Lạm phát dai dẳng, vì sao?

NGUYỄN VŨ 14/05/2023 10:38 GMT+7

TTCT - Lạm phát ở nước Mỹ đang dai dẳng mặc dù ngân hàng trung ương nước này (Fed) đã 10 lần nâng lãi suất, giờ lên trên 5%, mức cao chưa từng có trong 15 năm qua.

Đó là bởi trong hai năm qua, theo các nhà kinh tế, lạm phát do một loạt các nguyên nhân gây ra, khi thì từ phía cung, khi thì từ phía cầu; chưa kể có nhà kinh tế nói lạm phát do lòng tham của doanh nghiệp, do lương công nhân tăng… Nói chung là do đủ thứ, nhưng lạ một điều ít ai nói do chính sách bơm tiền vô tội vạ.

Ảnh: minneapolisfed.org

Ảnh: minneapolisfed.org

Đủ thứ nguyên do

Trước đại dịch, lạm phát ở Mỹ nằm quanh mức 2% rồi giảm mạnh khi dịch bùng phát vào đầu năm 2020 khi mọi người sống giãn cách, hầu như không tiêu tiền. 

Đến mùa hè năm 2021, lạm phát bắt đầu tăng vọt, lúc đó nguyên nhân là do đứt gãy chuỗi cung ứng, hàng hóa tắc nghẽn; đại dịch làm sản xuất ngưng trệ ở nhiều nước, giá vận chuyển lại tăng mạnh, mua gì cũng khó. 

Đồng thời sức mua của người dân cũng tăng vì làm việc từ nhà, họ mua sắm từ máy tính xách tay đến dụng cụ tập thể dục; nhiều người nhận tiền trợ cấp từ chính phủ mạnh tay chi cho tiêu dùng. Lạm phát lúc này chủ yếu do thiếu hàng hóa.

Đến cuối năm 2021, xu hướng tăng giá dịch vụ cộng hưởng vào tăng giá hàng hóa. Lý do cũng vì nhu cầu dịch vụ tăng mạnh, người cung cấp dịch vụ có thể tăng giá mà không sợ mất khách. 

Lúc đó, lợi nhuận biên của doanh nghiệp tăng vọt, là cái cớ để sau này nhiều người đổ lỗi lạm phát cho sự tham lam của giới kinh doanh. 

Lúc này, một hiện tượng lạ xảy ra, mặc cho nền kinh tế xìu xìu ển ển, nhu cầu tuyển dụng tăng vọt, có thể do làn sóng bỏ việc lan ra khắp nơi. Vì thế buộc lòng doanh nghiệp phải nâng lương để tuyển được người mới, giữ chân người cũ.

Bắt đầu có những tiếng nói gán chuyện lương tăng với lạm phát; mặc dù không ai nói về mối quan hệ nhân quả nhưng lại nhấn mạnh giá cả khó lòng quay về mức tăng bình thường nếu tiền lương cứ tăng đều. 

Như một vòng xoáy không lối thoát, các doanh nghiệp sẽ phải tăng giá để chuyển chi phí lao động tăng cho người tiêu dùng; công nhân, cũng là người tiêu dùng, kỳ vọng lương cao hơn để bù đắp. 

Đây cũng là lý do Fed liên tục tăng lãi suất; lãi suất tăng sẽ làm mọi người cân nhắc, giảm vay tiền mua xe, mua nhà hay mở rộng quy mô kinh doanh, sản xuất. Mục tiêu là làm chậm lại thị trường lao động, từ đó buộc doanh nghiệp ngưng đà tăng giá.

Tuy nhiên đến đầu năm 2022, lại một lực gây lạm phát khác ập đến, làm ngân hàng trung ương các nước như bị trói tay trói chân, không thể tung ra chính sách mới để chống lạm phát. 

Đó là cuộc chiến Ukraine bùng lên làm giá lương thực và nhiên liệu khắp thế giới tăng vọt. Lạm phát ở Mỹ đạt mức cao nhất từ những năm 1980, đến 9% ghi nhận vào tháng 7-2022.

Lời tiên tri tự thành sự thật

Nói gì thì nói, lạm phát dai dẳng, như nhận định của nhà kinh tế Milton Friedman, luôn là hệ quả của chính sách tiền tệ nới lỏng quá mức. 

Để đối phó với sự ngưng trệ của nền kinh tế do đại dịch COVID-19, Chính phủ Mỹ đã bơm hàng ngàn tỉ đô la Mỹ, vừa phát trực tiếp cho dân, vừa hỗ trợ doanh nghiệp trong nhiều chương trình. 

Tổng cộng các gói kích cầu tài khóa lên đến 26% GDP, một con số kỷ lục. Trong khi đó, thoạt tiên Fed lại rất chủ quan, đến tháng 12-2020 mà vẫn dự báo lạm phát trong hai năm sau đó chỉ quanh quẩn ở mức 2%. 

Khi giá cả bắt đầu tăng, Fed cũng phạm sai lầm lớn khi khẳng định lạm phát chỉ là vấn đề nhất thời và sẽ chóng qua. Lúc đó, vào tháng 12-2021, dù lạm phát cả năm đã vượt mức 5%, Fed vẫn đưa ra dự báo trên mây: năm 2022, lạm phát sẽ chỉ ở mức 2,6%. 

Sự chủ quan và sai lầm này dẫn tới những chính sách tiền tệ nới lỏng, làm lạm phát ngày càng thêm trầm trọng và bắt rễ.

Chẳng hạn, để chống lạm phát, Fed liên tục nâng lãi suất và từ đó làm đồng đô la Mỹ mạnh lên. Nói cách khác, chính sách nới lỏng tiền tệ của Mỹ nay đã xuất khẩu lạm phát sang nước khác khi giá cả nhập khẩu nhiên liệu, lương thực và các mặt hàng thiết yếu tăng vọt. 

Kinh tế trưởng IMF đã tính toán và cho rằng đồng đô la Mỹ cứ lên giá 10% sẽ làm lạm phát ở các nước tăng thêm 1%, nước nào càng phụ thuộc vào nhập khẩu thì tỉ lệ này càng cao.

Cuối cùng, như các nhà kinh tế thường nhận xét, cứ nói nhiều về lạm phát thì lạm phát sẽ xuất hiện; nói cách khác, kỳ vọng về mức độ tăng của giá cả sẽ có tác động trực tiếp lên giá cả. 

Mọi người tin giá cả tăng, họ sẽ tiêu ngay đồng tiền đang có trong tay và đòi lương cao hơn để bù đắp. Chính lòng tin này cũng làm lạm phát cứ dai dẳng suốt như một lời tiên tri tự ứng nghiệm.■


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận