11/12/2015 16:02 GMT+7

Vì sao ngành du lịch Huế chậm phát triển

NGUYÊN LINH
NGUYÊN LINH

TTO - HĐND tỉnh Thừa Thiên - Huế sốt ruột vì ngành du lịch chậm phát triển. Tại sao giữa kỳ vọng phát triển ngành du lịch với thực tế đạt được còn một khoảng cách quá lớn?

Ông Phan Tiến Dũng, giám đốc Sở VHTT&DL trả lời chất vấn về tình trạng ngành du lịch giảm sức cạnh tranh - Ảnh: Nguyên Linh
Ông Phan Tiến Dũng, giám đốc Sở VH-TT&DL, trả lời chất vấn về tình trạng ngành du lịch giảm sức cạnh tranh - Ảnh: Nguyên Linh

Ngày 11-12, phiên chất vấn của kỳ họp HĐND tỉnh Thừa Thiên - Huế nóng lên với  những vấn đề cử tri quan tâm như: ngành du lịch phát triển chậm, vệ sinh an toàn thực phẩm, sản xuất của bia Huda sụt giảm so với kế hoạch, thất thoát thuế, học sinh sinh viên vi phạm giao thông...

Chất vấn về việc Thừa Thiên - Huế giàu tiềm năng nhưng sản phẩm du lịch nghèo nàn, du lịch giảm sức cạnh tranh, đại biểu Trần Duy Tuyến đề nghị UBND tỉnh cho biết nguyên nhân và những giải pháp để thúc đẩy du lịch phát triển?

Khách đến tăng mà khách lưu trú thì giảm sút

Trả lời câu hỏi này, ông Phan Tiến Dũng, giám đốc Sở VH-TT&DL, đưa ra những con số: năm 2015 Thừa Thiên - Huế đón 3,25 triệu lượt khách du lịch, tăng 11,8%; khách lưu trú ước đạt 1,8 triệu lượt, giảm 3,75%, khách quốc tế lưu trú giảm 2,1%.

Theo ông Dũng, nguyên nhân ngành du lịch Thừa Thiên - Huế chưa có các sản phẩm du lịch tương xứng với tiềm năng, thế mạnh là vì sản phẩm du lịch của tỉnh là “văn hóa - di sản” nhưng chậm đổi mới chất lượng nên dẫn đến bão hòa, giảm sức hấp dẫn.

Các di tích lịch sử văn hóa ở Huế chỉ mới khai thác được một phần ở điểm cũ, chưa có thêm các điểm mới; các di tích khác chưa được đầu tư tu bổ để trở thành các điểm du lịch hấp dẫn.

Du lịch biển, đầm phá là thế mạnh nhưng mức độ đầu tư thấp, hệ thống hạ tầng giao thông kết nối với các điểm tắm biển thiếu đồng bộ, thiếu dịch vụ.

Doanh nghiệp hoạt động du lịch có quy mô nhỏ, thiếu năng lực và kinh phí đầu tư vào các dịch vụ cao cấp...

Ông Dũng cho biết ngành du lịch đang xây dựng và làm mới sản phẩm du lịch, trong đó tập trung nâng cao chất lượng loại hình du lịch di sản; mở rộng phạm vi trưng bày tham quan, đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ tại khu di tích hoàng thành và các lăng vua. Mở các tuyến du lịch sông Ngự Hà, hồ Tịnh Tâm, hồ Học Hải, các khu Hổ Quyền, Voi Ré, Văn Thánh… Tiếp tục xây dựng kế hoạch cụ thể để phát huy loại hình du lịch tâm linh, xem đây là thế mạnh riêng của Huế. Xây dựng sản phẩm du lịch gắn với thương hiệu ẩm thực Huế, xem đây là sản phẩm du lịch có tính cạnh tranh cao...

Ông Dũng còn cho biết sẽ đầu tư hoàn thiện về hạ tầng, giao thông; có các chính sách ưu đãi, huy động nguồn lực đầu tư hạ tầng các khu du lịch; thay đổi hình thức quảng bá thương hiệu; tăng cường liên kết Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam để tiếp tục phát triển du lịch; ngoài ra còn liên kết các vùng trong cả nước và một số nước trong ASIAN để thúc đẩy du lịch phát triển.

Phải tìm nguyên nhân du lịch sút giảm  

Chưa thỏa mãn với phần trả lời của ông Dũng, ông Tuyến nói rằng giữa kỳ vọng phát triển ngành du lịch với thực tế đạt được còn một khoảng cách quá lớn, đòi hỏi ngành du lịch tỉnh phải có giải pháp mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa.

“Chúng ta phải tìm đúng nguyên nhân mới mong có giải pháp đúng để thúc đẩy du lịch phát triển. Có phải do cơ chế chính sách, do bộ máy chính quyền hoạt động chưa hiệu quả hay còn có nguyên nhân nào?” - ông Tuyến nói thêm.

Báo cáo tiếp thu tại kỳ họp lần 11, ông Nguyễn Văn Cao, chủ tịch UBND tỉnh, giải trình thêm: tỉnh đã thuê tư vấn Singapore xây dựng và đã phê duyệt quy hoạch phát triển du lịch tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó đã đánh giá những điểm mạnh, điểm yếu, những nguyên nhân làm cho ngành du lịch chưa phát triển tương xứng.

Vấn đề lữ hành và thiếu thương hiệu quốc tế về lĩnh vực khách sạn vẫn là điểm yếu của ngành du lịch tỉnh hiện nay. Hiện tỉnh đang xây dựng đề án thành lập Sở Du lịch (tách từ Sở VH-TT&DL) để chuyên nghiệp hóa công tác quản lý du lịch - dịch vụ.

Bia Huế cũng giảm sút

Trả lời câu hỏi Công ty bia Huế sản xuất ngày càng giảm sút của đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh, ông Phan Đình Công - cục trưởng Cục Thuế Thừa Thiên - Huế, cho biết năm 2015 Nhà máy bia Huế sản xuất đạt 205 triệu lít (năm 2014 là 210 triệu lít). Đến 30-11 công ty đã nộp ngân sách 1.166 tỉ đồng, cả năm 2015 ước đạt 1.341 tỉ đồng (chiếm 28% ngân sách toàn tỉnh).

Trong thời gian qua có một số thông tin bịa đặt, gây bất lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty Bia Huế. Hiện một số hãng bia khác đang có những hoạt động kinh doanh không lành mạnh làm ảnh hưởng tâm lý người tiêu dùng, do đó mức tiêu thụ bia Huda bị giảm sút.

Đại biểu Trần Duy Tuyến chất vấn ngành du lịch Thừa Thiên-Huế chậm phát triển - Ảnh: Nguyên Linh
Đại biểu Trần Duy Tuyến chất vấn ngành du lịch Thừa Thiên-Huế chậm phát triển - Ảnh: Nguyên Linh
NGUYÊN LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên