Nỗi lo trẻ con "nghèo kiểu mới"

LAN ANH THỰC HIỆN 01/06/2023 06:08 GMT+7

TTCT - Không còn đói ăn, thiếu mặc nhưng trẻ con ngày nay thiếu thốn về tinh thần, nguy cơ trở thành những đứa trẻ "nghèo kiểu mới". Bác sĩ Trần Văn Phúc, Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội), chia sẻ với Tuổi Trẻ Cuối Tuần.

Hai thái cực chăm con

Từ đâu tạo ra những đứa trẻ nghèo kiểu mới?

Từ những phụ huynh có con gặp vấn đề tâm lý, tôi nhìn thấy hai nhóm nguyên nhân. Chúng ta đã trải qua hơn ba năm đại dịch, có một thời gian dài trẻ phải ở nhà, không được gặp bạn bè, thầy cô, không đến trường... Điều đó vốn đã khiến cho tâm lý trẻ không bình thường.

Mỗi người trong gia đình có một thế giới riêng, cha mẹ khó làm bạn với con. Ảnh: QUANG ĐỊNH

Mỗi người trong gia đình có một thế giới riêng, cha mẹ khó làm bạn với con. Ảnh: QUANG ĐỊNH

Bên cạnh còn một nguyên nhân nữa mà chúng ta thấy rất quen nên không nghĩ đó cũng là lý do: cha mẹ nào cũng rất bận rộn nên không có thời gian chơi với con. Đồng nghiệp của tôi có con nhỏ, tan giờ làm, vợ vội vã đến phòng khám làm thêm, chồng cũng bận kiếm tiền mong con cái có cuộc sống đầy đủ nhất, học trường tốt hơn để chuẩn bị du học.
Về nhà vào tối muộn, vợ lo cơm nước, chồng tranh thủ xem tivi, hay tranh thủ giải quyết công việc trên máy tính, tiếp điện thoại nên họ không có thời gian ở bên con, đứa trẻ hỏi chuyện thì bố mẹ chỉ trả lời chiếu lệ.

Cha mẹ tự an ủi rằng đã bù đắp cho con bằng đời sống vật chất đầy đủ, mua điện thoại tốt, đồ chơi đắt tiền… nhưng trẻ có khi chỉ chơi 30 phút là chán vì chơi một mình không vui. Những trẻ em không đói ăn, thiếu mặc nhưng lại thiếu thốn về tinh thần, trở thành những đứa trẻ 'nghèo kiểu mới'.

Món đồ chơi bình thường nhưng có cha mẹ chơi cùng thì trẻ có thể chơi cả ngày và học được rất nhiều.

Thế giới tinh thần của trẻ rất quan trọng, nhưng ngay cả thế hệ hiện đang là cha mẹ cũng từng là những đứa trẻ phải tự chơi thay vì được chơi với cha mẹ, ông thấy điều này có mối liên quan nào không?

Trẻ em ngày nay đối diện với nhiều áp lực từ trường học, gia đình, bạn bè, thậm chí từ hàng xóm hay họ hàng.

Trẻ em đọc sách phù hợp với lứa tuổi. Ảnh: QUANG ĐỊNH

Trẻ em đọc sách phù hợp với lứa tuổi. Ảnh: QUANG ĐỊNH

Hiện nay chưa có nghiên cứu nhưng nhìn từ phòng khám thì thấy gần đây trẻ bị rối nhiễu tâm lý nhiều hơn trước. Nhiều em bị nhiễu loạn tâm lý có cha mẹ luôn bận rộn, kinh tế càng khá giả thì cha mẹ càng có ít thời gian cho gia đình. 

Những bậc cha mẹ ấy có thể đã từng sống trong cảnh khó khăn về kinh tế nên bị ám ảnh về việc phải giàu có để con cái có cuộc sống vật chất tốt hơn. Nhiều gia đình giao con hẳn cho ông bà hoặc người giúp việc, đến nỗi khi người giúp việc về quê thì cả gia đình rối loạn.

Để bù đắp cho sự vắng mặt, nhiều cha mẹ chiều con vô lối, đáp ứng ngay những gì mà con đòi hỏi. Từ đó hình thành một thế hệ thanh thiếu niên không cần biết đến nỗi vất vả của cha mẹ, vòng luẩn quẩn lặp lại là chúng có thể tiêu tán hết tài sản mà cha mẹ đã tích lũy.

 Vì thế tôi vẫn coi trọng giáo dục, chăm lo cho trẻ toàn diện, bên cạnh thể chất là vấn đề tinh thần.Khái niệm "sức khỏe" hiện nay là sự thoải mái cả về thể chất, tinh thần và xã hội. Xu hướng của các quốc gia đã phát triển và các nước láng giềng mới phát triển cho thấy nhu cầu/yêu cầu chăm sóc tinh thần cho trẻ em rất lớn. Họ có phòng tâm lý tại trường học, có bác sĩ tâm lý...

Nhưng có nhiều cha mẹ rất yêu con, dành nhiều thời gian để theo con từ trường học chính đến lớp học thêm, chờ con hàng giờ ở câu lạc bộ hay nơi con tụ tập cùng bạn bè. Vậy vì sao những đứa trẻ của họ vẫn không vui?

Cha mẹ dành thời gian hướng dẫn trẻ vui chơi để cân bằng cảm xúc, tránh rối loạn tâm lý. Ảnh: QUANG ĐỊNH

Cha mẹ dành thời gian hướng dẫn trẻ vui chơi để cân bằng cảm xúc, tránh rối loạn tâm lý. Ảnh: QUANG ĐỊNH

Đây lại là một thái cực khác, chúng tôi gọi đó là "cha mẹ trực thăng", họ nâng niu con quá mức, họ luôn bay lượn trên đầu con để giúp con định hướng cuộc sống. Cách nuôi dạy kiểu này hình thành các "em chã", đến 40-50 tuổi vẫn không tự chăm sóc được bản thân.

 Những cha mẹ này rất nhiều năng lượng và thời gian, họ lo giải quyết tất cả các vấn đề của con cái nhưng bỏ qua nhu cầu tự trưởng thành của con mình. "Cha mẹ trực thăng" coi con cái như tài sản, kiểm soát mọi lúc mọi nơi và không coi con là cá thể độc lập.

Hai kiểu giáo dục trên đều không có lợi cho sự trưởng thành của con cái do cha mẹ chưa định vị tốt vai trò của mình, chưa nắm bắt đúng ranh giới của mối quan hệ cha mẹ và con cái.

Làm bạn với con từ tiểu học

Trẻ học kỹ năng từ thực tế. Ảnh: QUANG ĐỊNH

Trẻ học kỹ năng từ thực tế. Ảnh: QUANG ĐỊNH

Như ông nói, chăm lo tinh thần cho trẻ rất quan trọng, lứa tuổi nào là chăm lo tốt nhất?

Về tâm lý lứa tuổi, dưới 6 tuổi là lứa tuổi phụ thuộc. Trẻ bám bố mẹ, suốt ngày chỉ bố mẹ, bố mẹ là số 1. Nhóm 6-12 tuổi là tâm lý thần tượng, nếu bố mẹ thuyết phục được thì trẻ thần tượng bố mẹ, cô giáo khiến trẻ phục hơn thì trẻ thần tượng cô giáo... Mà khi trẻ thần tượng ai đó bên ngoài thì bố mẹ bảo không nghe, nói là chúng cãi ngay. Đến 13-18 tuổi là tâm lý "bầy đàn", có khi bạn bè và người ngoài quan trọng hơn người thân, tin bạn hơn cả bố mẹ, tốt nghiệp lớp 12 chia tay là cả lớp viết lưu bút, khóc như mưa.

Một gia đình có con 13 tuổi trở lên, đến bữa ăn cả nhà mới đông đủ nhưng nói chuyện thì không ai hiểu ai hoặc nói vài câu là cãi nhau. Nếu trước đó, cha mẹ không gần gũi con thì đến giai đoạn này, cha mẹ đã "đánh mất" con. Để "sửa sai" thì lúc nào cũng có thể, chỉ là không hiệu quả bằng việc nhận biết và can thiệp đúng lúc. Tốt nhất là cha mẹ làm bạn với con từ độ tuổi tiểu học, trước khi trẻ qua 13 tuổi, đó là giai đoạn vàng để hiểu và uốn nắn trẻ.

Theo ông, chăm sóc tinh thần cho trẻ em bao gồm những gì?

Quá trình tư vấn, tôi gặp một cháu cứ kêu đau bụng. Phụ huynh nói đã thăm khám nhiều nơi, chữa chạy hết vài chục triệu mà cháu vẫn nói chưa hết đau. Khi thăm khám kỹ mới biết cháu gặp vấn đề tâm lý. Tôi hướng dẫn gia đình trị liệu bằng cách tăng thời gian tiếp xúc, cho cháu học các môn nghệ thuật như nhạc, hội hoạ. Một thời gian sau, cháu không còn thường xuyên bức xúc, căng thẳng và cũng không còn đau bụng.

Ở đây, việc học âm nhạc là để cháu có niềm vui, có tinh thần đồng đội, rèn luyện về tư duy... Bên cạnh đó là sự gần gũi, chia sẻ của người thân, gia đình, như người bạn của trẻ, không áp đặt, luôn tôn trọng, khuyến khích trẻ vươn lên.

Trẻ em rất thích chơi cùng ba mẹ. Ảnh: QUANG ĐỊNH

Trẻ em rất thích chơi cùng ba mẹ. Ảnh: QUANG ĐỊNH

Vậy cha mẹ nên "đứng ở đâu" là tốt nhất cho sự phát triển của con?

Một số bậc cha mẹ có thể nghĩ rằng một đứa trẻ lớn lên khỏe mạnh là nhờ đủ cơm ăn và không ốm đau. Thực tế sức khỏe tinh thần cực kỳ quan trọng, nó ảnh hưởng lớn đến sự trưởng thành của trẻ. Dù công việc có mệt mỏi, bận rộn đến đâu, cha mẹ khi về nhà cũng nên chú ý đến cảm xúc của con cái, tạo cho con cái bầu không khí gia đình gắn kết và ấm cúng. Bên cạnh việc học bồi dưỡng kiến thức thì trẻ cần học thêm các môn thuộc về sở thích, đam mê như nhạc, vẽ, chơi thể thao... để trẻ có thể cân bằng tâm sinh lý sau những giờ học kiến thức mệt mỏi.

Cha mẹ nên nhớ: tất cả việc làm, hành động, mối quan hệ, thái độ của cha mẹ với người khác... đều ảnh hưởng một cách tinh tế đến trẻ, chính cha mẹ phải là tấm gương để con cái soi vào.■

Bác sĩ Trần Văn Phúc (Bệnh viện Xanh Pôn, Hà Nội) đã chủ trì một số diễn đàn về tâm lý học sinh dành cho phụ huynh và trẻ. Là bác sĩ chuyên chẩn đoán hình ảnh nhưng bác sĩ Phúc tự nghiên cứu về tâm lý trẻ em, nhất là lứa tuổi học sinh và trở thành chuyên gia tư vấn tâm lý được nhiều phụ huynh tin cậy. Một số chủ đề bác sĩ Phúc trao đổi tại các diễn đàn tư vấn tâm lý ở Hà Nội như "Làm thế nào để con phát triển toàn diện", "Cha mẹ trực thăng, làm gì để con phát triển cân bằng?"...
Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận