22/05/2018 16:20 GMT+7

Yêu cầu cơ quan độc lập xác minh vụ thi công chức 'đậu thành rớt'

TRUNG TÂN
TRUNG TÂN

TTO - Cho rằng tỉnh tổ chức thi, tổ chức chấm phúc khảo rồi giờ đi 'kiểm tra chính mình' là không đáng tin nên các thí sinh yêu cầu một cơ quan cao hơn, độc lập xác minh.

Yêu cầu cơ quan độc lập xác minh vụ thi công chức đậu thành rớt - Ảnh 1.

Chị Đặng Thị Hải Hằng và anh Nguyễn Thanh Hùng trao đổi với phóng viên sau buổi đối thoại - Ảnh: TRUNG TÂN

Sáng 22-5, UBND tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức buổi đối thoại với những thí sinh "từ đậu thành rớt" trong kỳ thi công chức tỉnh Đắk Lắk năm 2017. Sau buổi làm việc, hầu hết thí sinh không đồng ý với cách giải quyết của tỉnh.

Các thí sinh cho biết tất cả những người có đơn khiếu nại về kết quả chấm phúc khảo kỳ thi công chức năm 2017 được mời lên dự buổi đối thoại. Tuy nhiên, đoàn công tác làm việc với từng người một, không phải là buổi đối thoại với tất cả mọi người cùng lúc.

Không thay đổi được kết quả

Theo đó, ông Nguyễn Hải Ninh - phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk, chủ tịch Hội đồng thi tuyển công chức tỉnh Đắk Lắk năm 2017, chủ trì buổi đối thoại, đã yêu cầu các ngành chức năng báo cáo trình tự giải quyết khiếu nại, kết quả xác minh đối với từng trường hợp có đơn khiếu nại...

Một thí sinh nói rằng mình cao điểm nhất ở vị trí thi tuyển nên không làm đơn phúc khảo, sau đó có người làm đơn phúc khảo và điểm tăng vọt khiến cô từ "đậu thành rớt". 

"Điều này gây thiệt thòi cho những người có điểm chấm lần 1 rất cao, đã đủ điểm đậu nhưng thành rớt vì không phúc khảo", thí sinh này nói.

Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Hải Ninh cho biết hội đồng thi đã thành lập ban phúc khảo và có quy chế để chấm phúc khảo theo đề nghị của thí sinh.

Ông Ninh khẳng định điểm chấm lần 1 không phải là điểm để xác định điểm trúng tuyển. Việc chấm phúc khảo là để xem xét lại kết quả chấm theo đề nghị của thí sinh. Việc chấm phúc khảo có thí sinh tăng điểm, có thí sinh giảm điểm.

Trả lời thêm cho thí sinh này, ông Ninh cho biết, UBND tỉnh đã thành lập tổ xác minh theo khiếu nại của thí sinh chứ không phải là để chấm lại các bài thi. Trong quá trình tổ chức thi đều có sự giám sát của công an và ban giám sát.

Việc chấm phúc khảo là công bằng và minh bạch. "Tôi đã trực tiếp kiểm tra các bài thi của các thí sinh có đơn khiếu nại. Không thể thay đổi được kết quả thi", ông Ninh khẳng định.

Đối với các thắc mắc của thí sinh về việc một số bài thi có điểm số tăng cao bất thường, ông Ninh khẳng định trong các bài chấm phúc khảo chỉ có một bài phúc khảo trắc nghiệm tăng điểm cao là do giáo viên chấm lần 1 áp sai mã đề. Khi chấm phúc khảo đã phát hiện nên đã yêu cầu giáo viên chấm lần 1 báo cáo giải trình.

Không thể "tự chấm rồi tự kiểm tra"

Sau buổi đối thoại nêu trên, nhiều thí sinh không đồng ý và khẳng định trong biên bản làm việc là sẽ tiếp tục khiếu nại cách giải quyết của UBND tỉnh Đắk Lắk.

Anh Nguyễn Thanh Hùng (34 tuổi, trú huyện Đắk Song, Đắk Nông), thi vào UBND huyện Krông Bông, Đắk Lắk với điểm số lần đầu là 336,5 điểm, cho biết không đồng ý với cách giải thích của đoàn công tác.

Theo anh Hùng, trong buổi đối thoại, anh và các thí sinh đặt ra vấn đề ngoài bài thi trắc nghiệm được giải thích là do áp nhầm mã đề thì có nhiều bài thi môn tự luận cũng tăng điểm rất lớn.

Tuy nhiên, các lãnh đạo sở ngành, UBND tỉnh đều khẳng định quá trình thi tuyển, chấm lần 1, phúc khảo đều được giám sát chặt chẽ của công an, tổ giám sát và phương tiện kỹ thuật (camera an ninh). Vì vậy, việc thí sinh yêu cầu chấm lại bài mình và bài của thí sinh tăng điểm là không được chấp nhận.

Chị Đặng Thị Hải Hằng (28 tuổi, dự thi vào bộ phận 1 cửa UBND Ea Súp) có số điểm chấm lần 1 là 305,5 điểm cho biết rất thất vọng với cách giải thích của tỉnh về kỳ thi này. 

Chị Hằng cho rằng sau khi có điểm phúc khảo, nhiều thí sinh có điểm số cao bỗng dưng từ đậu thành rớt, trong khi nhiều thí sinh phúc khảo có điểm số tăng bất thường.

Theo chị Hằng, các thí sinh yêu cầu tỉnh giải thích về các trường hợp tăng điểm bất thường sau phúc khảo, nhưng các lãnh đạo chỉ nói chung chung là đã làm đúng quy định, có sự giám sát chặt chẽ, không thể thay đổi kết quả...

"Việc thay đổi điểm số ảnh hưởng đến kết quả thi, số phận của nhiều người như chúng tôi nhưng tỉnh chỉ tổ chức vài buổi gặp và khẳng định mình làm đúng, chặt chẽ.

Tỉnh tổ chức thi, tổ chức chấm phúc khảo rồi giờ cũng đi kiểm tra chính mình. Chúng tôi không thể tin tưởng và yêu cầu một cơ quan cao hơn, độc lập hơn để xác minh việc này", chị Hằng cho biết.

Trao đổi về vấn đề này, lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết việc tổ chức thi, chấm thi, chấm phúc khảo hết sức chặt chẽ. Hiện tỉnh đang tiến hành các bước để giải quết các khiếu nại của các thí sinh.

Dự kiến tuần sau UBND tỉnh sẽ có quyết định giải quyết khiếu nại tố cáo cho các thí sinh.

Như Tuổi Trẻ Online đã đưa tin, sau khi UBND tỉnh Đắk Lắk có kết quả chấm phúc khảo kỳ thi tuyển công chức năm 2017 thì có nhiều thí sinh có điểm tăng vọt và từ "rớt thành đậu".

Nghi ngờ kết quả chấm phúc khảo không khách quan, thiếu minh bạch nên nhiều thí sinh "đậu thành rớt" có đơn khiếu nại, yêu cầu xem lại kết quả chấm phúc khảo.

Trả lời vấn đề này, ông Miêng Klơng, giám đốc Sở Nội vụ, phó chủ tịch Hội đồng thi tuyển công chức tỉnh Đắk Lắk năm 2017, khẳng định kỳ thi rất nghiêm túc, không có tiêu cực, chạy chọt.

Việc sau khi chấm phúc khảo, điểm số nhiều bài thi tăng vọt, cá biệt có bài thi trắc nghiệm tăng cao là do tổ chấm lần đầu áp nhầm mã đề khiến sai lệch điểm số (tăng 67,5 điểm).

Thi công chức người điểm liệt thành đậu, người đậu thành rớt Thi công chức người điểm liệt thành đậu, người đậu thành rớt

TTO - Sau phúc khảo thi công chức của tỉnh Đắk Lắk, nhiều người tăng hàng chục điểm và từ rớt thành đậu. Lãnh đạo Sở Nội vụ Đắk Lắk khẳng định kỳ thi diễn ra 'nghiêm túc'.

TRUNG TÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên