01/02/2012 06:54 GMT+7

Lãng phí bối cảnh làm phim

ĐINH TRIỀU QUANG
ĐINH TRIỀU QUANG

TT - Trong lúc ai cũng than sản phẩm du lịch nước mình nghèo nàn và chẳng có gì mới lạ trong mấy chục năm nay, thì chúng tôi, những hướng dẫn viên du lịch, đành ngậm ngùi nhìn các sản phẩm du lịch nước mình bị bỏ rơi hay biến mất dần dần.

lxvYOoKP.jpgPhóng to
Du khách chụp hình chung với panô của diễn viên - Ảnh: Đinh Triều Quang

Một trong những nơi làm tốt việc khai thác khách du lịch nhờ vào các điểm làm phim có thể kể là Hàn Quốc. Trong các tour du lịch tham quan Hàn Quốc, chương trình của khách cầm trên tay luôn có các điểm tham quan từng xuất hiện trong các phim Nàng Dae Jang Geum ở đảo Jeju và phim Chuyện tình mùa đông ở đảo Nami.

Dù hai phim trên chỉ là phim truyền hình, không nổi tiếng bằng các phim điện ảnh kinh điển như Người tình, Đông Dương hay Người Mỹ trầm lặng lấy bối cảnh ở ta nhưng họ khai thác du lịch rất tốt. Tại các điểm từng làm phim, họ dựng panô lớn chụp hình diễn viên và bối cảnh cùng các lời chú thích thú vị. Vậy là du khách nườm nượp xếp hàng đợi chụp hình do tò mò và do tên tuổi diễn viên.

Ngược lại, ở ta hầu như chưa khai thác các điểm dừng chân thú vị từ các bộ phim. Chẳng thấy những tấm bảng ghi chú các điểm từng xuất hiện trong phim Người tình như bến cảng Nhà Rồng, Trường Lê Hồng Phong, khu phố người Hoa...

Rồi phim Đông Dương với bối cảnh tại Đại Nội, lăng Tự Đức (Huế), vịnh Hạ Long...; phim Người Mỹ thầm lặng với bối cảnh Nhà hát TP.HCM, phố cổ Hội An, phố cổ Hà Nội... cũng không thấy được quảng bá. Trong lúc việc này không tốn kém nhiều, chỉ cần vài dòng ghi chú, vài tấm ảnh chụp cảnh trong phim cũng làm du khách nao lòng, bởi được đứng trên chính bối cảnh trong đoạn phim mình đã xem sẽ khiến họ xúc động. Vậy nên du khách đến VN, khi muốn biết các nơi này đều phải tự mày mò tìm đến mà chẳng có sự chỉ dẫn hay quảng bá gì từ ngành du lịch. Có khi lặn lội đến nơi thì bối cảnh xưa chẳng còn để xem.

Cầu Chữ U là ví dụ. Đây cũng là một cảnh trong phim Người tình được quay trong phân đoạn hai nhân vật chính ngồi trong xe băng qua chiếc cầu gập ghềnh mà hẳn rất nhiều bạn xem phim vẫn còn nhớ, nay đã bị phá bỏ. Chẳng hiểu sao, vì chiếc cầu này tồn tại từ bao đời nay và về mặt mỹ thuật đây cũng là chiếc cầu thiết kế lạ mắt, mang vẻ đẹp Sài Gòn xưa! Chợt tiếc cho cầu Chữ U khi nhìn thấy số phận cây cầu sông Kwai (Bangkok, Thái Lan). Nơi đây luôn đông khách đến tham quan chụp hình vì là bối cảnh một bộ phim kinh điển.

Cũng là những chiếc cầu nhưng một bên là chiếc cầu “đẻ trứng vàng”, một bên là chiếc cầu bỏ không và đến cuối đời thì bị “bức tử”. Hẳn sự khác nhau này là khi có bàn tay của “đạo diễn” của ngành du lịch?

Tận dụng những điều đang có

Nếu hiểu khái niệm điện ảnh du lịch là quảng bá hình ảnh đất nước, con người qua điện ảnh thì có rất nhiều bộ phim VN đã làm được điều đó. Có thể kể tên: 1735km, Cánh đồng bất tận, Trăng nơi đáy giếng, Mùa len trâu, Long thành cầm giả ca... và còn nhiều phim nữa. 1735km nối dài những cảnh đẹp của Huế, Hội An, Nha Trang... Mùa len trâu là hình ảnh mênh mông mùa nước nổi rất miền Tây Nam bộ. Hạt mưa rơi bao lâu, Long thành cầm giả ca lại đượm hình ảnh đồng bằng Bắc bộ trong nhiều thước phim.

Chỉ tiếc những bộ phim đó không có nhiều cơ hội xuất hiện cả trong lẫn ngoài nước. Ở ngoài nước, không phải phim nào cũng có cơ hội tham gia các liên hoan phim quốc tế. Ở trong nước, số người xem những phim nói trên cũng không đủ nhiều. Trong khi thị trường du lịch không chỉ là du khách nước ngoài, mà còn là nguồn khách khổng lồ trong nước với nhu cầu du lịch nội địa.

Cái đáng tiếc nữa là không phải phim nào xem xong cũng biết những cảnh đẹp ấy ở đâu để biết đường đi... du lịch. Tôi vẫn tự hỏi: Không biết các nhà làm du lịch có xem những bộ phim này và nghĩ tới tâm lý khách hàng?

Phải chăng chúng ta đang thiếu cái bắt tay giữa nhà sản xuất phim (ở đây là phim có tiềm năng quảng bá cho du lịch) và những công ty du lịch, để có thêm nguồn thu cho những bộ phim hiện lắm khi phải chen quảng cáo lộ liễu? Những trailer quảng bá bộ phim, những cảnh quay đẹp lúc kết thúc phim kèm với cả thông tin cảnh ấy quay ở đâu (thậm chí nếu muốn đến đó, bạn có thể liên hệ với công ty du lịch ABC, XYZ...) sẽ một công đôi việc: vừa quảng bá phim, vừa quảng bá du lịch.

Với những bộ phim đã có của VN, ngành du lịch hoàn toàn có thể phối hợp với ngành văn hóa tổ chức nhiều hơn những tuần phim VN tại nước ngoài, kèm với đó là những thông tin quảng bá du lịch. Với những bộ phim sau này, có thể rút kinh nghiệm, tận dụng cho mình một cơ hội mang tên điện ảnh du lịch, và cả truyền hình du lịch.

ĐINH TRIỀU QUANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên