Ngày 14-5, ông Hồ Quang Bửu - phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam - yêu cầu các địa phương có đông ngư dân và các đơn vị tăng cường hỗ trợ ngư dân trong thời gian Trung Quốc đơn phương ra lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông.
Ngư dân ra biển bình thường trước lệnh cấm đánh bắt cá
Trước đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã gửi công văn cho Quảng Nam và các tỉnh về việc Trung Quốc thông báo lệnh cấm đánh bắt cá có thời hạn trên biển.
Là địa phương có số tàu bè, ngư dân đánh bắt thủy hải sản trên biển lớn, tỉnh Quảng Nam đã yêu cầu ngành nông nghiệp và các huyện thị ven biển thông báo cho ngư dân biết về lệnh cấm phi lý của Trung Quốc.
Đồng thời khẳng định việc đơn phương cấm đánh bắt cá có thời hạn đã xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích của Việt Nam trên Biển Đông. Lệnh cấm này không có giá trị.
Các ngành, địa phương và các lực lượng tăng cường động viên ngư dân bám biển sản xuất bình thường trong phạm vi vùng biển của Việt Nam; hướng dẫn ngư dân tổ chức thành tổ, đoàn, đội khi ra biển để giúp đỡ nhau.
Khi có tình huống thì cần thông báo kịp thời cho các cơ quan chức năng về các hành vi vi phạm của tàu cá nước ngoài trong vùng biển của Việt Nam.
Tỉnh Quảng Nam cũng yêu cầu tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của tàu cá trên biển qua hệ thống giám sát tàu cá, có biện pháp cảnh báo cho các tàu cá khi cần thiết.
Ngoài ra, các đơn vị cần báo cáo, thông tin kịp thời các vụ việc phát sinh trên biển cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông qua đường dây nóng 0815 886 188 của Cục Kiểm ngư.
Hiện Quảng Nam có hơn 3.000 tàu cá, trong đó 676 chiếc đánh bắt xa bờ. Quảng Nam có nhiều làng chuyên đánh bắt ở ngư trường truyền thống Hoàng Sa, Trường Sa.
Lệnh cấm đánh bắt cá không có giá trị pháp lý
Tại họp báo thường kỳ ngày 25-4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng được đặt câu hỏi về phản ứng của Việt Nam trước lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc ở Biển Đông.
Bà Hằng nhấn mạnh: "Lập trường của Việt Nam về lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc ở Biển Đông là nhất quán và đã được khẳng định rõ trong những năm qua".
Theo đó, lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc không chỉ vi phạm chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa mà còn vi phạm quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam với vùng đặc quyền kinh tế được xác định theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982.
"Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán với các vùng biển của Việt Nam, không làm phức tạp thêm tình hình, đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định, trật tự ở khu vực Biển Đông", bà Hằng nêu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận