23/10/2023 15:22 GMT+7

Xe hợp đồng ‘trá hình’ tung hoành, đặt trước một tiếng là đón

Tình trạng xe hợp đồng “trá hình” xe khách cố định tồn tại dai dẳng và ngày càng tăng. Cơ quan chức năng cho biết khó xử lý do phụ thuộc vào thời gian trích xuất dữ liệu giám sát hành trình (GPS) thường có độ trễ khoảng 2 tháng.

Cơ quan chức năng cho biết tình trạng xe hợp đồng "trá hình" đón khách trong trụ sở văn phòng, bãi giữ xe xuất hiện ngày càng nhiều - Ảnh: LÊ PHAN

Cơ quan chức năng cho biết tình trạng xe hợp đồng "trá hình" đón khách trong trụ sở văn phòng, bãi giữ xe xuất hiện ngày càng nhiều - Ảnh: LÊ PHAN

Xe hợp đồng "trá hình" từ TP.HCM đi các tỉnh đã nở rộ trong thời gian qua không những gây ra sự lộn xộn trong tình hình giao thông, quy hoạch vận tải mà còn dẫn đến việc cạnh tranh "không lành mạnh" giữa các nhà xe.

Xe "trá hình, xe "dù" lộng hành

Hình ảnh các cây xăng "biến" thành nơi đón, trả khách đã không còn xa lạ với nhiều người dân TP.HCM. Đặc biệt tại khu vực quận Bình Thạnh, TP Thủ Đức, vấn nạn này chưa khi nào có dấu hiệu thuyên giảm.

Trưa 23-10, chúng tôi gọi vào số tổng đài của nhà xe tên Toàn Thắng Limousine. Đầu dây bên kia cho biết từ 14h-22h, cứ mỗi tiếng đồng hồ sẽ có chuyến đi từ TP.HCM đến Vũng Tàu.

"Muốn đón xe chỉ cần gọi điện thoại trước rồi ra cây xăng Comeco số 3 ở 178 Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh là có xe đến đón", nhân viên tổng đài khẳng định.

Theo ghi nhận ở cây xăng nêu trên cùng nhiều cây xăng, "bến cóc" khác quanh bến xe Miền Đông cũ, tình trạng xe "trá hình" hoạt động công khai, rầm rộ.

Các loại xe 29 chỗ, 16 chỗ… thường xuyên dừng đột ngột ở bất cứ đoạn đường nào để đón và chèo kéo khách.

Còn tại chân cầu Bình Triệu, cách bến xe Miền Đông cũ chỉ khoảng 500m, một "bến cóc" của nhà xe Đệ Nhất (tuyến TP.HCM - Bình Định) hoạt động tấp nập giống hệt như một bến xe thứ thiệt. Nhân viên nhà xe này khẳng định với khách chỉ cần đến vị trí này là có xe đón, không cần trung chuyển.

Trước đó, Tuổi Trẻ Online cũng ghi nhận được một "bến cóc" nằm tại đường Nguyễn Văn Đừng (phường 6, quận 5, TP.HCM) gần Trường tiểu học Huỳnh Kiến Hoa. 

Trước bến có một bảng hiệu ghi rõ thông tin gồm tên "nhà xe Đại Ngân, tuyến TP.HCM - Tiền Giang - Bến Tre" và số điện thoại tổng đài đặt vé. Nhân viên nhà xe Đại Ngân cũng cho biết tất cả các chuyến xe (từ sáng đến tối) đều tập kết tại địa chỉ này, nhà xe cũng sẽ đón trả khách ở đây.

Đáng lưu ý, "bến cóc" này hoạt động với tần suất dày đặc trong khi mặt đường phía trước bến rất hẹp. 

Nhiều xe cộ khi đi ngang khu vực này phải dừng lại đột ngột để nhường đường cho xe khách ra vào bến. Tình trạng giao thông càng trở nên phức tạp, hỗn loạn hơn vào giờ phụ huynh đưa đón con em ở trường học sát bên.

Khung cảnh tấp nập xe, hành khách ra vào bãi xe số 397 Đinh Bộ Lĩnh, đối diện bến xe Miền Đông (quận Bình Thạnh) - Ảnh: CHÂU TUẤN

Khung cảnh tấp nập xe, hành khách ra vào bãi xe số 397 Đinh Bộ Lĩnh, đối diện bến xe Miền Đông (quận Bình Thạnh) - Ảnh: CHÂU TUẤN

Dữ liệu GPS có độ trễ 2 tháng

Liên quan vấn đề này, ông Đỗ Ngọc Hải - trưởng phòng quản lý vận tải Sở Giao thông vận tải TP.HCM, cho biết tình trạng xe khách theo loại hình hợp đồng, du lịch đón, trả khách tại các bến bãi, trước và trong trụ sở văn phòng, khuôn viên cây xăng, tại các điểm hẹn trên đường... (thường gọi là "xe dù, bến cóc") đã diễn ra trên cả nước. 

Đặc biệt tại các thành phố lớn như TP.HCM thì vấn nạn này diễn biến càng phức tạp hơn.

Thực tế, không ít xe hợp đồng hoạt động "trá hình", gom khách lẻ đi một chiều tương tự như hoạt động vận tải hành khách theo tuyến cố định tại các bến xe khách. 

Điều này gây mất trật tự an toàn giao thông và không đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động vận tải hành khách.

Để giải quyết vấn đề này, Sở Giao thông vận tải TP.HCM đã gắn các biển báo giao thông, hạn chế xe giường nằm chạy từ 6h - 22h. Đồng thời, kiểm tra các điều kiện kinh doanh vận tải, chỉ đạo Thanh tra sở phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông xử lý vi phạm liên quan…

Tuy nhiên đến hiện tại tình trạng xe "trá hình, xe dù" vẫn chưa thể xử lý dứt điểm. Việc vi phạm khó xử lý hiệu quả do dữ liệu thiết bị giám sát hành trình GPS vì hiện tại chỉ mới xử lý được vi phạm tốc độ, chưa đảm bảo thời gian vì phải phụ thuộc vào kết quả xử lý thông tin dữ liệu của Cục Đường bộ Việt Nam trên phần mềm quản lý (thường có độ trễ khoảng 2 tháng).

"Xe khách theo hợp đồng mà có số chuyến trùng lặp điểm đầu và trùng lặp điểm cuối vượt quá quy định khó xử lý vi phạm do chưa đủ công cụ trích xuất để xử phạt vi phạm hành chính. 

Ngoài ra, GPS hiện nay chỉ đủ xem xét thu hồi phù hiệu, biển hiệu, chưa xử phạt được việc núp bóng đối với xe hợp đồng, du lịch tổ chức hoạt động tương tự như tuyến cố định", ông Hải cho hay.

Đề xuất bổ sung quy định ngăn xe hợp đồng "trá hình"

Để bảo đảm môi trường kinh doanh vận tải công bằng, Bộ Giao thông vận tải đề xuất bổ sung quy định "đơn vị kinh doanh vận tải hành khách hợp đồng, du lịch và lái xe không được quảng cáo hoặc đăng tải một trong các thông tin sau dưới mọi hình thức":

Hành trình/lộ trình; điểm đầu/nơi đi, điểm cuối/nơi đến; chuyến xe có xác định giờ khởi hành/xuất phát; giá vé hoặc số tiền/hành khách (người); địa điểm đón, trả khách. Trường hợp vi phạm nội dung trên đơn vị kinh doanh vận tải sẽ bị thu hồi giấy phép kinh doanh không thời hạn.

Bộ Giao thông vận tải cũng đề xuất quy định xe khách hợp đồng mỗi chuyến đi chỉ được đón/trả khách tại một địa điểm đi/đến theo đúng hợp đồng.

Xe hợp đồng không được đón, trả khách từ 3 ngày liên tiếp trở lên, hoặc trong 1 tháng có tổng trên 10 ngày đón/trả khách tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc một địa điểm cố định khác.

‘Bến cóc’ bao vây bến xe Miền Đông ở quận Bình Thạnh‘Bến cóc’ bao vây bến xe Miền Đông ở quận Bình Thạnh

Tình trạng “xe dù, bến cóc” vẫn xảy ra nhan nhản. Quanh bến xe Miền Đông cũ (quận Bình Thạnh) những ngày này, “bến cóc” mọc lên như nấm…

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên