Thuốc bổ coi chừng không bổ

TTCT - Một nghiên cứu mới về việc uống vitamin D không có hiệu quả trong giảm tỉ lệ gãy xương một lần nữa cho thấy trước khi dùng thuốc bổ, phải cân nhắc nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là khuyến cáo từ bác sĩ.

Khoảng 50% trong số những người trưởng thành Mỹ, trong đó 70% người từ 65 tuổi trở lên, thường xuyên uống một loại vitamin tổng hợp hoặc vitamin riêng lẻ hoặc khoáng chất bổ sung khác. Năm 2021, người Mỹ đã chi gần 50 tỉ USD cho các loại vitamin và thực phẩm chức năng, theo medicalxpress.com. Số tiền này được các chuyên gia dinh dưỡng của Đại học Johns Hopkins cho rằng tốt hơn là nên dành cho các loại thực phẩm đầy đủ chất dinh dưỡng như trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt và các sản phẩm từ sữa ít béo.

Thuốc bổ coi chừng không bổ - Ảnh 1.

Bổ sung vitamin không thay thế bữa ăn lành mạnh. Ảnh: everydayhealth.com

NGHIÊN CỨU LÀM PHIỀN LÒNG "FAN" VITAMIN D

Vitamin D hoặc thực phẩm bổ sung vitamin D được nhiều người mua và sử dụng rộng rãi để ngăn ngừa loãng xương, giúp xương chắc khỏe. Tuy nhiên, theo nghiên cứu công bố ngày 28-7 trên tập san y khoa uy tín The New England Journal of Medicine, uống vitamin D cùng canxi hoặc không cùng canxi đều không có hiệu quả trong giảm tỉ lệ gãy xương ở người trưởng thành.

Nghiên cứu sử dụng phương pháp thực nghiệm lâm sàng có đối chứng ngẫu nhiên - phương pháp nghiên cứu có giá trị nhất về mặt y học thực nghiệm trên 25.871 người (nam từ 50 tuổi trở lên và nữ từ 55 tuổi trở lên). Các tình nguyện viên được chia làm 2 nhóm, một nhóm được uống 2.000 đơn vị vitamin D mỗi ngày còn một nhóm uống giả dược. Kết quả, bổ sung vitamin D với liều lượng kể trên không giúp giảm gãy xương nói chung. Nó cũng không có tác dụng hỗ trợ gì với gãy xương nặng, gãy xương cổ tay hoặc gãy xương chậu.

Các nhà nghiên cứu nhận thấy kết quả này không bị thay đổi theo tuổi, giới tính, chủng tộc, chỉ số khối cơ thể, nồng độ vitamin D trong máu cơ bản và việc bổ sung canxi với vitamin D. Tổng cộng 1.991 ca gãy xương do sự cố ở 1.551 người tham gia nghiên cứu được xác nhận trong thời gian theo dõi trung bình là 5,3 năm.

Kết quả nghiên cứu cho thấy với hàng triệu người Mỹ đang uống bổ sung vitamin D hằng ngày, họ có thể dừng làm điều này mà không cần phải lo nghĩ gì. "Các bác sĩ nên ngừng khuyến nghị bổ sung vitamin D và người dân có thể ngừng uống vitamin D bổ sung, trừ những trường hợp ngoại lệ, như người mắc các bệnh celiac (bệnh do cơ thể không dung nạp Gluten) hoặc bệnh Crohn (bệnh viêm ruột xuyên thành mạn tính), những người sống trong điều kiện thiếu ánh nắng mặt trời hoặc ăn uống kém dinh dưỡng" - bác sĩ Steven R. Cummings, nhà nghiên cứu tại Trung tâm y tế California Pacific, phát biểu.

Nghiên cứu này là một phần của nghiên cứu toàn diện về vitamin D có tên VITAL được tài trợ bởi Viện Y tế quốc gia Mỹ. Phần đầu của nghiên cứu VITAL được công bố trước đây kết luận rằng vitamin D không giúp ngăn ngừa ung thư hoặc bệnh tim mạch. Nó cũng không ngăn ngừa gãy xương do té ngã, không cải thiện chức năng nhận thức, không giảm rung nhĩ, không làm giảm tần suất của chứng đau nửa đầu, không cải thiện đột quỵ, không bảo vệ chúng ta chống thoái hóa điểm vàng hoặc giảm đau đầu gối.

Bác sĩ JoAnn Manson, trưởng bộ phận y tế dự phòng tại Bệnh viện Brigham và Phụ nữ thuộc Trường Y Harvard và là trưởng nhóm nghiên cứu VITAL, cho biết nghiên cứu này rất lớn, gồm hàng nghìn người bị loãng xương hoặc có mức vitamin D trong phạm vi được xem là thấp hoặc "không đủ". Các nhà nghiên cứu đủ cơ sở để xác định ở những người vốn bị xem là thiếu vitamin D, họ cũng không nhận được lợi ích nào (như giảm gãy xương) từ việc bổ sung vitamin D.

"Nhìn chung, kết quả từ thử nghiệm lâm sàng lớn này không cho thấy sử dụng bổ sung vitamin D có thể giúp giảm gãy xương ở những người trưởng thành khỏe mạnh nói chung" - tác giả chính của nghiên cứu, bác sĩ Meryl LeBoff, trưởng nhóm Canxi và xương thuộc khoa nội tiết của Bệnh viện Brigham and Women's, kết luận. Bà LeBoff thừa nhận đã mong đợi là bổ sung vitamin D mang lại lợi ích, vì thế rất ngạc nhiên với kết quả nghiên cứu.

Các nhà khoa học cho biết họ biết khi đưa ra những tuyên bố như vậy, họ có thể bị những người bán vitamin, các cơ sở xét nghiệm và những "fan cuồng" của vitamin D phản đối. Theo bác sĩ Manson, mặc dù kết luận có thể khiến nhiều người bất ngờ, nhưng dường như chúng ta chỉ cần một lượng nhỏ đến trung bình vitamin để bảo vệ sức khỏe của xương. Uống nhiều vitamin D hơn không mang lại lợi ích lớn hơn.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng nói thêm là nghiên cứu không giải quyết câu hỏi liệu những người bị loãng xương hoặc mật độ xương thấp, có nên bổ sung vitamin D và canxi, cùng với các loại thuốc điều trị loãng xương hay không. Các hướng dẫn chuyên môn hiện nay đều nói họ nên bổ sung vitamin D và canxi và như vậy, các bác sĩ sẽ vẫn tiếp tục tuân thủ hướng dẫn này khi khám chữa bệnh cho đến khi có thông báo mới.

Thuốc bổ coi chừng không bổ - Ảnh 2.

Bổ sung vitamin D không thực sự giúp chống loãng xương.

ĐỪNG QUÊN BỮA ĂN LÀNH MẠNH

Bệnh viện phi lợi nhuận Northwestern Medicine ở Mỹ cho rằng với những người (Mỹ) khỏe mạnh, không mang thai, vitamin là một sự lãng phí tiền bạc vì không có đủ bằng chứng là chúng giúp ngăn ngừa bệnh tim mạch hoặc ung thư. Hầu hết các nghiên cứu đều gợi ý rằng vitamin tổng hợp sẽ không giúp cho chúng ta sống lâu hơn, không làm chậm quá trình suy giảm nhận thức hoặc giảm nguy cơ mắc bệnh, như bệnh tim, ung thư hoặc tiểu đường.

Ngoài ra, không phải vitamin luôn an toàn. Vitamin K, có thể làm giảm hiệu quả của thuốc làm loãng máu, hoặc Beta-carotene và vitamin A có thể làm tăng nguy cơ ung thư phổi ở người hút thuốc. Theo Đài BBC, năm 1994, một thử nghiệm đã theo dõi cuộc sống của 29.133 người từ 50 tuổi trở lên ở Phần Lan, tất cả đều hút thuốc, nhưng một số uống bổ sung beta-carotene. Trong nhóm này, tỉ lệ mắc ung thư phổi cao hơn là 16%. Trong bài viết trên tạp chí Annals of Internal Medicine có tựa đề "Ngừng lãng phí tiền vào các chất bổ sung vitamin và khoáng chất", các nhà nghiên cứu của Đại học Johns Hopkins đã nêu bằng chứng về các loại thuốc bổ sung đang khiến chúng ta lãng phí tiền. Nghiên cứu với 450.000 người cho thấy vitamin tổng hợp không làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim hoặc ung thư.

Lời khuyên cho chúng ta để không lãng phí tiền mua vitamin bổ sung là hãy hỏi ý kiến bác sĩ trước khi uống các loại thuốc này. Ngoài ra, cần lưu ý dùng đúng chỉ định như trên bao bì nhãn mác và hướng dẫn của bác sĩ.

Quan trọng nhất, dù mục đích chúng ta bổ sung vitamin để làm gì, một điều chắc chắn là vitamin bổ sung không thay thế cho một chế độ ăn uống lành mạnh, giàu chất dinh dưỡng. Vitamin bổ sung có đúng nghĩa là bổ sung - nghĩa là chúng tăng cường các lợi ích được cung cấp từ một chế độ ăn đầy đủ. Do đó, chúng ta không nên chủ quan và thay thế vitamin bổ sung với bữa ăn thực sự. ■

Dĩ nhiên, có lý do để việc uống bổ sung vitamin rất phổ biến với người Mỹ và nhiều người trên thế giới - đó là vì trong một số trường hợp, nó có hiệu quả. Bác sĩ Jeffrey Millstein, Bệnh viện Penn Internal Medicine Woodbury Heights, cho biết bên cạnh việc ăn uống lành mạnh, có bằng chứng cho thấy một số chất bổ sung có thể mang lại lợi ích về sức khỏe mà có ít hoặc không hề có rủi ro. Các loại vitamin có thể có lợi cho sức khỏe gồm: Vitamin B12, giúp các tế bào thần kinh và máu khỏe mạnh, ngăn ngừa bệnh thiếu máu. Axit Folic làm hạn chế dị tật trẻ sơ sinh ở phụ nữ mang thai…

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận