Một nạn nhân bị ngất xỉu tại siêu thị Big C - Ảnh: Bình Định |
Vụ việc xảy ra tối 14-3 tại tầng hầm tòa nhà The Garden (Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội)
Theo ông Chung, trước mắt sẽ cấm toàn bộ việc để ôtô, xe máy trong tầng hầm tòa nhà để điều tra nguyên nhân.
Kết quả kiểm tra ban đầu của cơ quan chức năng xác định hàng chục người ngất xỉu do ngạt khí, ngộ độc khí thải...
Hàng chục người đột nhiên ngất xỉu
Khoảng 19g ngày 14-3, trong khi đang mua sắm và dự một sự kiện văn hóa được tổ chức tại Big C thuộc tòa nhà The Garden, hàng chục người đột nhiên bị ngất xỉu phải đưa đi cấp cứu.
Trong số này, phần lớn là nhân viên của siêu thị Big C và còn lại là khách hàng.
Tất cả được đưa đến Bệnh viện 19-8 Bộ Công an cấp cứu trong tình trạng ngạt khí, phải truyền nước, thở oxy. Vụ việc khiến cả ngàn người hoảng loạn, tìm lối thoát chạy ra ngoài.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, bác sĩ Ðỗ Trí Hiếu, trưởng ca trực cấp cứu tối 14-3 của Bệnh viện 19-8, cho biết thời điểm các nạn nhân từ Big C được chuyển tới bệnh viện là khoảng 19g45, khoảng 20 bệnh nhân có biểu hiện tím tái, buồn nôn, đau đầu, khó thở...
Qua kiểm tra thăm khám, các bác sĩ đánh giá nạn nhân bị ngộ độc khí thải. Các nạn nhân đều được tiêm truyền, xử trí cấp cứu sau bốn giờ thì được ra viện, nạn nhân cuối cùng ra viện sáng sớm 15-3.
Kích hoạt một phần hệ thống PCCC để giải quyết sự cố Một cảnh báo khác được các chuyên gia đưa ra là các tòa nhà được thiết kế hiện đại đều có hệ thống PCCC đảm bảo hoạt động. Trong trường hợp xảy ra sự cố như tại Big C Garden vào tối 14-3, ban quản lý tòa nhà có thể kích hoạt một phần hệ thống PCCC hoạt động để thông gió, khử khói (bao gồm cả khí thải) của tòa nhà. Điều này sẽ giúp việc bơm khí độc hại ra ngoài nhanh hơn và không khí sạch từ bên ngoài được đưa vào tầng hầm. Đây không phải là điều ai cũng biết nếu không được tập huấn về công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ. |
Ngay sau khi nhận được tin báo, Công an quận Nam Từ Liêm và Phòng cảnh sát PCCC Cầu Giấy khẩn trương có mặt tại hiện trường ứng cứu sự cố, ổn định trật tự, đưa người đi cấp cứu và điều tra sự việc.
Bước đầu xác định siêu thị Big C thuê mặt bằng của ban quản lý Garden Thăng Long thuộc Bitexco để kinh doanh tại khu vực tầng hầm của tòa nhà.
Ðịa điểm xảy ra sự cố là khu B1 trong tầng hầm tòa nhà này.
Theo đại diện Big C, nguyên nhân do hệ thống điều hòa bị hỏng, có thể dẫn đến việc thiếu oxy và ngộ độc khí.
Hôm qua, cơ quan công an đã làm việc với ban quản lý tòa nhà, yêu cầu tạm thời đóng cửa khu vực hiện trường sự việc để phục vụ điều tra.
Theo cơ quan công an, qua kiểm tra khu vực tầng hầm của tòa nhà, nơi Big C đặt siêu thị, cho thấy tầng hầm ngột ngạt vì hệ thống thông gió kém, có nguy cơ gây thiếu oxy.
Khí CO2 dồn từ khu gửi xe vào siêu thị Big C
Chiều qua, lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội, UBND quận Nam Từ Liêm, Trung tâm Y tế quận Nam Từ Liêm cũng có cuộc họp tìm hiểu nguyên nhân vụ việc.
Theo kết luận ban đầu, chiều 14-3 tại The Garden có cuộc giao lưu với các diễn viên Hàn Quốc trong đoàn làm phim Tuổi thanh xuân, lượng người đến tham dự rất đông, khoảng 1.000 người, gấp ba lần số lượng thông thường.
Khi kết thúc sự kiện, do lượng người cùng nổ máy xe để ra về rất đông, tạo ra luồng khí độc CO2. Kiểm tra cũng cho thấy điều kiện lọc không khí ở tầng hầm chứa xe của tòa nhà rất hạn chế, khiến CO2 dồn lên phía trên theo đường thang máy vào khu vực siêu thị Big C.
Trên thực tế, tòa nhà The Garden có nhiều tầng hầm để ôtô và xe máy với diện tích rộng. Tuy nhiên, người dân chỉ cần đi xuống khu vực hầm là cảm thấy ngột ngạt, khó thở.
Không những vậy, bảo vệ tầng hầm còn cho phép người điều khiển phương tiện nổ máy di chuyển trong hầm khiến lượng khí thải xả ra nhiều. Siêu thị Big C có một đường vào ngay trong hầm và chỉ ngăn cách bằng một ô cửa.
Ô cửa này luôn được mở khiến lượng khí thải liên tục thổi sang phía siêu thị. Tình trạng này diễn ra từ nhiều năm nay nhưng phải đến khi có sự cố xảy ra mới được ban quản lý tòa nhà, siêu thị Big C và các cơ quan chức năng quan tâm.
Liên quan đến vụ việc, một số chuyên gia về PCCC đánh giá việc tổ chức một sự kiện lớn như vậy tại khu vực tòa nhà này là không đảm bảo điều kiện an toàn phòng chống cháy nổ, tòa nhà chỉ được thiết kế theo công năng, mục đích sử dụng nhất định.
Trong điều kiện đông người, nếu hệ thống điều hòa bị hỏng, không được sửa chữa kịp thời thì rất nguy hiểm, có thể dẫn đến chết người vì sẽ không có không khí từ bên ngoài bơm vào tòa nhà.
Trách nhiệm thuộc đơn vị quản lý tòa nhà Trao đổi với Tuổi Trẻ, lãnh đạo Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng và Cục Quản lý hoạt động xây dựng (Bộ Xây dựng) đều khẳng định trách nhiệm để xảy ra vụ tai nạn hoàn toàn thuộc về đơn vị quản lý vận hành tòa nhà. Ông Bùi Trung Dung - cục trưởng Cục Quản lý hoạt động xây dựng - cho hay căn cứ thông tin ban đầu thì đây là tòa nhà được xây dựng và đưa vào vận hành khá lâu. Hoạt động xây dựng công trình này được quản lý theo Luật xây dựng 2003 và các quy chuẩn, tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật xây dựng cùng giai đoạn. “Việc các tiêu chuẩn, quy định về thoát hiểm, thông gió, thông khí, phòng chống cháy nổ, an toàn vận hành... phải do cơ quan cảnh sát PCCC, an toàn lao động... thẩm định và phê duyệt trước khi vận hành. Do đó sự cố này sẽ do các đơn vị chức năng trên xem xét” - ông Dung nói. Bình luận về việc cơ quan chức năng và đơn vị quản lý vận hành tòa nhà đưa ra lý do là ngạt khí do xe máy gây ra, ông Dung cho rằng chưa hoàn toàn thuyết phục. “Theo nhận định của tôi, để gây ra ngất xỉu đồng loạt và nhanh như thế có khả năng lớn là do khí gas xuất phát từ đâu đó chứ không phải từ xe máy” - ông Dung nói. Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Quang Viên (Ðại học Xây dựng Hà Nội) cho rằng nếu nguyên nhân do ngạt khí từ hầm của tòa nhà thì rõ ràng tòa nhà được thiết kế và xây dựng chưa đảm bảo an toàn về thông khí, thông gió. Theo ông Viên, nếu đây là nguyên nhân chính xác được kết luận cuối cùng thì cần phải có giải pháp khắc phục ngay trước khi đưa vào vận hành trở lại. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận