Để xảy ra "nội chiến", chủ tịch Xây dựng Hòa Bình xin lỗi
Trước đại hội cổ đông, ông Lê Viết Hải - chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã chứng khoán: HBC) - đã gửi "tâm thư" đến cổ đông.
Theo ông Hải, năm 2022 và 2023 là thời kỳ khó khăn nhất của Hòa Bình trong suốt hành trình qua hơn 3,5 thập kỷ. Trong đó, riêng 5 năm gần đây là thời gian có nhiều biến cố bất lợi cho ngành xây dựng, đặc biệt là trong lĩnh vực xây dựng nhà ở đô thị và du lịch, hai lĩnh vực xây dựng chủ yếu của Hòa Bình.
Năm 2022, với doanh thu 14.154 tỉ đồng, lần đầu tiên kết quả kinh doanh của Hòa Bình có lợi nhuận âm lên đến 2.572 tỉ đồng. Riêng phần trích lập dự phòng cho các khoản nợ phải thu ngắn hạn khó đòi lên đến trên 2.059 tỉ đồng.
"Là người chèo lái con thuyền Hòa Bình, tôi xin nhận trách nhiệm của mình khi chưa làm tròn nghĩa vụ đưa Hòa Bình phát triển như kỳ vọng, theo đúng tầm nhìn chiến lược đã xác định, chưa xứng đáng với niềm tin và lòng mong mỏi của quý cổ đông", ông Hải chia sẻ.
Liên quan đến "nội chiến" thời gian qua, ông Hải cũng nhận trách nhiệm của người giữ vị trí cao nhất trong tập đoàn khi đã để xảy ra "một số sự việc rất đáng tiếc ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín" của ban lãnh đạo và thương hiệu Hòa Bình.
Tuy vậy, ông Hải cho hay ông không hổ thẹn với chính mình hoặc bất cứ ai bởi bản thân đã đem hết nỗ lực, làm tất cả để giúp công ty vượt qua khó khăn.
"Những quyết định của tôi trong bất cứ tình thế nào đều được đưa ra trên nguyên tắc bảo vệ cho quyền lợi cao nhất của cổ đông, dù lắm khi phải hy sinh quyền lợi của riêng mình", ông Hải bộc bạch.
Nhà cung cấp, nhà thầu phụ đồng ý cấn nợ bằng cổ phiếu
Liên quan đến các khoản nợ, ông Hải cho hay khi hoàn tất việc định giá lại tài sản, phát hành cổ phiếu cho cổ đông chiến lược, đến ngày 23-6 đã có 89 nhà cung cấp và nhà thầu phụ đồng ý cấn trừ nợ bằng cổ phiếu với giá trị 650 tỉ đồng.
Đồng thời, tập đoàn cũng thành công trong việc hoàn nhập nợ ngắn hạn phải thu khó đòi lũy kế lên đến 2.059 tỉ đồng, kéo theo vốn chủ sở hữu của Hòa Bình không những sẽ trở lại như cũ mà còn cao hơn nhiều.
Theo ông Hải, trong thời gian qua, do tình thế chẳng đặng đừng, Hòa Bình đã phải giải quyết vấn đề thu hồi nợ qua cơ quan chức năng và đã có 10 vụ được xét xử, Hòa Bình đã thành công cả 10 vụ.
Tổng giá trị Hòa Bình sẽ thu về qua kết quả xét xử cao hơn tổng nợ gốc lên đến gần 50%.
Về mục tiêu kinh doanh, ông Hải cho biết hội đồng quản trị quyết định vẫn giữ mục tiêu doanh thu 2023 đã xác định từ đầu năm là 12.500 tỉ đồng và lợi nhuận 125 tỉ đồng.
Thêm thành viên hội đồng quản trị của nhóm đối lập từ nhiệm
Vừa qua, ông Hải đã đề cử ông Lê Văn Nam - tổng giám đốc Hòa Bình và ông Mai Hữu Thung - chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần Bất động sản Thành Ngân, vào vị trí thành viên hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2022-2024.
Tuy nhiên, ông Mai Hữu Thung đã xin rút khỏi danh sách đề cử và ông Hải đã đề cử ứng viên thay thế là bà Nguyễn Thị Lượt, hiện là giám đốc Công ty TNHH Sài Gòn Queen Hotel.
Trong khi đó, nhóm cổ đông nắm giữ 5,38% cổ phần tại doanh nghiệp đề cử bà Vũ Thị Hòa, hiện làm việc tại Công ty Luật TNHH ALB & Partners, vào vị trí thành viên hội đồng quản trị .
Do đó, danh sách ứng viên cho vị trí thành viên hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2022-2024 của Hòa Bình hiện gồm có ba ứng viên trên.
Trong khi đó, Hòa Bình cũng vừa có văn bản gửi Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) về việc nhận được đơn từ nhiệm chức vụ thành viên hội đồng quản trị độc lập của ông Dương Văn Hùng.
Ông Hùng là người từng đứng về phía đối lập với ông Hải trong "nội chiến", như vậy đây cũng là thành viên cuối cùng trong nhóm đối lập nộp đơn từ nhiệm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận