27/09/2012 16:51 GMT+7

Lo lắng trước thực tế thủy điện Sông Tranh 2

TẤN VŨ
TẤN VŨ

TTO - Sáng 27-9, đoàn công tác của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão (PCLB) trung ương và lãnh đạo sở, ban ngành tỉnh Quảng Nam đã có buổi kiểm tra tình hình phòng chống lụt bão tại thủy điện Sông Tranh 2 trước mùa mưa lũ.

Lật lại báo cáo đánh giá tác động môi trường thủy điện Sông Tranh 2: Ngỡ ngàng

LdZ40oa5.jpgPhóng to

Đoàn công tác của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão trung ương đã có buổi kiểm tra tình hình phòng chống lụt, bão tại thủy điện Sông Tranh 2 trước mùa mưa lũ sáng nay 27-9 - Ảnh: Tấn Vũ

Dù không được phép tích nước nhưng trưởng đoàn công tác Nguyễn Xuân Diệu, ủy viên thường trực Ban chỉ huy PCLB trung ương, đã có một số lo lắng trước tình hình hiện nay của thủy điện này.

Ngay sau khi đoàn công tác vừa rút khỏi hiện trường, một vụ động đất mạnh làm rung chuyển toàn bộ huyện Bắc Trà My đã xảy ra.

Ông Đặng Phong, chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My, cho biết trận rung chấn mạnh dữ dội diễn ra lúc 13g34 làm mọi thứ nghiêng ngả. Chính quyền huyện đang cho người đi kiểm tra hiện trường và làm báo cáo gửi cấp trên.

Sau khi nghe báo cáo tình hình chuẩn bị ứng phó và PCLB của Ban quản lý dự án thủy điện 3, đơn vị vận hành nhà máy, chánh văn phòng Ban chỉ huy PCLB Quảng Nam Nguyễn Minh Tuấn cho biết dù không tích nước nhưng với việc hồ không có cửa xả đáy thì mực nước hồ lúc cao điểm vẫn là 161m, tương đương 480-500 triệu m3 nước. Vì vậy dù không tích nước mà mực nước trong hồ vẫn rất lớn nên rất cần thiết phải có phương án phòng chống lụt bão cho người dân vùng hạ du. Kịch bản phải kéo dài theo địa hình của dòng sông Tranh qua Thu Bồn xuống đến Cửa Đại (TP Hội An).

Phó Ban chỉ huy PCLB huyện Bắc Trà My Huỳnh Ngọc Thiệu cho biết đến nay đã có 23 trận động đất lớn nhỏ. Đặc biệt có bốn trận rất mạnh khiến 211 căn nhà của huyện bị nứt và sáu công trình lớn bị hư hại. Ông Thiệu lo lắng nếu nước về lớn hơn lượng nước xả qua sáu cửa tràn thì nước trong lòng hồ vẫn dâng lên trên 161m, khi đó con đập có an toàn hay không là một câu hỏi lớn.

Chia sẻ với những âu lo của địa phương, ông Nguyễn Xuân Diệu cho rằng phải cần nghĩ đến tình huống tồi tệ nhất của thủy điện trong mùa mưa lũ và lên kịch bản ứng phó.

“Phải có người của huyện trong ban điều hành phòng chống lụt bão của thủy điện. Phải minh bạch thông tin và người dân cần phải biết hiện trạng của hồ chứa để an tâm sinh sống” – ông Diệu nói.

TẤN VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên