16/05/2019 09:43 GMT+7

Tái hiện những ký ức kiêu hãnh của bộ đội, thanh niên xung phong Trường Sơn

THIÊN ĐIỂU
THIÊN ĐIỂU

TTO - Cả một vùng ký ức rực lửa về đường Trường Sơn nửa thế kỷ trước đang được tái hiện đầy sống động tại Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh và Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam ở Hà Nội.

Tái hiện những ký ức kiêu hãnh của bộ đội, thanh niên xung phong Trường Sơn - Ảnh 1.

Các nữ chiến sĩ trung đoàn 671 đường ống binh trạm 14 lắp đặt đường ống xăng dầu qua trọng điểm Phu La Nhích năm 1972 - Ảnh trưng bày tại triển lãm Ký ức Trường Sơn

Hàng trăm bức ảnh quý về những năm tháng hào hùng không thể nào quên trên những cung đường Trường Sơn huyền thoại, cùng nhiều hiện vật chiến tranh đang phủ kín phòng trưng bày chuyên đề của Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh và cả ngoài khuôn viên sân vườn rất đẹp của bảo tàng này.

Đây là triển lãm chuyên đề Ký ức Trường Sơn do bảo tàng phối hợp cùng Binh đoàn 12 tổ chức nhân kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống bộ đội Trường Sơn (19-5-1959 - 19-5-2019).

Cũng về con đường Trường Sơn, nhưng Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam lại phối hợp với Hội nữ chiến sĩ Trường Sơn mở một triển lãm khai thác riêng hình ảnh, câu chuyện về những nữ bộ đội, thanh niên xung phong. Triển lãm có tên Kiêu hãnh Trường Sơn được khai mạc từ sáng 15-5 và sẽ kéo dài đến hết ngày 15-7.

Tái hiện những ký ức kiêu hãnh của bộ đội, thanh niên xung phong Trường Sơn - Ảnh 2.

Một góc triển lãm Kiêu hãnh Trường Sơn - Ảnh: T.ĐIỂU

Trường Sơn sống động trong ký ức

Triển lãm Ký ức Trường Sơn tái dựng quá trình ra đời, xây dựng, chiến đấu và những mốc son tiêu biểu của bộ đội Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và những đóng góp to lớn của những người lính Trường Sơn hôm nay trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Phần trưng bày Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước mang đến những bức ảnh ghi lại khoảnh khắc đặc biệt của người lính giữa rừng Trường Sơn đầy hiểm nguy, cùng những kỷ vật thiêng liêng như: balô người lính, đôi dép cao su, cuốn nhật ký, sổ chép thơ - nhạc, tờ tin Trường Sơn, bộ tiền Trường Sơn... và cả những cây đàn được làm từ ống pháo sáng của địch.

Một vài sắp đặt trong triển lãm tái hiện một góc rừng Trường Sơn sống động trong ký ức của nhiều người, trong ấy có cả một "căngtin Trường Sơn". Quán lá nhỏ ven đường ấy không thể thiếu một cây đàn tự chế dành cho những phút giây ngơi nghỉ của những người lính, tuy thường xuyên đối mặt với cái chết nhưng vẫn giữ cho mình một khoảng trời lãng mạn, lạc quan.

Thế nên, xuất hiện trong hầu hết những bức ảnh về cái thời khốc liệt "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước" lại là hình ảnh người chiến sĩ rạng ngời trong nụ cười tỏa nắng hay những khoảnh khắc chan chứa yêu thương của tình đồng đội.

Tái hiện những ký ức kiêu hãnh của bộ đội, thanh niên xung phong Trường Sơn - Ảnh 3.

Lực lượng vận tải Trường Sơn vận chuyển cơ giới lớn, chuẩn bị cho chiến dịch Hồ Chí Minh tại Binh trạm 36 - Nam Thừa Thiên năm 1974 Ảnh trưng bày tại triển lãm Ký ức Trường Sơn - T.ĐIỂU chụp lại

Những bông hồng thép

Với ba chủ đề: Dấu ấn một huyền thoại, Những bông hồng thép, Phía sau cuộc chiến...; triển lãm Kiêu hãnh Trường Sơn khắc họa lịch sử một con đường bằng chính sự can đảm, bền bỉ, khát vọng và cả những hồn nhiên đời thường của "những bông hồng thép" đã sống, chiến đấu và hi sinh cho con đường huyết mạch - con đường quyết thắng này.

Không chỉ có hình ảnh, triển lãm công phu này còn mang đến những câu chuyện của quá khứ và cả hiện tại, do chính những cô gái trên tuyến đường Trường Sơn kể. Những câu chuyện về những cuộc đời oanh liệt mà thầm lặng ấy mang đến cho người xem nhiều xúc cảm đan xen, từ ngưỡng mộ "những huyền thoại của huyền thoại" (như cách gọi của trung tướng Đồng Sỹ Nguyên) cho tới day dứt khôn nguôi cho không ít mảnh đời cô quạnh hôm nay của những nữ thanh niên xung phong.

Triển lãm một lần nữa làm sống dậy niềm kiêu hãnh của nhiều người con nước Việt trước những người con gái đã trở thành huyền thoại giữa núi rừng Trường Sơn như mười cô gái thanh niên xung phong ngã ba Đồng Lộc, tiểu đoàn nữ chiến sĩ Trưng Trắc của tỉnh Hà Tây, đội nữ chiến sĩ lái xe mang tên người nữ anh hùng quân giải phóng miền Nam Nguyễn Thị Hạnh, Hồ Kan Lịch, La Thị Tám, Nguyễn Thị Huấn, Hồ Thị Thu Hiền, Đinh Thị Thu Hiệp...

Rực lửa ký ức đường Trường Sơn Rực lửa ký ức đường Trường Sơn

TTO - Cả một vùng ký ức rực lửa về đường Trường Sơn nửa thế kỷ trước đang được tái hiện đầy sống động tại Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh, phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, Hà Nội.

THIÊN ĐIỂU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên