Di tích đường Hồ Chí Minh Đông Trường Sơn đoạn Thạnh Mỹ đi Khâm Đức (Quảng Nam) - Ảnh: TẤN LỰC
Và khi Tổ quốc cần, những mạch máu ấy kết nối để trở thành một hệ tuần hoàn lưu chuyển từ Bắc vào Nam, từ Đông sang Tây, nối rộng cả chiến trường Đông Dương Việt - Lào - Campuchia.
Từ ca khúc "Đường rừng"
Hơn 30 năm trước, khi Tỉnh ủy Bình Trị Thiên chủ trương tập hợp lại tư liệu, hồi ức từ những cán bộ lão thành từng mở đường, công tác, chiến đấu trên tuyến đường Hồ Chí Minh, những năm đó dấu vết con đường còn rõ ràng, những người tham gia tập sách vừa ra khỏi cuộc chiến chưa lâu, ký ức còn tươi mới, vì thế tập sách Đường mòn Hồ Chí Minh qua Bình Trị Thiên đã có những hồi ức vô cùng sinh động và cho thấy từ trong kháng Pháp, đây đã là một tuyến đường sôi động.
Nhạc sĩ Trần Hoàn khi ấy đã góp vào tập sách một bài hát của ông sáng tác năm 1948: "Trèo đèo Ba Rền, băng qua Nhã Nam, cho tôi nhắn đôi lời gửi về biên khu. Ai đi vô trong Nam, ai đi ra Việt Bắc, trường kỳ kháng chiến vững niềm tin... ".
Đó là lời bài hát Đường rừng của nhạc sĩ Trần Hoàn viết về con đường xuyên Trường Sơn trong kháng chiến chống Pháp vào năm 1948, như sau này ông kể lại: "Năm 1948 khi tôi vượt Ba Rền, Liên U để vào chiến khu Trị Thiên, tôi đã sáng tác bài Đường rừng.
Bài hát này nhanh chóng phổ biến ở khu IV và khu V. Ngày ấy tôi mới 20 tuổi, lứa tuổi đang hăm hở sung sức coi thường mọi vất vả, hiểm nguy.
Có lẽ chính vì thế trước khi lên đường, anh Nguyễn Chí Thanh còn ân cần dặn dò: "Muốn vào được Trị Thiên phải qua Liên U và Ba Rền, mà nên nhớ Ba Rền có nghĩa là ba lần rên đấy nhé". Đây chính là khởi điểm con đường mòn kháng chiến..." (Trần Hoàn - Kỷ niệm về con đường mang tên Bác - 1992).
Cũng chính nhạc sĩ Trần Hoàn vào năm 1966 lại "đi B" vào Nam theo con đường Trường Sơn: "Chúng tôi được xe đưa đến Vĩnh Linh đất lửa, rồi từ đó hành quân bộ theo đường mòn, nhưng không phải như xưa, cũng không phải như thời kỳ đầu, "đi không dấu nấu không khói" mà là một con đường mới to lớn thực sự xuyên Đông Trường Sơn và Tây Trường Sơn vào Nam".
“Con đường “thượng đạo” xuyên Trường Sơn đã có từ công cuộc kháng Pháp của vua Hàm Nghi cuối thế kỷ 19.
Tướng Đồng Sĩ Nguyên - tư lệnh Bộ đội Trường Sơn (người xem ống nhòm) trên đường Hồ Chí Minh - Ảnh tư liệu
Đến hành trình của nhà vua
Nhưng tuyến đường "thượng đạo" này không chỉ hình thành trong kháng chiến chống Pháp, bởi nhiều năm trước nhà sưu tập cổ vật Nguyễn Hữu Hoàng đã bất ngờ tìm thấy ở khu vực phía tây Quảng Trị, trong những bản làng của đồng bào Vân Kiều nhiều bộ trang phục cung đình của triều Nguyễn, có cả hoàng bào thêu rồng năm móng mà căn cứ vào kích thước có thể suy đoán hoàng bào này vào tầm tuổi của vua Hàm Nghi trong những ngày rời kinh đô thất thủ, xa giá ra Tân Sở (Quảng Trị) để lập căn cứ kháng chiến rồi xuyên dọc Tây Trường Sơn ra tận Quảng Bình, Hà Tĩnh...
Trên hành trình đó, những bộ trang phục, trong đó có cả hoàng bào của vua đã lưu lạc giữa các bản làng heo hút. Sau này anh Nguyễn Hữu Hoàng cho biết những người dân Vân Kiều sống ở Khe Sanh, các bản sát biên giới Việt - Lào giữ lại các trang phục này như bảo vật từ đời ông cha, không rõ những thành viên của đoàn tùy tùng nhà vua ngày ấy đã bán, cho hay tặng.
Nhưng chắc chắn một điều là các trang phục cung đình còn lưu dấu trên những bản làng Trường Sơn đó cho thấy những con đường "thượng đạo" xuyên Trường Sơn đã có từ công cuộc kháng Pháp của vua Hàm Nghi cuối thế kỷ 19.
Những con đường rừng Trường Sơn thời kháng Pháp không chỉ xuyên qua khu vực Bình Trị Thiên mà còn xuyên Việt.
Cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã nhớ lại chuyến đi xuyên Trường Sơn khi ông từ Bạc Liêu ra Việt Bắc dự Đại hội Đảng lần thứ II như sau: "Ra Bắc dự Đại hội Đảng lần thứ II xong, khi trở về Nam tôi cùng đoàn cuốc bộ mất một năm (ăn Tết 1951 ở Việt Bắc, ăn Tết 1952 ở Đồng Tháp Mười).
Hồi đó tôi chưa hiểu lắm về địa lý Việt Nam nhưng từ chiến khu Việt Bắc (Sơn Dương, Tuyên Quang) về đến khu căn cứ Bạc Liêu (Cà Mau), tôi đã thuộc khá nhiều địa danh trên đường mòn và các tỉnh duyên hải khu IV, khu V, miền Trung và cả cực Nam Trung bộ.
Qua từng chặng phải dừng một thời gian để chuẩn bị lương khô cho chặng tiếp theo, ngoài ra phải dừng lại do địch hành quân phục kích.
Bấy giờ bom pháo không dữ dội như hồi chống Mỹ nhưng anh chị em phải chiến đấu một cách lặng lẽ trong thiếu ăn, thiếu thuốc, nhất là thuốc sốt rét, lại thường xuyên chống địch đốt phá, bảo vệ mạch máu giao thông và bảo vệ an toàn cho các đoàn cán bộ đi qua" (Ấn tượng Võ Văn Kiệt, NXB Trẻ - 2004).
Từ con đường bôn tẩu của vua Hàm Nghi đến cuộc kháng chiến chống Pháp, sẽ rất khó hình dung cuộc kháng chiến chống Mỹ nếu thiếu đi con đường Trường Sơn huyền thoại!
Một đoạn đường Hồ Chí Minh qua huyện Đông Giang (Quảng Nam) hiện nay - Ảnh: TẤN LỰC
Theo giáo sư Đặng Phong, trong giai đoạn kháng Pháp, tiền thân của tuyến đường mòn Hồ Chí Minh sau này gồm bốn tuyến đường chính:
Tuyến 1: Đường thượng (Tây Trường Sơn): Từ Chu Lễ (Hà Tĩnh) đi bộ vào ga Tân Ấp (đầu Quảng Bình) rồi xuyên tây Quảng Bình vào Khe Sanh qua đường 9 đến Ba Lòng là chiến khu của Quảng Trị.
Tuyến 2: Đường Đông Trường Sơn: cũng từ Chu Lễ nhưng có một đoạn đi goòng (toa xe lửa nhỏ, đặt trên ray vừa kéo vừa đẩy) vào tới Minh Cầm (nay là Minh Hóa, Quảng Bình) rồi đến vùng đông Quảng Trị, ngược lên Ba Lòng.
Tuyến 3: Từ chiến khu Ba Lòng vào liên khu V, đi xuyên lên A Lưới, vào bến Hiên (nay là Đông Giang, Quảng Nam) rồi đi tiếp vào Bình Định.
Tuyến 4: Từ khu V vào Nam Bộ: Từ dốc Chanh (Phú Yên) đi đến hòn Dữ (Khánh Hòa) xuyên qua núi Ba Cụm, đến trạm Mã Đà và sau đó đến trạm Đội Lào (Tà Lu) của Đông Nam Bộ.
Kỳ tới: Những người mở đường thời chống Mỹ
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận