28/09/2012 08:12 GMT+7

"Mấy ông ấy liều quá"

TUẤN PHÙNG thực hiện
TUẤN PHÙNG thực hiện

TT - TS Lê Trần Chấn - nguyên trưởng phòng địa lý sinh vật (Viện Địa lý) - nói như vậy về việc báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) công trình thủy điện Sông Tranh 2 tự ý trích dẫn, lắp ghép báo cáo trình bày tại hội thảo của ông.

Lo lắng trước thực tế thủy điện Sông Tranh 2Lật lại báo cáo đánh giá tác động môi trường thủy điện Sông Tranh 2: Ngỡ ngàng

3zVCVRgC.jpgPhóng to
TS Lê Trần Chấn - Ảnh: Việt Dũng

Từ đó, báo cáo trên khẳng định không có động đất kích thích ở thủy điện này. Theo ông Chấn, điều nguy hiểm nhất là ĐTM của thủy điện Sông Tranh 2 đã hợp pháp mà không được chỉn chu. TS lê trần Chấn cho biết:

- Năm 1996, Liên minh châu Âu tài trợ đề án xây dựng năng lực quản lý môi trường ở Việt Nam. Trong đó hợp phần “Phân tích hướng dẫn ĐTM của các dự án thủy điện” chỉ là một trong những vấn đề mà đề án phải làm bên cạnh ĐTM chung, ĐTM cho phát triển du lịch, ĐTM cho việc xây dựng phát triển đô thị. Do năm 1992 tôi được giao làm chủ nhiệm báo cáo tiền khả thi ĐTM của việc xây dựng Nhà máy thủy điện Sơn La nên nhóm phụ trách báo cáo giao cho tôi làm phân tích các hướng dẫn ĐTM các dự án thủy điện. Tôi đã tham khảo rất nhiều tài liệu, phần lớn của nước ngoài để phân tích những gì có liên quan khi đánh giá công trình thủy điện, trong đó có đánh giá ảnh hưởng về đa dạng sinh học, di dân tái định cư, động đất kích thích... Đây là những vấn đề mà khi xây dựng thủy điện có thể gây ra tác động về mặt môi trường. Báo cáo chỉ phục vụ hội thảo để bàn luận, nhận góp ý để chỉnh sửa.

Sau hội thảo lần 1, Cục Môi trường của Bộ Tài nguyên - môi trường cho biết những vấn đề đánh giá tác động của công trình thủy điện không phải làm nữa mà phía Canada làm. Vì vậy báo cáo của tôi chỉ trình bày ở hội thảo lần 1 là kết thúc công việc và tôi gần như quên báo cáo đó vì sau này không còn làm ĐTM thủy điện nữa, mà chủ yếu làm về đa dạng sinh vật. Báo cáo đó được làm vào giai đoạn 1997-1998. Còn sau này ai sử dụng thế nào tôi không được biết.

Báo cáo năm 1998, ĐTM lại nói năm 2002

* Thưa ông, báo cáo của ông tại hội thảo là báo cáo có tính phổ quát chung cho tất cả dự án thủy điện hay có thể áp dụng cho một công trình thủy điện cụ thể?

- Trong báo cáo không nói đến một dự án thủy điện cụ thể nào cả, chỉ là tổng kết tài liệu của nước ngoài và trong nước để đưa ra những đề xuất. Chẳng hạn như dung tích 1 tỉ m3 có khả năng gây động đất kích thích chứ không phải nói tới Sông Tranh 2, không hiểu sao họ lại đưa vào ĐTM. Báo cáo hoàn toàn không có Sông Tranh 2. Báo cáo của tôi kết thúc vào năm 1998 nhưng họ đưa vào ĐTM lại nói là năm 2002.

* Ông có biết đơn vị lập ĐTM sử dụng báo cáo của mình thế nào, có xin phép ông hay không?

- Tôi hoàn toàn không hay biết. Em tôi ở Vinh gọi điện ra hỏi anh đã đọc báo Tuổi Trẻ chưa, lúc đó tôi đi mua báo đọc thì phát hoảng vì thấy báo viết ông Chấn nói từ năm 2002. Các ông ấy (đơn vị lập ĐTM thủy điện Sông Tranh 2) làm thế này ảnh hưởng đến uy tín cá nhân thì tôi cũng không sợ gì, nhưng nguy hiểm là ảnh hưởng tới các ông ấy từ phản ứng của người dân Quảng Nam.

* Nếu áp đúng những hướng dẫn chung đó vào cụ thể cho thủy điện Sông Tranh 2 thì không thể kết luận được là không có động đất kích thích ở đây?

- Đúng rồi. Vì đây là tổng kết chung của các công trình trên thế giới. Còn mỗi công trình có đặc thù địa hình và kiến tạo đứt gãy khác nhau. Cái này được tổng kết trong tài liệu của nước ngoài là chính. Vì Việt Nam lúc đó chỉ có thủy điện Hòa Bình, Sơn La có ĐTM nên chủ yếu sử dụng tài liệu nước ngoài.

Họ phải chịu trách nhiệm

* Có ý kiến cho rằng việc đơn vị lập ĐTM thủy điện Sông Tranh 2 lấy tài liệu của ông không xin phép là vừa xúc phạm nhà khoa học, vừa lừa dối cơ quan chức năng?

- Việc họ lấy lại và đưa tôi vào đó thì họ phải chịu trách nhiệm vì sự thiếu trung thực.

Tôi thấy mấy ông ấy liều quá. Đáng lẽ phải hết sức thận trọng trong đánh giá thì các ông ấy lại đưa thêm câu “Điều kiện để hồ chứa thủy điện Sông Tranh 2 xảy ra động đất kích thích là” rồi gắn nội dung báo cáo của tôi vào. Như thế càng liều nữa. Tôi không hiểu tại sao có thể liều đến thế khi từ năm 1996-1998 tôi viết báo cáo thì thủy điện Sông Tranh 2 có thể mới đang nằm trong ý tưởng hay hồ sơ của ai đó chứ chưa đưa ra bàn luận.

* Bạn bè, đồng nghiệp của ông nói gì về sự việc này chưa?

- Có thể tôi cũng bị mọi người nói ông không phải chuyên môn động đất sao nói lung tung. Nhưng báo cáo hội thảo đó làm ở thời điểm Viện Địa lý chủ yếu tham gia làm ĐTM các dự án. Lúc đó, chúng tôi cần đánh giá động đất thì mời Viện Vật lý địa cầu tham gia. Đúng ra chuyên môn của tôi là về sinh vật, nhưng những năm 1992 được giao đánh giá ĐTM thủy điện Sơn La và một số công trình nữa nên có hiểu biết một chút ngoài đa dạng sinh học.

* Khi ông làm chủ nhiệm ĐTM thủy điện Sơn La thì có đánh giá về động đất kích thích không?

- Đánh giá tất cả vấn đề lớn: có động đất kích thích, hiện tượng cactơ có thể gây mất nước hồ chứa vì sông ngầm phía dưới, cấp động đất tối đa để xây dựng công trình chịu được cấp động đất đó... Tôi đọc trên báo Tuổi Trẻ thấy bên Bộ Tài nguyên - môi trường nói chỉ quan tâm và có trách nhiệm đánh giá tới tác động môi trường, còn động đất do cơ quan khác đánh giá. Nhưng trong báo cáo ĐTM này chúng tôi thấy khác vì bắt buộc phải quan tâm động đất. Khi chúng tôi làm ĐTM các thủy điện khác, hội đồng luôn yêu cầu phải khẳng định các khả năng có thể xảy ra.

Chủ dự án phải chịu trách nhiệm về thông tin, số liệu

Sau những nghi vấn về việc báo cáo ĐTM của thủy điện Sông Tranh 2 “cóp nhặt” từ báo cáo tại hội thảo của TS Lê Trần Chấn, ông Mai Thanh Dung - cục trưởng Cục Thẩm định và đánh giá tác động môi trường (Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên - môi trường) - nói: “Trong báo cáo ĐTM có rất nhiều nội dung, chương mục. Trong đó tất cả thông tin, số liệu do chủ đầu tư dự án thực hiện. Vì vậy chủ đầu tư lấy nghiên cứu của tác giả nào thì chủ đầu tư chịu trách nhiệm trước tác giả đó”.

Ông Dung lý giải thêm tại thời điểm chủ đầu tư trình báo cáo ĐTM của thủy điện Sông Tranh 2, ngay trong đơn gửi Bộ Tài nguyên - môi trường thẩm định và phê duyệt báo cáo ĐTM đã có cam kết chịu hoàn toàn trách nhiệm về những nội dung, thông tin trong báo cáo. “Họ cam đoan về những nội dung, số liệu nêu trong báo cáo là chính xác. Bộ Tài nguyên - môi trường chỉ xem xét về lĩnh vực môi trường, còn các vấn đề về dư chấn, động đất đã có kết quả nghiên cứu từ những đơn vị khoa học mà tư vấn thuê làm” - ông Dung nói.

Ông Dung thừa nhận thực tế nếu chủ dự án cố ý đưa thông tin sai hoặc thiếu trung thực trong việc đưa các thông tin, số liệu vào báo cáo ĐTM thì rất khó phát hiện. “Chủ dự án phải chịu trách nhiệm về các thông tin, số liệu trong báo cáo ĐTM. Nếu hội đồng thẩm định phát hiện các nội dung, số liệu không chính xác thì chủ đầu tư phải làm lại” - ông Dung nói. Theo ông Dung việc thẩm định, phê duyệt báo cáo ĐTM hiện nay không có đủ điều kiện kiểm tra tất cả số liệu báo cáo nêu, vì vậy chủ dự án phải cam kết.

___________

Ngày 27-9, đoàn công tác của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão (BCHPCLB) trung ương đã có buổi kiểm tra tình hình phòng chống lụt bão tại thủy điện Sông Tranh 2. Dù thủy điện không được phép tích nước nhưng trưởng đoàn công tác Nguyễn Xuân Diệu, ủy viên thường trực BCHPCLB trung ương, vẫn khuyến cáo không được chủ quan trước tình hình hiện nay của thủy điện này.

WUnOnjqG.jpgPhóng to
Ông Nguyễn Xuân Diệu (thứ hai từ phải qua), ủy viên thường trực BCHPCLB trung ương, khảo sát đập thủy điện Sông Tranh 2 - Ảnh: T.Vũ

Sau khi nghe báo cáo tình hình chuẩn bị ứng phó và phòng chống lụt bão của Ban quản lý dự án thủy điện 3, đơn vị vận hành nhà máy, chánh văn phòng BCHPCLB Quảng Nam Nguyễn Minh Tuấn cho biết dù không tích nước nhưng với việc hồ không có cửa xả đáy thì mực nước hồ lúc cao điểm vẫn là 161m, ước tính 480-500 triệu m3 nước. Vì vậy dù không tích nước mà mực nước trong hồ vẫn rất lớn nên cần thiết phải có phương án phòng chống lụt bão cho người dân vùng hạ du. Kịch bản phải kéo dài theo địa hình của dòng sông Tranh qua Thu Bồn xuống Tiên Phước, Nông Sơn...

Chiều cùng ngày, đoàn công tác đã có buổi làm việc với chính quyền tỉnh Quảng Nam. Kết luận tại buổi làm việc, ông Diệu nhấn mạnh: “Các nhà khoa học kết luận an toàn nhưng chúng ta cũng phải có dự kiến. Cần điều tra số hộ dân, xa, gần, xe, tàu, canô... chuẩn bị trước. Với thiên tai thì không thể chủ quan”.

Ngay sau khi đoàn công tác vừa rút khỏi hiện trường, một vụ động đất làm rung chuyển toàn bộ huyện Bắc Trà My tiếp tục xảy ra. Ông Đặng Phong, chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My, cho biết rung chấn mạnh diễn ra lúc 13g34 làm mọi thứ nghiêng ngả. Theo ông Phong, động đất dường như hoạt động theo quy luật, mỗi khi có mưa, nước đổ về lòng hồ nhiều thì sau một thời gian ngắn là có động đất. Theo thống kê của các xã bị ảnh hưởng đến chiều 27-9, toàn huyện Bắc Trà My có đến 508 nhà dân, trên 30 điểm trường học, trụ sở công cộng bị thiệt hại nứt tường, nền nhà, gãy trụ, bung tróc trần nhà, laphông.

Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần Viện Vật lý địa cầu cho biết lúc 13g35 ngày 27-9 lại xảy ra một trận động đất có cường độ 3,8 độ Richter, độ sâu chấn tiêu 5km và tâm chấn cách thủy điện Sông Tranh 2 khoảng 10km.

TUẤN PHÙNG thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên