15/08/2014 07:00 GMT+7

​Báo chí Mỹ thách thức chính quyền

ĐÔNG PHƯƠNG
ĐÔNG PHƯƠNG

TT - Tổ chức công đoàn nhà báo Newspaper Guild đã trao giải thưởng “Tự do Herbert Block” cho nhà báo James Risen, người đang đối đầu với Washington trong cuộc chiến vì tự do báo chí ở Mỹ.

Nhà báo James Risen - Ảnh: AFP
Nhà báo James Risen - Ảnh: AFP

“James Risen được vinh danh do mạo hiểm tự do của bản thân để bảo vệ các nguyên tắc cần có cho một nền truyền thông thật sự tự do” - thông cáo của Tổ chức Newspaper Guild viết.

Theo AFP, phóng viên James Risen, 59 tuổi của tờ New York Times đang đối mặt với nguy cơ ngồi tù do kiên quyết từ chối tiết lộ tên người cấp tin mà ông dùng trong cuốn sách State of war: The secret history of the CIA and the Bush administration (Nhà nước của chiến tranh: Lịch sử bí mật của CIA và chính quyền Bush) viết về CIA và chính quyền tổng thống Bush trong cuộc chiến chống khủng bố.

Các công tố viên liên bang đeo bám Risen từ khi ông công bố State of war đầu năm 2006. Bên công tố nghi ngờ một nhân viên CIA cung cấp thông tin mật cho Risen về các hành động vụng trộm của CIA trong một chiến dịch nhắm vào chương trình hạt nhân Iran.

Từ bỏ niềm tin hay ngồi tù

Anh ấy đã dùng cách không gây phương hại cho an ninh quốc gia để nói với người Mỹ những điều chính phủ của họ không nên làm. Đó là công việc của anh ấy, công việc của tất cả các nhà báo. Chúng ta có cuộc sống tốt đẹp hơn là nhờ vậy

BERNIE LUNZER (nhà lãnh đạo của Newspaper Guild)

Một ngày cuối tháng 12-2005, John A. Rizzo, quyền trưởng văn phòng luật sư của CIA, nhận được một cuộc điện thoại khẩn cấp từ Nhà Trắng. Cú điện đề cập một chương trong cuốn sách sắp ra mắt của James Risen.

Nhà Trắng yêu cầu ông Rizzo liên hệ với ông Sumner Redstone - chủ nhân của Nhà xuất bản Simon & Schuster - để xếp xó toàn bộ các ấn bản State of war. Ông Rizzo không thể hoàn thành nhiệm vụ. Đã quá trễ! Cuốn sách đã kịp có mặt ở hầu hết các kệ sách trên toàn nước Mỹ từ ngày 3-1-2006.

Chính quyền Bush khi ấy xác định người tiết lộ thông tin mật chính là cựu nhân viên CIA Jeffrey Sterling. Năm 2008, chính quyền đưa trát đòi James Risen ra hầu tòa nhằm xác nhận ông Sterling là nguồn tin. Risen kiên quyết từ chối ra đối chứng.

Thậm chí Risen còn yêu cầu tòa tối cao hủy phán quyết của tòa liên bang đòi ông ra hầu tòa. Đầu năm 2014, tòa án tối cao bác yêu cầu của Risen. Như vậy, nếu tiếp tục từ chối cung cấp thông tin, nhà báo Risen có khả năng phải vào tù.

Nhà báo từng có giải Pulitzer đang đối mặt với nhiều thách thức: chấp nhận hi sinh tự do cá nhân để bảo vệ nguồn tin hay khai ra người đã tiết lộ thông tin mật cho mình.

Trong cuộc nói chuyện vào tháng 2-2014 ở Boston, Risen cho biết ông có hai lựa chọn: “từ bỏ mọi thứ tôi tin tưởng hoặc ngồi tù”. Và ông khẳng định sẽ “tiếp tục đấu tranh” để đảm bảo an toàn cho nguồn tin của mình.

Báo giới Mỹ sôi sục

Hôm 11-8, 14 nhà báo đoạt giải Pulitzer của các tờ báo danh tiếng Mỹ đã lên tiếng ủng hộ James Risen.

“Nếu bạn xem trọng một nền báo chí tự do sôi động, bạn sẽ muốn những người như Risen săn tìm các sự thật gay cấn nhất về việc sử dụng và lạm dụng quyền lực. Bạn không muốn họ bị thối rữa trong tù - nhà báo David Barstow của New York Times, người từng đoạt ba giải Pulitzer, tỏ ra phẫn nộ - Các bạn có muốn đất nước chúng ta trở thành một đất nước như thế không?”.

“Thật đáng nhục nhã khi James Risen phải đối mặt với án tù trong khi ông làm điều mà bất kỳ nhà báo chân chính nào cũng phải làm: bảo vệ bí mật nguồn tin. Tổng thống Obama và Bộ trưởng Tư pháp Mỹ nên hủy mọi cáo buộc pháp lý nhắm vào Risen để chứng tỏ một điều: cuộc chiến chống rò rỉ thông tin của họ không phải là cuộc tấn công vào tu chính án thứ nhất và sự tự do báo chí” - Jason Szep và Andrew R.C. Marshall, hai nhà báo của Hãng tin Reuters, lên tiếng.

Roots Action, nhóm thu thập bình luận của báo giới về trường hợp của phóng viên Risen, sẽ tổ chức một hội thảo vào ngày 14-8 (giờ địa phương) với các tổ chức tự do báo chí. Nhóm này sẽ đưa ra một bản kiến nghị với 100.000 chữ ký kêu gọi nhà chức trách dừng ngay các hành động pháp lý chống lại ông Risen.

Hồi tháng 6-2014, một liên hiệp gồm 70 cơ quan thông tấn và các nhóm tự do báo chí đã viết một lá thư kêu gọi Thượng viện Mỹ có những hành động kịp thời nhằm thông qua một đạo luật lá chắn, tạo cơ sở pháp lý cho các nhà báo bảo vệ nguồn tin của mình.

Theo tờ New York Times, vụ án của James Risen đặt chính quyền Mỹ vào một thế khó xử. Chính phủ đang phải vật lộn để tìm một sự cân bằng giữa việc tích cực thực thi luật chống rò rỉ thông tin mật với việc đảm bảo các quyền tự do dân sự và tính minh bạch của chính phủ.

Nhà nghiên cứu bí mật chính phủ thuộc Hiệp hội các nhà khoa học Mỹ, ông Steven Aftergood, cho biết nếu James Risen phải ngồi tù hoặc bị phạt ở mức không thể chấp nhận được, Chính phủ Mỹ sẽ phải đối mặt với các bài báo chỉ trích. Còn nếu chính quyền Obama không mạnh tay, việc mất niềm tin của cộng đồng tình báo là điều hết sức hiển nhiên.

Giải thưởng Tự do Herbert Block với phần thưởng 5.000 USD sẽ được trao vào tháng 10 năm nay. Nhưng không rõ James Risen có thể tham dự sự kiện này hay không...

Giải thưởng Tự do Herbert Block

Giải “Tự do Herbert Block” là giải thưởng của Newspaper Guild (công đoàn đại diện 250 đầu báo của Mỹ và Canada) vinh danh các nhà báo đấu tranh cho tự do báo chí. Giải thưởng này được lấy theo tên của nhà báo Herbert Block - chuyên vẽ tranh biếm họa trên tờ Washington Post. Ông Block là một nhà báo cống hiến cả đời để bảo vệ tự do báo chí. Ông qua đời năm 2001.

“Với tác phẩm của mình, James Risen đã làm những điều mà một nhà báo giỏi phải làm - người đứng đầu Newspaper Guild, Bernie Lunzer cho biết - Anh ấy đã đào bới thông tin, phát triển các nguồn tin tin tưởng vào anh ấy và công bố một số sự thật không thể chối cãi được đằng sau cuộc chiến chống khủng bố”.

 

ĐÔNG PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên