06/10/2014 14:39 GMT+7

Xuất khẩu Việt Nam sẽ tăng trưởng

LÊ THANH
LÊ THANH

TTO - Sáng nay 6-10, Ngân hàng Thế giới công bố báo cáo cập nhật kinh tế khu vực Đông Á - Thái Bình Dương tại các điểm cầu như Việt Nam, Singapore, Lào, Campuchia…

Báo cáo nhận định: Tốc độ tăng trưởng tại các nước đang phát triển khu vực Đông Á - Thái Bình Dương sẽ giảm trong năm nay khi chỉ đạt 6,9%.

Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng chung trong khu vực, không kể Trung Quốc, sẽ tăng lên trong năm tới khi sự phục hồi dần của các nước có thu nhập cao thúc đẩy nhu cầu đối với các mặt hàng xuất khẩu trong khu vực. Cụ thể, các nước như Việt Nam, Malaysia… đều có điều kiện tăng xuất khẩu khi nền kinh tế toàn cầu phục hồi.

Nói rõ hơn về ý này đối với nền kinh tế Việt Nam, ông Sandeep Mahajan, kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, cho rằng Việt Nam tăng trưởng chủ yếu nhờ xuất khẩu.

Do đó khi nền kinh tế thế giới, đặc biệt là kinh tế của Mỹ, phục hồi sẽ là cơ hội thuận lợi giúp xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng trong năm sau và cả những năm tới. Nhờ đó, tăng trưởng kinh tế trong năm sau của Việt Nam cũng sẽ tốt hơn.

Còn về chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm nay, ông Sandeep dự báo năm nay Việt Nam đạt được mức 5,4%, thấp hơn một chút so với chỉ tiêu Chính phủ đặt ra là 5,8%.

Chuyên gia này lý giải: “Vì tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào quá trình tái cấu trúc nền kinh tế, nhất là tái cấu trúc hệ thống ngân hàng và tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước. Theo đánh giá của WB, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng ở Việt Nam vẫn rất chậm. Và quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước cũng vậy, chưa đạt được như kế hoạch đặt ra”.

Đại diện WB chia sẻ dù hai năm qua thị trường khó khăn, có nhiều rủi ro nên nhu cầu mua cổ phần bị thu hẹp. Tuy nhiên, phía Việt Nam nên công bố các thông tin nhiều hơn, minh bạch hơn cho nhà đầu tư, đơn cử báo cáo kiểm toán tài chính các doanh nghiệp nhà nước. Đây là điều rất quan trọng mà Việt Nam cần cải thiện trong thời gian tới.

Ông Axel van Trotsenburg, phó chủ tịch phụ trách khu vực Đông Á – Thái Bình Dương  (WB):

Việt Nam đã thành công trong 30 năm qua từ nước có thu nhập thấp lên thu nhập trung bình và tỉ lệ giảm nghèo rất nhanh.

Việt Nam đang ở một giai đoạn phát triển cao và đang tìm những nguồn thu bổ sung để trang trải cho phát triển cơ sở hạ tầng, kinh tế - xã hội…

Đây cũng là một trong những thách thức trong tăng trưởng trung hạn của Việt Nam. Do đó, để đảm bảo nguồn tài chính cho khoản chi đầu tư cơ sở hạ tầng…, Việt Nam cần phải xem xét cơ cấu chi tiêu và hiệu quả chi tiêu một cách hợp lý.

LÊ THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên