22/09/2017 17:44 GMT+7

12 dự án thua lỗ: Còn nhiều vướng mắc cần tháo gỡ

NGỌC AN
NGỌC AN

TTO - Một số dự án thua lỗ của ngành công thương đã có lãi trở lại, có dự án đang làm việc với đối tác để khởi động lại, song cũng có dự án thực hiện đấu giá nhưng bị thất bại.

12 dự án thua lỗ: Còn nhiều vướng mắc cần tháo gỡ - Ảnh 1.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chủ trì, chỉ đạo cuộc họp - Ảnh: N. An

Đó là thông tin được đưa ra tại cuộc họp về xử lý 12 dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả của ngành công thương tại cuộc họp chiều ngày 22-9.

Theo ông Dương Duy Hương, vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công thương), 4 dự án đầu tư sản xuất phân bón của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đều đã hoạt động ổn định, thời gian chạy máy đạt từ 19-24 ngày.

Riêng nhà máy Đạm Ninh Bình đang dừng sản xuất để sửa chữa lớn theo kế hoạch đến ngày 10-10-2017. 

Các nhà máy còn lại đang vận hành với phụ tải trên 80%.

Vận hành lại, vẫn gặp khó…

Phương án kinh doanh được xây dựng theo hướng tăng cường quản trị, giảm các chi phí sản xuất để giảm lỗ, mở rộng thị trường tiêu thụ, tăng chất lượng và đa dạng chủng loại sản phẩm. Do vậy, kết quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp tiếp tục được cải thiện, chi phí biến đổi đã thấp hơn giá bán, chênh lệch giá là từ 52.000 - 892.000 đồng/tấn.

Tuy nhiên, Bộ Công Thương cũng nhìn nhận các dự án này vẫn chưa có hiệu quả chủ yếu do giá nguyên liệu vẫn cao.

Tính đến 15-9, kết quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp này đã có những cải thiện đáng kể cả về doanh thu, sản lượng và mức độ thua lỗ. Chi phí biến đổi của các sản phẩm Urê và DAP đã thấp hơn giá bán, góp phần tạo dòng tiền bù đắp chi phí cố định và tạo việc làm cho hàng ngàn người lao động.

Từ tháng 8-2017, Công ty CP DAP - Vinachem đã có lãi trong kỳ khoảng 4 tỷ đồng. Tháng 9- 2017, ước tính lãi 6,766 tỷ đồng. Dự kiến cuối năm 2017 có lãi lũy kế.

Tuy nhiên, 3 đơn vị còn lại vẫn còn lỗ do còn gặp rất nhiều khó khăn về giá nguyên liệu cao (giá than); giá sản phẩm thấp (giá Urê)…

Đối với các dự án của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), riêng nhà máy sản xuất nhiên liệu Quảng Ngãi vẫn chưa vận hành sản xuất lại. Hiện đã có bốn nhà đầu tư đăng ký tham gia và một nhà đầu tư đề xuất hợp tác kinh doanh. PVN đang chỉ đạo các cổ đông (BSR, PVOil) và BSR-BF lập đầu bài mời nhà đầu tư tham gia hợp tác sản xuất kinh doanh.

Tình trạng hiện tại của nhà máy sản xuất sơ xợi polyester Đình Vũ (PVTex) là hết sức khó khăn và nhà máy vẫn chưa khởi động lại. Hiện PVN đang chỉ đạo các đơn vị rà soát thực trạng nhà máy, thành lập tổ hỗ trợ để chuẩn bị khởi động lại.

Công ty TNHH một thành viên công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS) thì tiếp tục lỗ, mặc dù có các đơn hàng. Giá các đơn hàng này không lớn (bình quân 3 tỷ đồng) nên không thể bù đắp được phần doanh thu, khiến lỗ của DQS là 26,26 tỷ đồng.

Tình hình sản xuất kinh doanh của Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên đối với dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 hiện đang giải quyết các vướng mắc với tổng thầu MCC và 14 nhà thầu phụ, thống nhất giải quyết vướng mắc để báo cáo Chính phủ trước ngày 30-9 và MCC tiếp tục hoàn thành gói thầu EPC số 1.

TISCO cũng đang thuê đơn vị tư vấn định giá và đánh giá hiệu quả của dự án. Phương án phát hành tăng vốn điều lệ đã được đại hội cổ đông thông qua chủ trương phát hành cổ phiếu và công ty đang xây dựng chi tiết phương án và khả năng tăng vốn điều lệ.

Hoạt động của nhà máy quặng sắt mỏ Quý Xa và nhà máy gang thép Lào Cai cũng đã bắt đầu có lãi, lợi nhuận 9 tháng đầu năm ước là 163 tỷ đồng. Tuy nhiên, hoạt động SXKD của VTM vẫn còn nhiều khó khăn (nguyên liệu, nhiên liệu tăng mạnh, chi phí tài chính, khấu hao lớn, cân đối trả nợ, khả năng thanh toán còn thấp..).

Dự án nhà máy sản xuất bột giấy Phương Nam cũng đã thực hiện xong khâu định giá, tổ chức phương án và tiến hành tổ chức bán đấu giá toàn bộ tài sản cố định và hàng hóa tồn kho của nhà máy nhưng qua hai lần đấu giá đều không thành công. Chính phủ đã chỉ đạo tiếp tục bán đấu giá theo đúng quy định.

Cổ đông góp vốn khởi động dự án

Ông Hưng cho biết trong thời gian tới sẽ tập trung hoàn thành xây dựng phương án xử lý đối với từng dự án. Bao gồm xây dựng dự thảo Báo cáo Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Quốc hội về tình hình xử lý các tồn tại, yếu kém đối với 12 dự án.

Xây dựng phương án và tổ chức thực hiện gắn với cam kết và lộ trình xử lý cụ thể đối với từng dự án, doanh nghiệp đối với xử lý các khó khăn, tranh chấp của các Hợp đồng EPC; trường hợp phức tạp, còn nhiều vướng mắc thì xem xét cho gia hạn đến hết quý I năm 2018.

Kinh phí để khởi động lại nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ, Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi sẽ do các cổ đông của các doanh nghiệp này xem xét, quyết định. Thuê tư vấn định giá xác định giá trị để xử lý tàu 104.000 DWT của DQS, bán đấu giá nhà máy bột giấy Phương Nam.

Mục tiêu là đến hết năm 2018 xử lý căn bản các tồn tại, yếu kém đối với các dự án, doanh nghiệp và hết năm 2020 hoàn thành việc xử lý. Đồng thời, sẽ xác định rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm minh đối với các tổ chức, cá nhân có sai phạm trong quá trình đầu tư, quản lý, vận hành, khai thác từng dự án, doanh nghiệp.

NGỌC AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên