Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm đường Trường Sơn năm 1973 - Ảnh: THIÊN ĐIỂU chụp lại
Hàng trăm bức ảnh quý về những năm tháng hào hùng không thể nào quên trên những cung đường Trường Sơn máu lửa, cùng nhiều hiện vật chiến tranh chất chứa đầy ký ức một thời hào hùng đang phủ kín phòng trưng bày chuyên đề của Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh và cả ngoài khuôn viên sân vườn rất đẹp của bảo tàng này.
Đây là triển lãm chuyên đề Ký ức Trường Sơn, do Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh phối hợp cùng Binh đoàn 12 tổ chức nhân kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống bộ đội Trường Sơn (19-5-1959 - 19-5-2019).
Tái hiện một căngtin Trường Sơn thân thuộc tại triển lãm - Ảnh: THIÊN ĐIỂU
Triển lãm tái dựng quá trình ra đời, xây dựng, chiến đấu, những mốc son tiêu biểu của bộ đội Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và những đóng góp to lớn của những người lính Trường Sơn hôm nay trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Phần trưng bày Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước không chỉ có những bức ảnh ghi lại những khoảnh khắc đặc biệt một thời hoa lửa của những người lính giữa rừng Trường Sơn đầy hiểm nguy, mà còn có nhiều kỷ vật chiến tranh rất thiêng liêng như balô người lính, đôi dép cao su, những cuốn nhật ký, những cuốn sổ chép thơ - nhạc, những tờ tin Trường Sơn, bộ tiền Trường Sơn… và cả những cây đàn được làm từ ống pháo sáng của địch.
Một góc rừng Trường Sơn được tái hiện trong triển lãm - Ảnh: THIÊN ĐIỂU
Một vài sắp đặt trong triển lãm, tái hiện một góc rừng Trường Sơn còn sống động trong ký ức của nhiều người với những hình ảnh thân thuộc: cây súng dựng cạnh balô trĩu nặng, cánh võng, cây đàn ghita, chiếc mũ cối và cây gậy Trường Sơn, hay những trái bom lớn bên đường và tấm biển với dòng cảnh báo "Có bom"…
Và có cả một căngtin Trường Sơn như một quán lá nhỏ ven đường. Quán lá ấy không thể thiếu một cây đàn tự chế cho những phút giây ngơi nghỉ, thả lỏng của những người lính tuy ngày đêm đối mặt với hiểm nguy và cái chết nhưng vẫn giữ cho mình những khoảng trời lãng mạn, lạc quan.
Những đồ dùng tự tạo từ vỏ pháo sáng của địch của lính Trường Sơn - Ảnh: THIÊN ĐIỂU
Thế nên, không lạ là, chiếm hầu hết trong những bức ảnh trưng bày về thời khốc liệt "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước" ấy lại là những hình ảnh người chiến sĩ rạng ngời trong nụ cười tỏa sáng hay những khoảnh khắc chan chứa yêu thương của tình đồng đội, khi họ ngồi hát bên nhau, sẻ chia từng giọt nước cho nhau, đọc thư nhà bên nhau...
Triển lãm kéo dài tới hết ngày 31-5.
Những khoảnh khắc không thể nào quên trên đường Trường Sơn của một thời rực lửa:
Công binh Trường Sơn tháo rời và vận chuyển từng bộ phận của xe tăng qua địa hình hiểm trở - Ảnh: THIÊN ĐIỂU chụp lại
Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói chuyện thân mật với tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên và chính ủy Đặng Tính tại lán rừng Trường Sơn vào tháng 3-1973 - Ảnh: THIÊN ĐIỂU chụp lại
Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm đường Trường Sơn năm 1973 - Ảnh: THIÊN ĐIỂU chụp lại
Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm hỏi, động viên cán bộ chiến sĩ Đại đội 3, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 596 Bộ tư lệnh 559 chốt giữ trọng điểm ngã ba Lùm Bùm vào tháng 3-1973 - Ảnh: THIÊN ĐIỂU chụp lại
Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm hỏi, động viên cán bộ chiến sĩ Bộ tư lệnh 559 vào tháng 3-1973 - Ảnh: THIÊN ĐIỂU chụp lại
Chủ tịch Cuba Fidel Castro đến thăm bộ đội Trường Sơn tại Quảng Trị năm 1973 - Ảnh: THIÊN ĐIỂU chụp lại
Đọc thư nhà trước lúc lên đường làm nhiệm vụ - Ảnh: THIÊN ĐIỂU chụp lại
Biểu diễn văn nghệ phục vụ bộ đội Trường Sơn - Ảnh: THIÊN ĐIỂU chụp lại
Trung đội nữ lái xe mang tên Nguyễn Thị Hạnh gồm 40 cô gái làm nhiệm vụ vận chuyển khí tài, đạn dược đã dũng cảm vượt qua nhiều trọng điểm đánh phá ác liệt, chi viện cho chiến trường miền Nam - Ảnh: THIÊN ĐIỂU chụp lại
Bộ đội đọc Bản tin Trường Sơn giữa giờ nghỉ chân - Ảnh: THIÊN ĐIỂU chụp lại
Buổi biểu diễn của đội nghệ thuật xung kích tại cung đường B45 - binh trạm 42 Tây Trị Thiên vào tháng 8-1979 - Ảnh: THIÊN ĐIỂU chụp lại
Các chiến sĩ chủ lực Đại đội 3 bộ binh đánh chiếm đồi Không Tên trong chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào vào tháng 3-1971 - Ảnh: THIÊN ĐIỂU chụp lại
Các nữ chiến sĩ Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 32, đường ống, Bộ tư lệnh 559 xây dựng đường ống xăng dầu qua suối đoạn K7B, Nam Mương Noong - Lào đi K8A Tây Trường Sơn vào tháng 1-1972 - Ảnh: THIÊN ĐIỂU chụp lại
Hành quân vào Nam tại cung giao liên bộ của Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 71 trên tuyến Tây Trường Sơn vào tháng 8-1962 - Ảnh: THIÊN ĐIỂU chụp lại
Lực lượng giao liên Trường Sơn đưa đoàn quân theo đường bộ vượt qua điểm cao 900m dốc Nguyễn Chí Thanh, dốc Bà Định, dốc 1001m vào chiến trường miền Nam vào tháng 10-1966 - Ảnh: THIÊN ĐIỂU chụp lại
Lực lượng vận tải Trường Sơn vận chuyển cơ giới lớn, chuẩn bị cho chiến dịch Hồ Chí Minh tại binh trạm 36 - Nam Thừa Thiên vào năm 1974 - Ảnh: THIÊN ĐIỂU chụp lại
Các nữ chiến sĩ Trung đoàn 671 đường ống binh trạm 14 lắp đặt đường ống xăng dầu qua trọng điểm Phu La Nhích vào năm 1972 - Ảnh: THIÊN ĐIỂU chụp lại
Nữ giao liên Nguyễn Thị Huấn - binh trạm 32 - chia sẻ nước cho đồng đội trên đường hành quân vào năm 1971 - Ảnh: THIÊN ĐIỂU chụp lại
Thanh niên xung phong tỉnh Hà Nam hành quân vào Trường Sơn năm 1972 - Ảnh: THIÊN ĐIỂU chụp lại
Tổng bí thư Lê Duẩn thăm bộ đội Trường Sơn năm 1973 - Ảnh: THIÊN ĐIỂU chụp lại
Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên thăm và động viên chiến sĩ Tiểu đoàn 101 ôtô vận tải anh hùng thuộc Trung đoàn 13, Bộ tư lệnh 559 trong chiến lược vận chuyển mùa khô 1970-1971 - Ảnh: THIÊN ĐIỂU chụp lại
Vận chuyển hàng bằng phương thức gùi thồ vào tháng 2-1962 - Ảnh: THIÊN ĐIỂU chụp lại
Xe qua ngầm Se La Nông vào tháng 4-1975 - Ảnh: THIÊN ĐIỂU chụp lại
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận