04/02/2023 09:40 GMT+7

Xử nghiêm thói mượn oai phù hiệu ưu tiên

Nhiều chủ xe ô tô dán phù hiệu "báo chí", "xe hộ đê"... vì nghĩ sẽ được ưu tiên, du di các lỗi vi phạm khi đi lại trên đường. Chuyện này xử lý như thế nào?

Xử nghiêm thói mượn oai phù hiệu ưu tiên - Ảnh 1.

Nhiều chủ xe ô tô dán phù hiệu “báo chí”, “xe hộ đê”... thậm chí xe củamột công ty truyền thông cũng dán “phù hiệu ưu tiên” - Ảnh: TÂM AN

Tuổi Trẻ ghi nhận ý kiến bạn đọc, các cơ quan liên quan việc mạo danh xe của cơ quan chức năng, mượn phù hiệu ưu tiên...

Cản trở người thi hành công vụ

Có lần tôi bị CSGT thổi vào kiểm tra vì chạy lấn làn. Khi tôi đang xuất trình giấy tờ, ô tô khác cũng bị yêu cầu dừng xe. Người đàn ông trên xe chỉ vào phù hiệu "báo chí" dán ở kính xe rồi xưng là nhà báo đang đi làm nhiệm vụ, yêu cầu CSGT bỏ qua lỗi vi phạm.

Tuy nhiên, người này không xuất trình được thẻ nhà báo hay bất cứ giấy tờ liên quan nào. Sau một hồi trao đổi, xác minh thì người này thừa nhận làm giả phù hiệu.

Những trường hợp này là mạo danh cần bị xử lý nghiêm khắc. Bởi hành vi này cản trở thi hành công vụ, gây mất uy tín cơ quan bị mạo danh.

Bạn đọc Phạm Nhật Trường (quận Bình Thạnh, TP.HCM)

Dẹp chiêu "cáo mượn oai hùm"

Trước đây từng có "chiêu thức" gắn biển số xanh vào xe máy cá nhân, biển số đỏ cho xe tải chở hàng bất hợp pháp, vào mùa dịch COVID-19 còn "ngụy trang" bằng vỏ bọc xe cứu thương.

Chung quy đều không ngoài ý đồ "thông chốt", tìm kiếm sự ưu tiên dù biết chắc mình không thuộc diện này.

Trong những thủ thuật kiểu như "ốc mượn hồn", trá hình, người gian dối thường hay mạo danh phóng viên trên đường tác nghiệp. Trong rất nhiều trường hợp, bộ phận làm nhiệm vụ sẽ không yêu cầu dừng hoặc không kiểm tra những xe kiểu này.

Câu chuyện này khiến tôi nhớ lại câu một số người vi phạm giao thông thường nói: "Mày biết tao là ai không?".

Mạo nhận là chỗ quen biết với quan chức, gây sức ép với cán bộ thực thi công vụ vẫn hay gặp dù bị "bóc phốt" khá nhiều. Chuyện lạm dụng quyền ưu tiên cũng là một kiểu tương tự.

Lạm dụng chuyện này để ra oai hoặc gian lận cũng phải dẹp bỏ. Với công nghệ hiện nay, việc in ấn, "tạo hình" giả như thật không quá khó. Vậy nên, làm nhiệm vụ cũng đừng "trông mặt mà bắt hình dong".

Trước pháp luật mọi người đều bình đẳng, bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào cũng phải chấp hành, không có ngoại lệ, không nể nang hay ngại đụng chạm.

Bạn đọc TRẦN THÁI HẰNG

Xong việc thu hồi phù hiệu ngay

Trường hợp các cơ quan, tổ chức sử dụng xe có gắn phù hiệu, logo được quy định riêng theo tính chất công việc.

Đơn cử, phù hiệu báo chí được cấp cho xe phục vụ công việc tác nghiệp tùy từng kỳ cuộc họp như họp Quốc hội hay các sự kiện lớn của quốc gia. Chúng chỉ có giá trị nhận diện trong khoảng thời gian nhất định và sau khi thực hiện xong công việc được giao thì logo hay phù hiệu phải được thu hồi.

Logo hay phù hiệu của các cơ quan, tổ chức không có giá trị bảo lãnh cho bất kỳ phương tiện nào. Xe phục vụ công việc khi tham gia giao thông đều bình đẳng trước pháp luật, không có sự ưu tiên nào.

Xe có gắn bảng "Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam", VTV, HTV… hoặc chỉ là bảng ghi chữ "Báo chí" không thuộc đối tượng được ưu tiên lưu thông theo Luật giao thông đường bộ.

Pháp luật hiện hành chưa có quy định minh thị về quản lý sử dụng logo, phù hiệu của các cơ quan, tổ chức. Vì vậy, khi phát sinh vi phạm, cơ quan có thẩm quyền khó có thể xác định chế tài cụ thể áp dụng đối với hành vi này. Điều đó phần nào cũng tạo điều kiện cho thực trạng diễn ra ngày càng phổ biến hơn.

Tôi kiến nghị cơ quan có thẩm quyền cần ban hành quy chuẩn chi tiết về quản lý sử dụng logo, phù hiệu của các cơ quan, tổ chức.

Lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, phối hợp với các cơ quan để kịp thời phát hiện và xử lý những trường hợp sử dụng logo, phù hiệu không hợp lệ đồng thời xử lý nghiêm, đúng người đúng tội đối với những hành vi vi phạm.

Người điều khiển phương tiện gắn các tín hiệu có yếu tố "giả mạo" cơ quan báo chí để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giả mạo chức vụ, cấp bậc, vị trí công tác theo quy định tại điều 339 hay tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức theo điều 341 Bộ luật hình sự.

Luật sư Nguyễn Hồng Lĩnh (Đoàn luật sư TP.HCM)

Xử lý nghiêm mọi trường hợp vi phạm

Trao đổi với Tuổi Trẻ, thượng tá Nguyễn Văn Bình - phó Phòng cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (PC08) Công an TP.HCM - cho biết hiện nay pháp luật có quy định rõ ràng danh mục xe ưu tiên. Xe dán phù hiệu "báo chí" không nằm trong danh mục này.

Lực lượng CSGT sẽ xử lý nghiêm, đúng người đúng lỗi những trường hợp vi phạm.

Ông Nguyễn Tấn Phong - chủ tịch Hội Nhà báo TP.HCM - cũng cho biết Hội Nhà báo TP.HCM khẳng định chưa từng cấp bất cứ giấy ưu tiên đi đường nào cho các cá nhân, đơn vị. Hội Nhà báo TP.HCM cũng sẽ đề nghị cơ quan chức năng xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Còn theo luật sư Lê Văn Hoan (Đoàn luật sư TP.HCM), theo quy định tại điều 6 nghị định 119/2020 và nghị định 14/2022 sửa đổi bổ sung nghị định 119/2020, đối với trường hợp mạo danh nhà báo, phóng viên thì người vi phạm bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 30 triệu đồng.

Xe có "phù hiệu báo chí" hoặc phù hiệu của các đoàn hội thì lái xe vẫn bị phạt nếu vi phạm. Phù hiệu này không phải là "kim bài" để miễn trừ trách nhiệm hay gây áp lực với cá nhân, tổ chức.

Do vậy, nếu thấy có dấu hiệu nghi ngờ thì cá nhân có thể báo ngay cho cơ quan có thẩm quyền. Việc xử lý vi phạm cần truy đến nơi phát hành phù hiệu mạo danh.

Phạt lái xe 80B giả hú còi ưu tiên trên đường 14,7 triệuPhạt lái xe 80B giả hú còi ưu tiên trên đường 14,7 triệu

TTO - Lái xe ôtô biển số xanh 80B giả, hú còi ưu tiên khi đi trên đường Nguyễn Duy Trinh (Q.2, TP.HCM) bị phạt nhiều lỗi vi phạm với tổng số tiền 14,7 triệu đồng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên