19/10/2012 09:18 GMT+7

Lương tối thiểu và luật

PGS.TS NGUYỄN NGỌC ĐIỆN
PGS.TS NGUYỄN NGỌC ĐIỆN

TT - Đúng là không có tiền thì không thể tăng lương. Tuy nhiên, việc bộ trưởng Bộ Tài chính tuyên bố sẽ không đề xuất tăng mức lương tối thiểu từ ngày 1-5-2013, với cùng lý do này, không chỉ gây thất vọng cho xã hội, đặc biệt cho hơn 7 triệu người hưởng lương trong khu vực công, mà còn tạo ra những suy nghĩ về quy định tiền lương trong Bộ luật lao động mới sửa đổi.

Bộ luật lao động mới sửa đổi được Quốc hội thông qua cách nay chỉ vài tháng và sẽ có hiệu lực đúng ngày 1-5-2013. Một trong những điểm mới đáng chú ý nhất của bộ luật, theo nhận định của các giới có thẩm quyền và của dư luận xã hội, là các quy định về tiền lương, bao gồm quy định về mức lương tối thiểu. Theo khoản 1 điều 91 của bộ luật, mức lương tối thiểu là “mức thấp nhất trả cho người lao động làm công việc đơn giản nhất trong những điều kiện bình thường và phải bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ”. Có lẽ ai ai cũng thấy rằng mức lương tối thiểu được ấn định tại một nghị định hiện hành của Chính phủ, 1.050.000 đồng/tháng, còn có khoảng cách với các tiêu chí được đề ra trong luật và chắc chắn phải được tăng lên.

Tất nhiên, cũng phải tỉnh táo thừa nhận trong hoàn cảnh hiện tại, việc tăng lương tối thiểu nhằm đáp ứng các yêu cầu của luật không thể được thực hiện trong ngày một ngày hai, dù ai cũng thấy có tăng mức lương tối thiểu đang được áp dụng lên gấp đôi thì vẫn chưa đáp ứng được các nhu cầu thiết yếu của người lao động và gia đình trong trường hợp điển hình. Vả lại, chỉ nên tăng lương từ từ, theo một lộ trình hợp lý để tránh nguy cơ lạm phát do sự gia tăng đột ngột của lượng tiền xuất hiện trong lưu thông: giá cả tăng vọt, tăng lương sẽ trở nên vô nghĩa.

Có điều ai cũng hiểu luật được làm ra là để được tuân thủ, thực thi, chứ không phải để tham khảo. Điều luật định nghĩa tiền lương tối thiểu trở thành một cam kết ràng buộc người sử dụng lao động. Đối với khu vực công, chủ thể cao nhất chịu sự ràng buộc ấy là Chính phủ.

Ý nghĩa ràng buộc càng được nhấn mạnh trong điều kiện việc soạn thảo văn bản luật được thực hiện dưới sự chủ trì của các bộ, ngành quản lý nhà nước có liên quan, và dự thảo luật được trình cho Quốc hội nhân danh Chính phủ. Nói khác đi, luật trong trường hợp này xuất phát từ sáng kiến và phản ánh ý chí của chính cơ quan tổ chức thực thi, chứ không phải là sự áp đặt từ chủ thể khác.

Đặc biệt, điều quy định về mức lương tối thiểu hầu như không thay đổi về nội dung cơ bản từ lần soạn thảo đầu tiên cho đến khi được chính thức thông qua cùng với toàn bộ dự thảo Bộ luật lao động mới. Điều đó cho phép nghĩ rằng việc thỏa mãn các tiêu chí định tính và định lượng về mức lương tối thiểu hoàn toàn nằm trong tầm tay của các cơ quan quản lý có thẩm quyền, bởi đơn giản không ai dại gì nghĩ ra luật để tự làm khó mình. Liên quan đến việc tăng lương tối thiểu trong khu vực công, xã hội, người dân tin rằng các cơ quan có liên quan hẳn đã có sự chuẩn bị cần thiết, nhất là về nguồn tiền chi trả, để khi luật được thông qua thì việc thực hiện sẽ diễn ra suôn sẻ ở ngay thời điểm luật có hiệu lực.

Chưa đề xuất tăng lương tối thiểu từ ngày 1-5-2013 cũng có nghĩa quy phạm định nghĩa về tiền lương tối thiểu tại Bộ luật lao động mới chưa thật sự đi vào đời sống. Do vậy đòi hỏi các cơ quan liên quan tiếp tục cân nhắc thận trọng về việc chưa đề xuất tăng lương tối thiểu vào thời điểm trên.

PGS.TS NGUYỄN NGỌC ĐIỆN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên