Khương Ngọc (vai Việt) và Quý Bình (vai Nin) trong phim Tốc độ và đường cong - Ảnh: Galaxy |
Kỹ xảo hình ảnh, âm thanh của phim có thể nói đã làm mãn nhãn phần đông fan hâm mộ. Không ít phen, người xem ngộp thở vì những màn đua xe phanh cháy đường, những đoạn bẻ lái mạo hiểm ở góc cua 180 độ….
Đó là chưa kể những góc máy cận cảnh đặc tả, những góc máy đại cảnh, cho người xem trải nghiệm đầy xúc cảm cùng nhân vật. Xem phim thấy rõ ê-kip sản xuất đã học hỏi một cách bài bản quy cách làm phim hành động của nước ngoài, nhất là Mỹ.
Bộ phim được gắn mác 16+ không phải vì “nóng”, mà vì những hình ảnh và tình tiết có phần bạo lực.
Những màn hài hước xen kẽ vừa đủ nhẹ nhàng vừa đủ giúp điều tiết nhịp điệu phim, không khiến bộ phim triền miên trong những cuộc đua xe và những náo nhiệt của vũ trường, quán bar.
Nói tóm lại, Tốc độ và đường cong làm thỏa mãn người xem ở một sự chăm chút về kỹ thuật dựng phim, ở dàn diễn viên trẻ trung, xinh đẹp, diễn xuất tự nhiên, thuyết phục… nhưng vẫn còn những điều khiến người xem chưa thấy “đã”.
Điểm đầu tiên phải nói chính là lô-gich phát triển của câu truyện. Nút thắt của phim ở chỗ Nin (Quý Bình) đã hiểu lầm nghiêm trọng khi cho rằng Việt (Khương Ngọc) từng là kẻ đã cấu kết với bọn cướp đường giết hại cha mẹ và em gái mình.
Suốt hơn 20 năm, Nin nuôi mối hận trong lòng suốt thời gian phiêu bạt làm thuê ở Thái Lan để chờ một ngày về lại Việt Nam tìm Việt “đòi nợ”.
Cốt truyện thiếu thuyết phục ở tình tiết làm sao Việt, một cậu bé mới khoảng 11, 12 tuổi, lại đang chịu ơn bố Nin vì được ông cứu giúp khi bị bọn đầu gấu bắt nạt và được ông nhận làm con nuôi, có thể trở thành kẻ đầu óc nham hiểm và đủ tinh quái kiểu giang hồ theo cách đó?
Tình cảnh xảy ra hoàn toàn không có tình tiết nào mảy may cho thấy Việt có dã tâm và có thể làm việc đó.
Cách tạo dựng nút thắt và cũng là cái cớ để tạo đà phát triển câu chuyện phim xem như đã “gượng” ngay từ đầu.
Nó dẫn người ta tới nhận định, hình như đạo diễn chỉ cần một cái “cớ”, miễn sao nó là lý do để hai nhân vật nam chính là Việt và Nin lao vào những “cuộc đua” không chỉ với “tốc độ của xe” mà còn với “tốc độ của lòng hận thù”.
Điểm thứ hai có thể xem như một tình trạng đang rất phổ biến với các phim Việt chiếu rạp thời gian qua: Xem phim Việt mà không thấy người Việt, không thấy đời sống, bối cảnh văn hóa, xã hội Việt với những gì đặc trưng nhất.
Trong Tốc độ và đường cong, các nhân vật toàn đi xe sang, thậm chí “siêu xe”. Ở thì toàn những nơi sang trọng lịch lãm. Mặc thì toàn hàng hiệu xa xỉ. Điểm kinh ngạc nhất là không thấy nói anh ấy/cô ấy làm gì. Gần như suốt gần 2 tiếng thời lượng phim chỉ thấy họ loay hoay quanh các cuộc chơi, đua xe, trả thù và… uống rượu. Sẽ không vô lý khi có khán giả thì thầm hỏi, “Cô Đan Trinh cứ tuyên bố không thèm đại gia, vậy cô làm gì mà sao suốt ngày quần là áo lượt vậy?”
Rõ ràng Tốc độ và đường cong cũng như nhiều phim chiếu rạp khác dường như chỉ đang khắc họa một phần rất nhỏ, rất hẹp trong diện mạo chung của đời sống xã hội người Việt.
Hãy thử tưởng tượng, thay vì các diễn viên người Việt đóng, người ta mời các diễn viên ngoại (nước nào cũng được) thủ vai, hẳn cũng không thấy độ chênh nào về cảm xúc của cả người đóng lẫn người xem.
Không khó nhận ra những người làm phim muốn gói ghém một tầng nghĩa thứ hai trong Tốc độ và đường cong.
Việt đã chia sẻ với Đan Trinh (Diễm My) rằng, sau khi mất tất cả sự nghiệp, tiền bạc, anh lại cảm thấy mình bình yên hơn. Và Việt cũng thừa nhận, lâu nay anh cứ tưởng sống ở đời phải là tốc độ, phải nhanh, phải giành giật, nhưng rồi anh nhận ra đó là lầm tưởng tai hại. Anh quay về với ngôi nhà tình thương nơi từng là chốn nương náu suốt thời thơ ấu, góp sức cùng mọi người chăm sóc cho những đứa trẻ thiệt thòi sau này. Và chỉ khi ấy, anh thấy cuộc đời mình đáng sống, đáng tận hưởng.
Tốc độ có thể làm con người sai lầm. Tốc độ có thể làm con người quên đi sự cần thiết của những khoảng lặng chậm rãi. Và nữa, tốc độ có thể khiến người ta lu mờ lý trí, đầu hàng ở những “đường cong” - những ngã rẽ, bước ngoặt của cuộc đời.
Mời bạn chia sẻ những suy nghĩ, tâm sự, câu chuyện của bạn với mục Tâm sự của Tuổi Trẻ Online qua email tto@tuoitre.com.vn hoặc trong phần Bình luận ở cuối bài. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận