07/11/2018 06:00 GMT+7

Vụ lùi xe trên đường cao tốc: Có cơ sở kháng nghị giám đốc thẩm

HOÀNG ĐIỆP
HOÀNG ĐIỆP

TTO - TAND tối cao đã chỉ đạo rút hồ sơ lên xem xét vụ lùi xe trên đường cao tốc ở Thái Nguyên làm 4 người chết, đồng thời TAND tối cao sẽ mời các chuyên gia pháp lý, an toàn giao thông cùng nghiên cứu hồ sơ để đánh giá lại vụ án.

Vụ lùi xe trên đường cao tốc: Có cơ sở kháng nghị giám đốc thẩm - Ảnh 1.

Hiện trường vụ tai nạn khiến 4 người tử vong - Ảnh: báo Giao Thông

Ngay cả khi chưa có quyết định từ các cơ quan có thẩm quyền, nhiều chuyên gia pháp lý cũng đã có những đánh giá và tìm ra các cơ sở kháng nghị bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Thái Nguyên.

Xe Innova của tài xế Sơn là chướng ngại vật nhưng không phải là chướng ngại vật chết, việc anh Sơn lùi xe làm mất khoảng cách an toàn của bị cáo

Tài xế LÊ NGỌC HOÀNG

Hiểu sai điều luật dẫn đến áp dụng máy móc

Ông Thân Quốc Hùng, phó chánh án TAND tỉnh Bắc Giang, cho rằng hội đồng xét xử (HĐXX) buộc tội tài xế container Lê Ngọc Hoàng vi phạm điều 12 Luật giao thông đường bộ là không thỏa đáng.

Điều luật này quy định "người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng phải tuân thủ quy định về tốc độ xe chạy trên đường và phải giữ một khoảng cách an toàn đối với xe chạy liền trước mình" và "giữ khoảng cách tối thiểu không nhỏ hơn số ghi trên biển báo".

Theo ông Hùng, HĐXX đã hiểu sai về điều luật này và áp dụng luật không thỏa đáng. Việc giữ khoảng cách là đối với hai xe đang chạy cùng chiều, chứ không phải một xe tiến và một xe lùi.

"Tài xế Ngô Văn Sơn khai nhận điều khiển xe Innova chạy lùi. Điều này được hiểu là dù Hoàng có dừng xe lại mà xe Innova vẫn lùi thì không thể giữ đúng được khoảng cách. Bởi vậy, việc áp dụng pháp luật đối với tình huống này chưa chính xác" - ông Hùng nói.

Ông Hùng cho rằng lỗi thứ 2 được các cơ quan tố tụng xác định đối với bị cáo Hoàng là hành vi không giảm tốc độ khi phát hiện chướng ngại vật (xe Innova).

Sở dĩ HĐXX đưa ra phán quyết này là dựa vào kết luận giám định của Viện Khoa học hình sự Bộ Công an và lời khai của nhân chứng Phạm Xuân Trung (ngồi trên cabin xe container với Hoàng).

Tuy nhiên, nhân chứng Trung khai trước tòa rằng khi xe container lưu thông thì Trung đang ngủ, việc Hoàng phanh gấp làm Trung nhào về phía trước nên mới hỏi Hoàng có chuyện gì và được Hoàng trả lời xảy ra tai nạn.

Tại phiên tòa, Hoàng khai khi thấy xe Innova chạy cùng làn Hoàng đã rà phanh, lúc đó đang chạy ở tốc độ 65-70 km/h. Đến khi phát hiện xe Innova chạy lùi thì Hoàng định chuyển làn, nhưng không chuyển được nên đạp phanh "chết". Tuy nhiên, với độ nặng của xe container không thể phanh ngay được.

Theo Hoàng, khi đó xe Innova đang đi lùi giữa làn đường của Hoàng đang chạy. Hoàng phản bác ý kiến của HĐXX xác định xe Innova là chướng ngại vật, vì xe của Sơn không phải là chướng ngại vật chết.

Như vậy, việc cho rằng Hoàng vi phạm khoản 1 điều 5 thông tư 91/2015 cũng không thỏa đáng.

52 giây mất dữ liệu của xe container

Kết luận giám định cho thấy không xác định được thời điểm xảy ra tai nạn. Cơ quan giám định chỉ xác định thời gian xảy ra tai nạn khoảng 15h38 phút 59 giây ngày 19-11-2016.

Lúc này, vận tốc của xe container là 62 km/h. Từ 15h39 phút 00 giây trở đi thì vận tốc là 0 km/h. Trong đó kết luận giám định cũng cho thấy thời gian mất dữ liệu của bộ thiết bị giám sát hành trình tổng cộng 52 giây (từ 15h39 phút 02 giây đến 15h39 phút 54 giây).

Một mặt kết luận giám định thể hiện tài xế xe container không giảm tốc độ đến khi xe dừng hẳn, nhưng kết luận cũng thể hiện có 52 giây thiết bị hành trình bị mất dữ liệu.

Các cơ quan tố tụng đã căn cứ vào kết luận "không giảm tốc độ" này để khẳng định Hoàng không giảm tốc độ khi phát hiện xe Innova lùi.

Như vậy, trước khi tai nạn xảy ra, có 52 giây trống mà hộp đen không biểu hiện xe chạy với vận tốc bao nhiêu, tình trạng xe như thế nào.

Đây cũng là điểm mấu chốt rất cần phải làm rõ để xác định tài xế Hoàng có dùng phanh giảm tốc độ khi phát hiện xe Innova hay không.

Bào chữa cho bị cáo Hoàng ở phiên tòa phúc thẩm, luật sư Giang Hồng Thanh cho rằng lẽ ra khi đã mất dữ liệu rồi và không xác định được nguyên nhân mất dữ liệu thì không nên kết luận "ngay trước khi tốc độ về 0 km/h ôtô không giảm tốc độ".

Trong 52 giây mất dữ liệu đó hoàn toàn có khả năng thiết bị giám sát hành trình ghi nhận được xe container giảm tốc độ.

Ông Thanh cũng cho rằng chính câu chữ kết luận này là một trong những lý do khiến cơ quan tố tụng cấp sơ thẩm cũng như kiểm sát viên tại phiên tòa phúc thẩm cáo buộc tài xế Hoàng không giảm tốc độ mà không quan tâm đến lời khai của Hoàng về việc đã giảm tốc độ, giẫm phanh "chết".

Ông Thân Quốc Hùng cho rằng từ các căn cứ nêu trên cho thấy đã có việc áp dụng sai pháp luật trong việc xét xử, do đó có đủ căn cứ để kháng nghị giám đốc thẩm để hủy hai bản án và đánh giá lại chứng cứ.

Theo Điều 371 Bộ luật TTHS năm 2015, có 3 căn cứ để kháng nghị giám đốc thẩm: Kết luận trong bản án, quyết định của tòa án không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án; Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong điều tra, truy tố, xét xử dẫn đến sai lầm nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án; Có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật.

Mời chuyên gia đánh giá lại

chanh-an-1541476247926242090659-0-0-539-960-crop-1541476255599747684340-1541484063124491322857-15414862338461376614819-5(read-only)

Chánh án Nguyễn Hòa Bình trả lời báo chí sáng 6-11 - Ảnh: CTV

Trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội sáng 6-11, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình khẳng định sẽ tổ chức buổi làm việc với các cơ quan tố tụng và các chuyên gia để đánh giá lại vụ việc.

Ông Bình nói: "Chúng tôi đã yêu cầu TAND tỉnh Thái Nguyên chuyển toàn bộ hồ sơ gốc liên quan đến vụ án mà dư luận đang quan tâm để xem xét. Khi nhận được hồ sơ gốc, chúng tôi sẽ làm việc với không chỉ các cơ quan tố tụng mà còn các ngành, các chuyên gia, từ đó có thông tin cụ thể hơn".


HOÀNG ĐIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên