Người dân uống bia tại Tạ Hiện (Hà Nội) - Ảnh: Nguyễn Khánh
"Đang có giằng xé lợi ích về sức khỏe và kinh tế trong khi xây dựng dự thảo Luật phòng chống tác hại rượu bia. Người nông dân VN và bao nhiêu doanh nghiệp cặm cụi lo xuất khẩu gạo chỉ thu được hơn 2,4 tỉ USD nhưng uống bia thì tốn 4 tỉ USD/năm (chưa tính rượu).
Các giải pháp để giảm tiêu thụ rượu bia trong dự thảo như giảm cơ hội tiếp cận, tăng thuế, tăng giá bán... thì doanh nghiệp đều phản đối", vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế Nguyễn Huy Quang chia sẻ tại hội thảo.
Đại diện các tổ chức quốc tế như Tổ chức Y tế thế giới, Tổ chức HealthBridge Canada và nhiều tổ chức khác đều khuyến cáo không để doanh nghiệp rượu bia tác động vào quá trình làm chính sách quốc gia.
Theo các đại biểu, tên gọi của dự luật đã được đưa vào chương trình kỳ họp này của Quốc hội là dự luật phòng chống tác hại rượu bia, nhưng nhiều ý kiến, trong đó có cả ý kiến của các đại biểu Quốc hội, vẫn đề nghị sửa tên dự luật là "Luật phòng chống tác hại của lạm dụng rượu bia".
Theo ông Quang, như vậy là làm yếu đi các yêu cầu của luật, vì rượu bia đã được chứng minh là không có giới hạn an toàn.
"Các vụ tai nạn giao thông trầm trọng gần đây như vụ tai nạn tại nút giao thông Hàng Xanh, TP.HCM hay vụ xe conainer đâm phải xe 7 chỗ đang đi lùi và chở quá tải trên đường cao tốc vừa xét xử tại Thái Nguyên đều có liên quan đến rượu bia", ông Quang nói.
Theo đại diện của Tổ chức Y tế thế giới tại VN, tiêu thụ rượu bia bình quân tại VN đã lên tới 8,3 lít cồn/người/năm và đang tiếp tục tăng (tính ở nhóm người từ 15 tuổi trở lên), tương đương với Thái Lan nhưng cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực như Mông Cổ trên 7 lít/người/năm, Philippines 6,6 lít/người/năm, Singapore chỉ 2 lít/người/năm...
Tại hội thảo, các tổ chức quốc tế cho biết trong ba tháng qua đã gửi 10 thư kiến nghị, góp ý của sáu tổ chức trong và ngoài nước tới lãnh đạo Chính phủ và Quốc hội.
Các nội dung được kiến nghị bao gồm kêu gọi Chính phủ thực thi các chính sách phòng chống tác hại rượu bia hiệu quả được Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo; bảo đảm tính khoa học, khách quan và luôn đặt lợi ích sức khỏe lên hàng đầu trong xây dựng luật.
Các tổ chức này cũng lo ngại sự can thiệp của ngành công nghiệp rượu bia làm giảm hiệu quả của các quy định pháp luật, tạo ra những kẽ hở làm suy yếu hiệu quả của pháp luật.
Ban soạn thảo dự luật cũng đề nghị giữ nguyên tên luật như dự thảo mới nhất, đồng thời kiểm soát quảng cáo, khuyến mãi, tài trợ từ công ty rượu bia, nhãn hàng rượu bia và sự tiếp cận của người dưới 18 tuổi với rượu bia.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận