cũng sẽ nâng cao được chất lượng y tế và giáo dục. Một số bộ phận khác nên xã hội hóa hoặc chuyển sang khu vực doanh nghiệp hoặc tự cung tự cấp.

Các cơ quan nhà nước nên giảm các chi phí như: khai trương, khánh thành nên tổ chức tiết kiệm; các sếp giảm mua ôtô xịn, giảm nhậu nhẹt tiệc tùng tiếp khách; chi phí đi lại bằng máy bay và ở khách sạn cao cấp nên kiểm soát chặt chẽ; cắt các lý do tham quan du lịch nước ngoài; có chính sách tiết kiệm xăng dầu điện nước; các chương trình - dự án - đề tài các loại nên kiểm soát chặt chẽ về tính hiệu quả và tổ chức đấu thầu để giảm chi phí...

* Thắt được cái nọ lại lòi ra cái khác

Câu chuyện làm sao công chức sống được bằng lương vẫn còn nan giải chưa có hồi kết. Lấy tiền đâu để tăng lương khi nền kinh tế đang gặp khó khăn? Tinh giản biên chế thì hễ cứ giảm một lại phình ra hai, thắt chặt chi tiêu công thì thắt được cái nọ lại lòi ra cái khác… Thật là quá khó!

* Hạn chế cơ quan nhà nước đi nước ngoài

Tôi đồng ý với lời phát biểu của Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng là các cơ quan nhà nước chỉ cần tiết kiệm một nửa số chuyến đi nước ngoài cũng để ra được một khoản kha khá. Và theo phân tích của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, rõ ràng là dư địa tạo nguồn chi để tăng lương vẫn còn.

Chính phủ sẽ có tiền nếu không tổ chức một lễ khởi công hoành tráng, chưa mua thêm một chiếc xe hơi hạng sang, cán bộ từ chối một chuyến công tác nước ngoài chưa thật cần thiết, thậm chí lùi thời hạn triển khai một số dự án như dự án bảo tàng quốc gia vừa được đề nghị tới 11.000 tỉ đồng...

Nếu Chính phủ không chi theo lộ trình cải cách tiền lương thì cuộc sống của những người làm công ăn lương và sống hoàn toàn dựa vào đồng lương của Nhà nước sẽ đi về đâu, trong khi vật giá ngày càng leo thang? Nếu Chính phủ không làm được điều đó thì những người công chức như chúng tôi đã khó lại càng khó hơn.

* Bạn có ý kiến gì về vấn đề này? Hãy gửi về cho tòa soạn qua địa chỉ email tto@tuoitre.com.vn hoặc trong phần Ý kiến bạn đọc dưới đây. Cảm ơn.

hdthingan76@
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên