05/03/2018 08:40 GMT+7

Việt Nam cần thêm doanh nghiệp mạnh, người giàu

ANH ĐỨC - THANH HƯƠNG
ANH ĐỨC - THANH HƯƠNG

TTO - Danh sách 2 tỉ phú USD của Việt Nam sắp dài thêm, và con số người siêu giàu ngày càng nhiều. Trước đây, xã hội cảnh giác với người giàu, nay cần phải xem lại.

Cần có sự can dự hiệu quả hơn của Nhà nước để điều tiết việc phân bổ nguồn lực, khuyến khích làm giàu… Nếu Nhà nước sử dụng một hệ thống cơ chế phân phối tốt để điều tiết thu nhập, sẽ tạo ra một xã hội vừa giàu có, vừa bảo đảm ngày càng công bằng

TS TRẦN ĐÌNH THIÊN

Tiến sĩ Trần Đình Thiên, viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng cần thay đổi cái nhìn và chính sách với người giàu để đất nước vươn lên…

Ông Thiên nói:

- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong bài viết đăng ngày 1-3 vừa qua đã khẳng định: cần thực sự đưa kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng trong nền kinh tế... Vậy Việt Nam đang đứng ở đâu? 

Theo báo cáo Tài sản toàn cầu thường niên Wealth Report 2017 của Knight Frank, tỉ lệ người siêu giàu (có tài sản hơn 30 triệu USD) của Việt Nam sẽ tăng 170% trong thập niên tới, trong khi của Ấn Độ tăng 150% và Trung Quốc tăng 140%. Đây là con số bất ngờ. 

Điểm trên thị trường chứng khoán, nếu so giá trị vốn hóa thì Việt Nam cũng có gần chục tỉ phú USD, họ đều ở khu vực tư nhân. 

Theo thông tin của chúng tôi, bảng xếp hạng tỉ phú trên thế giới của Forbes năm nay sẽ ghi danh thêm 2 người Việt Nam là tỉ phú USD, đồng thời là sự thăng hạng "chóng mặt" của 2 tỉ phú "cũ" là ông Phạm Nhật Vượng (Vingroup) và bà Nguyễn Thị Phương Thảo (Vietjet Air).

Việt Nam cần thêm doanh nghiệp mạnh, người giàu - Ảnh 2.

TS Trần Đình Thiên

Cần tránh "của chìm của nổi"

* Ông đánh giá như thế nào về số lượng doanh nghiệp tư nhân có doanh thu tỉ USD ngày càng nhiều và những tỉ phú USD ở Việt Nam cũng đang tăng rất nhanh?

- Trước đây, chúng ta chỉ có những doanh nghiệp nhà nước có doanh thu tỉ USD, nhưng chúng ta vẫn lo, khi những doanh nghiệp có nhiều đặc quyền này phải cạnh tranh với doanh nghiệp ngoại, lo lắng về khả năng "sánh vai thế giới". 

Việc có thêm nhiều doanh nghiệp tư nhân doanh thu tỉ USD là đáng mừng, nhất là khi khối này phải chấp nhận cạnh tranh sòng phẳng để lớn lên.

Số người giàu tăng nhanh hàm nghĩa nền kinh tế đang tạo ra nhiều cơ hội làm giàu, và kinh tế tư nhân thực sự đã là động lực, thậm chí ở một số ngành là nền tảng. Bàn về phát triển khu vực tư, có rất nhiều việc, đã nói mãi. Có những việc tưởng nhỏ nhưng rất quan trọng, là quan niệm về người giàu.

Số ít người bằng năng lực và khả năng tận dụng thời cơ vượt trội của mình, đã sớm phát hiện ra, chớp được cơ hội để bứt phá. Vấn đề của chúng ta vẫn là phải làm sao để tăng cơ hội, đảm bảo làm giàu chính đáng, minh bạch. Chứ thực tế, phải thấy là dù có tốc độ tăng số người siêu giàu dự tính cao hơn cả Trung Quốc và Ấn Độ, song số lượng người giàu được tính "chính thức" của VN còn khá khiêm tốn. 

Theo tôi, số người "giàu thật" ở Việt Nam chắc chắn cao hơn nhiều số chính thức được ghi nhận. Vì nhiều lý do, trong đó có quan niệm không thích người giàu, đã làm gia tăng nỗ lực che giấu sự giàu có. Chúng ta vẫn đang sống trong một xã hội với sự ngự trị của quan niệm sống "của chìm của nổi".

Việt Nam cần thêm doanh nghiệp mạnh, người giàu - Ảnh 3.

Khu đô thị Vinhomes Central Park (quận Bình Thạnh, TP.HCM) của Vingroup tại TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN

* Tức là phải tin tưởng, kỳ vọng vào những doanh nghiệp, những cá nhân đã vượt lên bình diện chung?

- Trên quan điểm đua tranh quốc tế và từ góc nhìn tạo năng lực phát triển mới cho đất nước, tôi thấy đất nước cần có kỳ vọng vào những doanh nghiệp dẫn đầu. Những doanh nhân tạo ra được doanh nghiệp tăng trưởng, lọt vào danh sách tỉ phú USD của thế giới không phải đơn giản. Đừng chỉ nhìn họ với siêu xe, biệt thự, nhà lầu...

Ít ai biết đằng sau những cái đó, họ phải làm những gì. Có thể đó là những quyết định 50-50, những đêm nghĩ bạc tóc, chịu áp lực cạnh tranh cả trong và ngoài nước, rồi những áp lực mỗi ngày mở mắt ra phải có cả chục tỉ để trả lương cho mấy chục ngàn con người... Chúng ta kỳ vọng vào những doanh nghiệp đạt tầm thế giới và những doanh nghiệp làm ăn chân chính...

Chúng ta vẫn dõi theo những tỉ phú hàng đầu thế giới, nay chúng ta có doanh nhân đạt vào danh sách cùng những người đó cũng đáng tự hào. Muốn đất nước giàu mạnh, chúng ta phải có những người giàu và không thể giữ tâm lý cứ giàu là có gì đó bất thường. Nếu không, họ giàu nhưng giấu, đem tiền ra nước ngoài, hoặc đạt được mức nào đó là bán doanh nghiệp, đi chơi...

Chúng ta có thể đặt kỳ vọng vào những người dù dừng lại đã quá đủ, nhưng họ vẫn chấp nhận đối mặt và mở rộng kinh doanh, như ông Phạm Nhật Vượng với Vingroup, ông Đoàn Nguyên Đức với Hoàng Anh Gia Lai. Hay tuy là doanh nghiệp nhà nước nhưng ông Nguyễn Mạnh Hùng ở Viettel cũng tạo ra nhiều dấu ấn đáng nể trọng... 

Việt Nam cần thêm doanh nghiệp mạnh, người giàu - Ảnh 4.

Tỉ phú và giá trị tài sản ở các khu vực - Nguồn: số liệu của USB/PWC công bố năm 2016 và 2017 - Đồ họa: N.KH.

Hỗ trợ người giàu để giúp người nghèo

* Ông từng nói cần khuyến khích, hỗ trợ mạnh mẽ hơn cho các tỉ phú? Liệu họ có cần hỗ trợ?

- Câu nói này cần được giải thích một cách rõ ràng. Nếu chỉ dựa vào người nghèo để giải quyết vấn đề đói nghèo, tự mình thoát nghèo thì rất khó. Hai là, sự giúp đỡ trực tiếp của Nhà nước đối với người nghèo, cả lý thuyết lẫn kinh nghiệm thực tiễn đều chứng tỏ, khó có thể giúp họ làm giàu, may ra chỉ giúp họ thoát nghèo. Mà không giàu thì rất dễ nghèo trở lại.

Để giải quyết triệt để đói nghèo, để tạo ra một xã hội giàu có, lực lượng quan trọng chính là những doanh nghiệp, những người có khả năng làm kinh tế, tạo dựng được sự nghiệp, vươn lên thành tỉ phú, người giàu. Họ cũng là người có khả năng đặc biệt, giống như những nhà khoa học, bác sĩ có khả năng thiên phú nghiên cứu, cứu người.

Vì vậy, Nhà nước phải dựa vào lực lượng này, khuyến khích, hỗ trợ họ làm giàu hơn nữa. Bằng cách đó, họ sẽ tạo thêm việc làm, tăng cơ hội thu nhập cho người lao động. Ngoài ra, nếu Nhà nước biết sử dụng một hệ thống cơ chế phân phối tốt để điều tiết thu nhập thì còn tạo ra một xã hội công bằng.

* Không phải ngẫu nhiên mà một thời gian dài người dân cảnh giác với người giàu. Để thay đổi sẽ cần thời gian?

- Đúng. Một thời gian dài bao cấp, tất cả nghèo như nhau, cơ chế vậy mà người nào giàu là có vấn đề, có thể có bất công. Nhưng nay, có lẽ nên nhìn nhận lại.

Ngoài tạo cơ hội việc làm và thu nhập cho đông đảo người lao động và đóng ngân sách, doanh nghiệp tư nhân mạnh lên, các tỉ phú USD nhiều lên sẽ là những trụ cột để đảm bảo tự chủ kinh tế quốc gia. Kinh nghiệm thế giới, không có các tập đoàn lớn, nhà tỉ phú, nền kinh tế khó mà trở thành "cường quốc", quy mô kinh tế quốc gia sẽ khó mở rộng.

Các tỉ phú trên thế giới cũng giúp tạo hình ảnh quốc gia, tạo ra hình mẫu, tấm gương vươn lên cho xã hội, đặc biệt là lớp trẻ. Họ là lực lượng quyết định thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp - sáng tạo.

Tuy nhiên, phải giải thích thêm rằng ở những quốc gia phát triển, nguyên tắc cơ bản chi phối đời sống xã hội là "dân chủ", "công khai, minh bạch". 

Trong xã hội đó, ai cũng phấn đấu vươn lên để trở thành giàu có, cố gắng để được ghi danh vào các bảng xếp hạng giàu có như là một bằng chứng về tài năng và sự cống hiến. Người ta muốn "trưng bày" công khai, đàng hoàng sự giàu có của mình như một niềm tự hào. Chúng ta cần phấn đấu cật lực để nhanh chóng được như vậy.

* Một cựu quan chức khẳng định: doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đủ tầm và tài nên nếu được tin tưởng, tạo điều kiện, họ sẽ tạo được kỳ tích như đội bóng U-23 Việt Nam. Ông nghĩ gì về ý kiến này?

- Tôi thấy không có gì phải nghi ngờ, người Việt có sức bật rất mạnh mẽ. Bảo đảm một môi trường kinh doanh lành mạnh - đó là tất cả những gì cần làm để doanh nhân Việt lập được kỳ công. Tất nhiên, còn rất nhiều việc phải làm…

Việt Nam cần thêm doanh nghiệp mạnh, người giàu - Ảnh 5.

Máy bay của Hãng hàng không VietJet Air - Ảnh: TUẤN PHÙNG

Tỉ phú Việt Nam thăng hạng

Với việc mở rộng sản xuất kinh doanh và sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán, những tỉ phú USD ở Việt Nam đang ngày càng có tài sản lớn.

Với hai tên tuổi đã được Forbes công nhận là tỉ phú USD của Việt Nam của năm trước, ước tính tài sản của ông Phạm Nhật Vượng hiện là 5,2 tỉ USD, còn bà Nguyễn Thị Phương Thảo là 3,4 tỉ USD.

Ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (mã: HPG), cũng đã trở thành nhân vật sở hữu khối tài sản trên 1 tỉ USD.

Ông Long đang nắm giữ 381.557.138 cổ phiếu HPG và với giá hiện là 66.300 đồng/cổ phiếu, tài sản ông Long được ước tính là khoảng 1,1 tỉ USD.

PHƯỚC TRÍ

ANH ĐỨC - THANH HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên