09/04/2010 07:13 GMT+7

Tiêu dùng có trách nhiệm

LÊ MINH TIẾN
LÊ MINH TIẾN

TT - Tiếp các ý kiến về chủ đề “Tiêu dùng quá đà” (Tuổi Trẻ từ ngày 3-4), xin giới thiệu ý kiến của ông Lê Minh Tiến, giảng viên xã hội học.

VMaRx89E.jpgPhóng to
Gian hàng Công ty Điện Quang tại Hội chợ hàng VN chất lượng cao 2010 tổ chức ở Campuchia - Ảnh: N.B.

Việc chi xài phung phí được nhiều người biện hộ đó là quyền tự do của cá nhân theo kiểu “tôi có tiền thì tôi có quyền”, tuy nhiên nếu phân tích sâu xa chúng ta sẽ thấy quyền cá nhân đó lại gây ra nhiều sự tổn hại đối với quốc gia. Có thể kể ra dưới đây:

1. Khó ăn nói với các nhà tài trợ

Có thể nói Nhà nước ta đã và đang dành nhiều nỗ lực để thu hút vốn hỗ trợ phát triển từ các nước và VN hiện đang là nước nhận vốn hỗ trợ phát triển (ODA) thuộc vào loại dẫn đầu trên thế giới với hơn 8 tỉ USD cho năm tài khóa 2010.

Việc các nước hay các tổ chức tài chính quốc tế tài trợ cho VN là bởi trong mắt họ chúng ta vẫn là một nước có tiềm lực kinh tế yếu nên cần sự trợ giúp của các nước để có thể phát triển nhanh hơn.

Tuy nhiên, vốn hỗ trợ ODA là tiền thuế của người dân tại các nước tài trợ nên sẽ làm cách nào để thuyết phục họ khi chúng ta, nước tiếp nhận, tiêu xài “thượng lưu” và phung phí hơn họ? Làm sao có thể thuyết phục được họ rằng chúng ta trân quý từng đồng tiền được tài trợ khi chi xài quá sức xa xỉ như những gì đã diễn ra trên thực tế?

Câu trả lời rất khó, vì vậy việc chi xài quá đà có thể là quyền của cá nhân, nhưng cái quyền đó đang làm ảnh hưởng đến quốc gia.

2. Kích thích kinh tế cho nước ngoài

Tiêu dùng là một điều cần thiết để thúc đẩy nền kinh tế phát triển, bởi nếu không có tiêu dùng hoặc tiêu dùng yếu thì hoạt động sản xuất sẽ bị ngưng trệ. Chính vì vậy mà khi rơi vào khủng hoảng, Chính phủ đã có những chính sách kích thích tiêu dùng như miễn thuế thu nhập cá nhân...

Tuy nhiên việc tiêu xài quá đà lại không giúp sự phát triển của nền kinh tế trong nước. Bởi khi nói chi tiêu quá đà thường là chi cho các mặt hàng xa xỉ, mà các mặt hàng xa xỉ đa số là của nước ngoài (xe hơi xịn, điện thoại cao cấp...) nên việc tiêu xài quá đà của chúng ta thực chất là giúp cho nền kinh tế của nước khác chứ không phải cho nước mình.

Điều đó cho thấy việc chi xài quá đà, ham mê hàng hiệu là một hành vi đi ngược lại với trách nhiệm công dân.

3. Thể hiện sự bất công xã hội

Việc chi tiêu quá đà còn là một thể hiện rõ rệt cho sự bất công trong xã hội.

Quả thật không thể nào chấp nhận được việc hàng triệu nông dân ngày ngày dãi nắng dầm mưa trên ruộng đồng, hay hàng triệu công nhân còng lưng trong các khu chế xuất, khu công nghiệp để tìm kiếm từng đồng ngoại tệ cho quốc gia từ hạt lúa, từ những đôi giày, chiếc áo; thì một bộ phận giàu có lại dùng ngoại tệ mà quốc gia đang cố tích trữ để chi tiêu cho các mặt hàng xa xỉ.

Vì vậy khi tiêu xài không thể chỉ tính cho riêng mình mà cần phải tính đến những yếu tố khác, đến lợi ích của quốc gia, lợi ích của đồng loại để không vung tay quá trán và người ta gọi đó chính là tiêu dùng có trách nhiệm.

* Tin bài liên quan:Coi chừng không có điểm dừng I Vung tay quá trán I Hàng tỉ USD nhập khẩu hàng đắt tiền: Tiêu dùng quá đà I Điện thoại iPhone và hạt gạo quê mình I Xưa rồi, lối sống hình thức I Mình đã khổ, nay con phải sung sướng!

LÊ MINH TIẾN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên