10/01/2019 10:38 GMT+7

Vũ khí sát thương tự động - Kỳ 4: Máy bay không người lái của Trung Quốc

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - Trong bài viết đăng trên trang web của Hiệp hội Kiểm soát vũ khí Mỹ đầu tháng 12-2018, giáo sư Michael T.Klare tại Đại học Hampshire (Mỹ) khẳng định Trung Quốc vung tiền chạy đua tự động hóa vũ khí chẳng khác gì Mỹ và Nga.

Vũ khí sát thương tự động - Kỳ 4: Máy bay không người lái của Trung Quốc - Ảnh 1.

Các binh sĩ Iraq lắp đạn cho máy bay không người lái CH-4B mua của Trung Quốc - Ảnh: YOUTUBE

Trung Quốc thường được mô tả là quốc gia xuất khẩu máy bay không người lái mà không cần hỏi giá

(Báo cáo của Viện Các quân chủng thống nhất hoàng gia Anh)

Sao chép mày mò tự phát triển

Tối 19-4-2018, hai ôtô di chuyển trên đường số 45 ở phía đông thành phố Hodeidah (Yemen). Một máy bay không người lái CH-5 đã đưa mục tiêu vào kính ngắm. 

Vừa lúc chiếc Toyota Land Cruiser quẹo cua, máy bay CH-5 phóng hai quả tên lửa không đối đất Blue Arrow 7. Chủ tịch Hội đồng chính trị tối cao Yemen (ủng hộ phong trào Houthi) Saleh Ali al-Sammad cùng một số người khác đi trong đoàn xe thiệt mạng. 

Người điều khiển máy bay là một sĩ quan ở Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE). Máy bay và tên lửa này được UAE mua của Trung Quốc.

CH-5 (Cầu Vồng 5) là loại máy bay không người lái thám sát và chiến đấu được sản xuất cách đây bốn năm nhằm đối chọi với máy bay không người lái MQ-9 Reaper của Mỹ. CH-5 nặng 3,3 tấn, có sải cánh dài 21m, có thể mang mỗi bên cánh tám tên lửa. 

Dự kiến Trung Quốc sẽ sản xuất đại trà CH-5 vào năm 2022. Giá CH-5 là 8 triệu USD, chỉ bằng nửa giá MQ-9 Reaper của Mỹ.

Chuyên gia Matthew Funaiole ở Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (Mỹ) ghi nhận mẫu CH-4 của Trung Quốc đã được trang bị hệ thống lái tự động. CH-4 có thể ném bom dẫn đường nặng 50kg. 

Tại triển lãm quốc tế hàng không ở Chu Hải đầu tháng 11-2018, Trung Quốc tiếp tục giới thiệu máy bay không người lái CH-7. Dự kiến CH-7 sẽ bay thử lần đầu tiên vào cuối năm nay. Trung Quốc còn thử nghiệm một số loại máy bay không người lái nhỏ hơn như Dực Long (Wing Loong), máy bay đánh bom liều chết CH 901.

Nếu Mỹ đã chế tạo máy bay không người lái Perdix hoạt động tự động theo nhóm, Trung Quốc cũng không chịu thua. Năm 2017, Trung Quốc đã thử nghiệm nhóm máy bay không người lái 21 chiếc có chức năng gây nhiễu thông tin. 

Ngoài ra, Trung Quốc còn phát triển tàu lặn không người lái nhận dạng mục tiêu và tự động thả mìn. Một hướng phát triển khác của quân đội Trung Quốc là tăng cường tính năng mới cho vũ khí cũ. 

Trung Quốc đã chuyển đổi xe tăng cũ như xe T-59 thành robot trang bị công nghệ điều khiển từ xa có người lái điều khiển. Đây là bước thử nghiệm để tiến tới xe tăng tự động hóa hoàn toàn.

Tháng 4-2018, cố vấn Nhà Trắng Peter Navarro nhận xét Trung Quốc đã mang các thiết bị quân sự sao chép công nghệ Mỹ bán sang Trung Đông, ví dụ như máy bay Dực Long sao chép công nghệ của MQ-9 Reaper. 

Cuối năm 2015, trang web Newser (Mỹ) đã từng so sánh CH-4 của Trung Quốc và MQ-9 Reaper y chang nhau từ hình dạng, sải cánh đến càng hạ cánh và kiểu dáng đuôi chữ V. Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu lưu ý Trung Quốc đang tiến tới giai đoạn tự phát triển robot và máy bay không người lái.

Vũ khí sát thương tự động - Kỳ 4: Máy bay không người lái của Trung Quốc - Ảnh 3.

Máy bay không người lái do Trung Quốc sản xuất rơi ở Pakistan năm 2016 - Ảnh: WASED

Ai muốn mua, Trung Quốc cũng bán

Giáo sư Steve Tsang - giám đốc Viện nghiên cứu Trung Quốc thuộc Trường Nghiên cứu phương Đông và châu Phi ở London (Anh) - ghi nhận: "Xuất khẩu và triển khai máy bay không người lái sẽ giúp Trung Quốc cải tiến thiết kế vì máy bay đã được thử nghiệm trong các tình huống tác chiến thực tế".

Tháng 2-2018, Bộ Quốc phòng Iraq đã công bố băng video cho thấy quân đội Iraq đã sử dụng máy bay không người lái CH-4B của Trung Quốc trong hầu hết các phi vụ tấn công và trinh sát ở tây bắc Iraq. 

Mẫu CH-4B được sản xuất theo đơn đặt hàng riêng của Iraq, có trọng tải hữu dụng lên đến 354kg trong khi mẫu CH-4A chỉ chở được 115kg. Iraq mua CH-4B năm 2014 sau chuyến thăm Iraq của bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc.

Chuyên gia James Char ở Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore) giải thích Trung Quốc tranh thủ xuất khẩu máy bay không người lái với giá cạnh tranh bởi Mỹ lâm vào thế kẹt. Mỹ đã ký kết thỏa thuận đa phương "Chế độ kiểm soát công nghệ tên lửa" năm 1987 (35 nước tham gia) với quy định hạn chế xuất khẩu máy bay không người lái quân sự. 

Các đồng minh của Mỹ như Jordan mua hàng của Mỹ không được bèn quay sang Trung Quốc. Vì thế vào tháng 4-2018, Mỹ đã phải nới lỏng luật xuất khẩu máy bay không người lái quân sự. Lúc bấy giờ Trung Quốc đã xuất khẩu mặt hàng này sang một số nước ở châu Á, Trung Đông và châu Phi.

Theo báo cáo của Viện Các quân chủng thống nhất hoàng gia Anh (RUSI) công bố giữa tháng 12-2018, chính sách của Trung Quốc là "ai muốn mua, Trung Quốc cũng bán". 

Tại Trung Đông có Iraq, Jordan, Saudi Arabia và UAE mua máy bay không người lái Trung Quốc. UAE còn triển khai máy bay không người lái Trung Quốc ở Yemen và Libya. Chưa rõ Trung Quốc có chuyển giao công nghệ điều khiển máy bay qua vệ tinh cho người mua hay không.

Từ năm 2008-2017, Bắc Kinh đã bán được 88 máy bay không người lái, đứng thứ ba thế giới sau Mỹ và Israel. Bạn hàng chính là Pakistan, kế đến là Ai Cập và Myanmar. 

Thị trường này mang lại mỗi năm 23 tỉ nhân dân tệ (3,34 tỉ USD) và dự kiến đến năm 2025 tăng đến 180 tỉ nhân dân tệ. 

Nhà nghiên cứu quân sự Thierry Berthier (Pháp) giải thích: "Học thuyết quân sự của Trung Quốc chủ trương không cản trở phát triển hệ thống vũ khí tự động. Trên thực tế Trung Quốc đã triển khai nhiều chiến dịch nghiên cứu rất quan trọng về tính năng tự động, tính năng không người lái hoặc tính năng tự động hóa". 

Về vũ khí sát thương hoàn toàn tự động, khó biết Trung Quốc phát triển công nghệ đến đâu vì Trung Quốc chưa bao giờ chính thức công bố.

Hàng Trung Quốc dễ trục trặc

Ngày 12-7-2018, một máy bay không người lái Dực Long của Saudi Arabia bị súng phòng không từ Yemen bắn rơi. Ít có thông tin chi tiết về vụ này. Saudi Arabia mua tối thiểu ba loại Dực Long I, Dực Long II và CH-4 của Trung Quốc.

Hơn một năm trước, ngày 18-6-2016, Đài Waseb TV của Pakistan phát hình ảnh một máy bay không người lái Dực Long rơi gần căn cứ không quân ở Mianwali. Công ty tư vấn quân sự Jane’s dẫn nguồn từ Bộ Quốc phòng Pakistan cho biết máy bay gặp trục trặc khi đang bay thử nghiệm.

Trước đó, vào ngày 27-1-2015, một máy bay không người lái CH-3 của Nigeria rơi ở khu vực đông bắc. Trên máy bay còn nguyên hai tên lửa dẫn đường chống tăng AR-1. Máy bay và tên lửa đều của Trung Quốc bán cho Nigeria.

________________________________________

Kỳ tới: Nước nào cũng "máu" vũ khí tự động

Vũ khí sát thương tự động - Kỳ 3: Máy bay và xe tăng không người lái của Nga Vũ khí sát thương tự động - Kỳ 3: Máy bay và xe tăng không người lái của Nga

TTO - Để đối phó với Mỹ và đồng minh, quân đội Nga chủ trương máy bay và xe tăng không người lái sẽ giữ vai trò trung tâm trong các chiến dịch quân sự tương lai của Nga.


HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên