20/03/2014 10:45 GMT+7

Xuôi ngược cơm gà

VIỄN SỰ - THÁI LỘC
VIỄN SỰ - THÁI LỘC

TT - Hàng chục năm qua, cơm gà Mỹ Chánh và cơm gà Lạc Sơn trở thành bữa ăn chính của những người đi trên hai chuyến tàu chợ tuyến Huế - Đồng Hới và tuyến Đồng Hới - Vinh. Vượt ra ngoài bữa ăn thông thường, món cơm gà trở thành đặc sản hằn sâu vào ký ức những người từng xuôi ngược trên hai tuyến tàu chợ này...

Kỳ 1: Bạc lẻ đi tàu Kỳ 2: Chở cuộc mưu sinh Kỳ 3: Xóm đợi tàu

be8cWT9y.jpg
Chị Lê Thị Thú và món cơm gà Mỹ Chánh “gây nghiện” trên tàu chợ Huế - Đồng Hới - Ảnh: Thái Lộc

Cơm chan nước 5.000 đồng

“Hơn mười năm rồi, chừ tui mới được ăn lại cơm gà Mỹ Chánh. Hồi còn sinh viên, mỗi tuần đi đi về về tàu chợ ăn hoài thấy bình thường. Khi được giữ lại (một trường đại học) ở Huế dạy học, cũng thường theo tàu về quê, cũng ăn cơm gà, cũng thấy chưa có chi đặc biệt. Rứa mà khi qua Úc học mấy năm, tui lại thèm cơm gà lắm lắm, cứ ám ảnh ước muốn được ăn đĩa cơm gà ni!”... Đó là câu chuyện của anh Nguyễn Văn Dâu, một nghiên cứu sinh vừa từ Úc bay về VN. Thay vì đi taxi từ sân bay Phú Bài (Huế) về quê ở Lệ Thủy, anh nán lại Huế một đêm để lên tàu ĐH42 chờ được ăn cơm gà Mỹ Chánh. Và trên chuyến tàu này, anh đã được trở lại cùng hương vị trong ký ức với đĩa cơm gà bà Võ năm xưa...

Không chỉ món cơm gà, người đi tàu còn được thưởng thức các đặc sản của từng địa phương nơi có tàu chợ đi qua. Người đi tàu VĐ thường mong chờ vào mùa để được ăn những quả bưởi, quả cam khi đến ga Phúc Trạch (Hương Khê, Hà Tĩnh). Tàu đến ga Minh Lệ (huyện Quảng Trạch, Quảng Bình) thì có bánh tráng mè đen. Chuyến tàu ĐH có quả sim, ổi sẻ rừng bán ở ga Thượng Lâm (Lệ Thủy, Quảng Bình). Đến ga Hà Thanh (Gio Linh, Quảng Trị) có món khoai môn sáp vàng hương vị ngọt bùi khác biệt so với khoai môn những vùng đất khác...

Tàu ĐH42 chạy từ Huế lúc 6g, chừng 8g30 đến ga Mỹ Chánh. Chờ sẵn trong ga, bà Võ (tên thật là Lê Thị Thú, ở làng Mỹ Chánh, xã Hải Chánh, Hải Lăng, Quảng Trị) chuyển đồ đạc lên toa cuối cùng của đoàn tàu. Tàu tiếp tục hướng ra Bắc cũng là lúc bà nhóm lửa trên bếp lò, soạn thau thịt gà tươi đã chặt sẵn, pha chế các loại gia vị rồi bắc nồi lên nấu gà ngay trên tàu.

Theo cách làm và diễn giải của bà Võ, kiểu nấu gà của người Mỹ Chánh đơn giản lắm. Sau khi làm gà sạch, chặt thành từng phần, lấy đầu, cổ, cẳng chân cho vào nồi luộc lấy nước xáo. Chén nước gia vị được pha sẵn, có nước mắm, muối, đường, tỏi, ớt và nghệ bột... Công đoạn đầu tiên là phi dầu với hành tỏi, ớt bột và nghệ bột cho thơm, bà đổ chén nước gia vị cùng gà vào nồi trộn đều, để riu lửa cho thấm và vừa chín tới rồi đổ nước xáo vào nấu tiếp. Gà chín, bà tiếp tục xào dưa môn. Bà nói: “Nấu cơm gà Mỹ Chánh đơn giản, chỉ hơn nhau ở chỗ chọn gà mần răng cho ngon thôi. Làng Mỹ Chánh có cùng cách nấu như tui rứa đó!”.

Gà chín, bà xếp thức ăn vào thúng đã có sẵn bao cơm ủ nóng. Đội thúng lên đầu, bà đi bán dọc đoàn tàu. “Suốt mấy chục năm ni, người làng Mỹ Chánh của tui cấp bữa ăn cho không biết bao nhiêu người đi tàu. Nhiều người đi xa làm ông này ông nọ, khi gặp lại nói nhớ tui, nhớ cơm gà ni lắm!” - bà Võ vừa nói vừa xúc cơm ra chiếc đĩa nhựa, gắp nhúm dưa môn xào và miếng thịt gà vàng ươm.

Khách hạng sang thường gọi cơm đùi hay cánh (liền với phần ức gà) mỗi đĩa 40.000-50.000 đồng. Người đi tàu thông thường gọi đĩa cơm 20.000-30.000 đồng với miếng gà gần bằng nắm tay. Người ít tiền hơn gọi đĩa 10.000-15.000 đồng để được miếng gà nho nhỏ, phần tư bộ lòng hay cái trứng luộc. Theo lời bà Võ, có trường hợp người nghèo quá lỡ bữa muốn ăn cơm, kêu 5.000 đồng bà cũng bán, đĩa cơm với nhúm dưa môn chan nước... “Thêm gà thì tốn thêm tiền chứ dưa môn nhà trồng nên người ăn có xin thêm cũng không lấy tiền!” - bà Võ cười đôn hậu.

YOeJZiQZ.jpgPhóng to
Chị Nguyễn Thị Long, người đã có thâm niên 30 năm xuôi ngược theo tàu chợ Vinh - Đồng Hới bán cơm gà Lạc Sơn - Ảnh: Viễn Sự

Những người... đội thúng

Ngược ra phía Bắc, đi trên chuyến tàu VĐ32 tuyến Đồng Hới - Vinh có cơm gà Lạc Sơn không ai đi tàu chợ mà không biết. Gà Lạc Sơn cũng mang màu vàng của nghệ và thơm hương gà ta cùng các loại gia vị như hành, tỏi, ớt và nước mắm ngon... Ga Lạc Sơn rất dễ được mọi người nhận biết bởi một hình ảnh đặc trưng: những phụ nữ đội thúng cơm gà đứng thành hàng trên ga chờ tàu. Hình ảnh này quen thuộc đến nỗi nhiều người gọi nghề cơm gà là nghề đội thúng, thậm chí có người còn gọi làng đội thúng thay cho tên làng Lạc Sơn... Với một cái khăn vuông lót trên đầu, bê thúng cơm gà đội lên họ có thể đi hàng cây số, len lỏi hay chen chúc lên xuống cửa tàu mà không cần đến đôi tay giữ thúng.

Từ ga Lạc Sơn, có hơn 20 người đội thúng như thế bước lên tàu. Hơn mười người trong số đó theo tàu xuống ga Đồng Lê (cách Lạc Sơn chừng 20km) để bán ở chợ và bến xe thị trấn huyện lỵ của huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình). Một số người từ Đồng Lê tiếp tục đón xe lên thị trấn Quy Đạt của huyện Minh Hóa bán cơm. Sáu bảy người còn lại bán cơm cho người đi tàu. Tàu VĐ32 đến Lạc Sơn thường lúc 9g, các chị lên bán cho người ra phía Vinh. Đến 10g30 thì tàu đến ga Tân Ấp, đây là nơi hai chuyến tàu chợ ngược chiều VĐ31 và VĐ32 tránh nhau. Họ xuống ga sang tàu VĐ31 để bán cơm cho người đi tàu hướng vào Đồng Hới. Họ rời tàu, kết thúc một ngày buôn bán lúc 12g30 khi tàu đỗ lại ga Lạc Sơn...

Làng Lạc Sơn thuộc xã Châu Hóa, huyện Tuyên Hóa vốn rất ít ruộng. Chị Nguyễn Thị Hải, một người đội thúng bán cơm gà, nói nông dân ở Lạc Sơn rất ít đất, một nhà có năm người trong tuổi lao động được chia 2 sào đất gồm hơn 1 sào ruộng trồng lúa và chưa đến 1 sào đất khô trồng hoa màu. Vì vậy hàng chục năm qua, nhiều gia đình trong làng sống phụ thuộc vào nghề đội thúng nấu cơm gà tỏa đi muôn ngả ở tỉnh Quảng Bình. Gần thì thị trấn Ba Đồn (huyện Quảng Trạch), Đồng Lê (huyện Tuyên Hóa), xa thì thị trấn Quy Đạt (huyện Minh Hóa) hay TP Đồng Hới. “Chị em tui chọn tàu chợ vì giá rất rẻ, đi về trong khoảng 10.000 đồng. Có khi bán ế, kiểm soát viên còn thông cảm không lấy tiền tàu...” - chị Hải kể.

Cơm gà Lạc Sơn xưa từng là một trong những món dâng vua của đất Quảng Bình. Bây giờ người Lạc Sơn với những thúng mẹt trên đầu vẫn đội món ngon ấy đi bán cho khách trên những chuyến tàu xuôi ngược nhưng mấy ai giàu lên được với nghề này. Chị Nguyễn Thị Long (46 tuổi), đã có thâm niên 30 năm xuôi ngược theo tàu, nói vào mùa nhập học và các dịp lễ tết, học sinh sinh viên và hành khách đi lại đông, mỗi ngày chị bán hết 4-5 con gà. Giai đoạn ế khách chỉ làm 2-3 con mà có khi còn thừa. Chị Long có hai người con, con gái đầu 24 tuổi đang làm kế toán một công ty tư nhân ở Đà Nẵng, còn cậu con út đi lao động “chui” sang Nga, đang trốn chui trốn nhủi bên ấy chờ chị gửi tiền chuộc về. Nhưng đã hai năm đội thúng chị Long vẫn không biết lấy tiền đâu gửi sang để con về... Bởi mỗi ngày tiền lời từ thúng cơm chỉ khoảng 100.000 đồng, vừa đủ cho vợ chồng đắp đổi qua ngày.

________________

Kỳ tới:Chợ... tàu

VIỄN SỰ - THÁI LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên