14/09/2023 07:59 GMT+7

Việt - Mỹ là đối tác chiến lược toàn diện: Thành quả của hợp tác bền bỉ

Việc nâng cấp quan hệ Việt - Mỹ lên Đối tác chiến lược toàn diện là một minh chứng thuyết phục với các nước trên thế giới về thành quả của một quá trình gây dựng lòng tin, sự hợp tác bền bỉ, chân thành và hiệu quả của công tác ngoại giao.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng bắt tay Tổng thống Mỹ Joe Biden trước khi hai nhà lãnh đạo bước vào hội đàm tại Văn phòng Trung ương Đảng - Ảnh: TTXVN

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng bắt tay Tổng thống Mỹ Joe Biden trước khi hai nhà lãnh đạo bước vào hội đàm tại Văn phòng Trung ương Đảng - Ảnh: TTXVN

Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden theo lời mời của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là cột mốc lịch sử với nhiều ý nghĩa sâu sắc trong quan hệ song phương hai nước.

Hướng tới hợp tác, hòa bình

Mối quan hệ mới được tăng cường mang ý nghĩa chiến lược khi cho phép cả hai nước bỏ lại phía sau những nghi ngại lịch sử từ cuộc chiến trước đây và hướng tới lợi ích cùng tầm nhìn chung trong dài hạn.

Ông Joe Biden cho biết chuyến thăm của ông nhằm thể hiện mối quan hệ bền chặt hơn với Hà Nội, chứ không phải mục đích liên quan tới Trung Quốc hay muốn khơi mào một cuộc "chiến tranh lạnh" với Trung Quốc.

Chuyến thăm Việt Nam của ông Biden là một phần trong nỗ lực rộng lớn hơn của Mỹ nhằm xây dựng các mối quan hệ đồng minh và đối tác của Mỹ trên khắp châu Á, nhưng nó cũng phù hợp với chính sách cân bằng nước lớn của Việt Nam. Bằng cách đó, Việt Nam có thể thiết lập mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với cả hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Thứ nữa, chuyến thăm này cũng chứng tỏ với thế giới rằng vẫn còn chỗ cho sự hợp tác sâu rộng giữa các quốc gia có hệ tư tưởng chính trị và thể chế khác nhau. Ông Biden gọi Việt Nam là "người bạn, đối tác đáng tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế".

Ông cũng mô tả Việt Nam là "đối tác quan trọng vào thời điểm mà tôi cho là rất quan trọng". Nếu Việt Nam đã có thể thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ thì đối với các quốc gia có thể chế tương tự Mỹ, Việt Nam cũng có thể thành công.

Chờ các bước cụ thể hóa

Có thể thấy các nhà lãnh đạo đã hết sức quyết tâm trong việc biến những cam kết chính trị thành hiện thực. Không ai quá lạc quan rằng mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện mới sẽ tự động dẫn đến sự phát triển vượt bậc trong nhiều lĩnh vực giữa hai nước trong thời gian tới.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã cam kết Việt Nam sẽ nỗ lực thực hiện thỏa thuận, bởi vì "chỉ khi đó chúng ta mới có thể nói đó là một thành công". Đây là một cách nhìn thẳng vào sự thật và nỗ lực biến những tuyên bố chính trị thành chính sách hay hợp tác cụ thể.

Việc nâng cấp quan hệ không chỉ là lời nói suông mà gắn liền với một loạt thỏa thuận thương mại và hợp tác ở tầm mức mới trong ngành công nghệ cao, khoa học, đổi mới sáng tạo và hợp tác khai thác đất hiếm giữa hai bên. Những thỏa thuận hợp tác thương mại chỉ là một phần trong bức tranh lớn tổng thể về hợp tác công nghệ cao giữa hai nước đã được thiết lập thời gian qua.

Các buổi ký kết hợp tác về vấn đề thích ứng biến đổi khí hậu, năng lượng tái tạo, môi trường và y tế trong chuyến thăm chỉ là hiện thực hóa những gì mà hai bên đã làm việc cật lực trước đó. Trong bài phát biểu tại Hà Nội vào ngày 21-7, bà Janet Yellen - bộ trưởng Tài chính Mỹ - cho rằng sản xuất năng lượng xanh và chất bán dẫn là những ngành tiềm năng để Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ngoài ra, việc nâng cấp quan hệ có thể giúp hai nước hợp tác sâu hơn trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Ngoài việc tiếp tục hỗ trợ tài chính Trường đại học Fulbright Việt Nam, cũng như tăng cường thúc đẩy số sinh viên Việt Nam du học tại Mỹ, Chính phủ Mỹ có thể hỗ trợ nhiều hơn để đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là các công nhân Việt Nam lành nghề, để hỗ trợ chuỗi cung ứng chất bán dẫn trên toàn cầu. Điều này là hết sức thiết yếu vì Việt Nam đang đối mặt với tình trạng thiếu kỹ sư trong lĩnh vực chip.

Thành quả mới của "ngoại giao cây tre"

Cả hai nước đều hiểu rằng ý nghĩa của chuyến thăm không chỉ gói gọn giữa hai nước. Tổng thống Joe Biden nhấn mạnh: "Đây mới chỉ là sự khởi đầu cho việc tạo ra một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở cho tất cả chúng ta".

Điều này cũng thể hiện cam kết của Mỹ và Việt Nam với hòa bình, hợp tác và phát triển trong khu vực. Chuyến thăm của ông Biden mang lại một cột mốc quan trọng để đánh giá định hướng và hiệu quả với chính sách của Mỹ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và nó cũng thể hiện sự thành công trong chính sách "ngoại giao cây tre" của Việt Nam.

Phát huy hợp tác Việt - Mỹ về công nghệPhát huy hợp tác Việt - Mỹ về công nghệ

Định hướng phát triển kinh tế chú trọng công nghệ cao của Việt Nam có nhiều điểm phù hợp với chiến lược định hình chuỗi cung ứng của Mỹ trong khu vực.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên