11/05/2011 06:17 GMT+7

Vết thương nhỏ, hậu quả lớn

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp

TT - Một vết thương xoàng xĩnh, chỉ xây xước da tí chút cũng ẩn họa nguy cơ tính mạng bị đe dọa nếu người bệnh không may bị nhiễm trùng uốn ván...

ozuNXtuL.jpgPhóng to
Những trầy xước nhỏ trong hoạt động thể thao có thể mang lại vết thương lớn nếu không được xử lý đúng cách (ảnh minh họa) - Ảnh: Gia Tiến

Từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Nhiệt đới trung ương tiếp nhận 43 ca cấp cứu do uốn ván. Tất cả số bệnh nhân này đều nhập viện trong tình trạng nặng, cơ co cứng, lên cơn co giật, thậm chí hôn mê sâu và tử vong.

Tưởng đã lành...

"Ngay cả phụ nữ mang thai, trẻ em đã tiêm phòng đủ liều thì giá trị miễn dịch của mũi tiêm cũng chỉ có thời hạn chừng 10 năm. Sau 10 năm cần phải tiêm nhắc lại để đạt hiệu quả phòng bệnh tốt nhất"

Đi đá bóng cùng bạn bè, trong một cú va chạm nhẹ khi tranh bóng, anh N.V.T. (25 tuổi, Đống Đa, Hà Nội) bị chảy máu ở ngón chân cái. Vết thương không lớn nhưng hở miệng và dính đầy đất từ sân bóng bắn lên. Vốn cẩn thận, anh T. vào ngay bệnh viện khu vực gần sân bóng tại Hà Đông để khử trùng, xử lý vết thương.

Tại đây, anh T. được tiêm huyết thanh chống nhiễm trùng uốn ván. Không ngờ sau 10 ngày mang “vết thương nhỏ xíu, tưởng không nhằm nhò gì”, anh T. bắt đầu lên cơn co giật, cứng hàm, người lơ mơ, đau mỏi toàn thân, phải nhập viện trong tình trạng cấp cứu.

Gia đình bàng hoàng vì anh T. đã được sơ cứu cẩn thận, rốt cuộc vẫn đối mặt với nguy cơ tử vong. Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp - phó trưởng khoa cấp cứu - điều trị đặc biệt, Bệnh viện Nhiệt đới trung ương - bần thần: “Bệnh tình của T. diễn tiến rất nặng. Đến ngày 10-5, bệnh nhân nằm điều trị tại viện được 10 ngày nhưng vẫn bị co thắt vùng hầu họng, không thở được nên phải mở khí quản và thường trực có máy thở hỗ trợ”.

Nằm kế phòng bệnh của anh T., ông Vũ Ngọc H. (Nam Trực, Nam Định) cũng đang ở trạng thái hôn mê, người co cứng, phải thở máy vì nhiễm trùng uốn ván. Theo bà Trần Thị Quế - vợ ông H., ông H. bị hòn gạch rơi trúng chân khi làm phụ hồ cách đây cả tháng. Vết thương đã hoàn toàn khô ráo, ông H. vẫn hằng ngày tự lau rửa bằng oxy già, nên không ai mảy may nghĩ đến chuyện nhiễm trùng.

Bất ngờ sau đó 20 ngày, ông H. bắt đầu đau cứng vùng hầu họng, uống đủ loại thuốc chống viêm mà không đỡ. Đến khi sốt cao không cắt cơn, người lơ mơ, khó thở, co giật liên tục, ông mới được chuyển viện cấp cứu.

Theo bác sĩ Cấp, uốn ván là vi khuẩn sinh nha bào có sức sống cao, đun sôi, phơi nắng... cũng không chết. Nha bào rất phổ biến trong môi trường (đất, nước, cát...), nên bất cứ ai bị trầy xước, thương tổn, nhất là những vết thương giập nát thì đều mang nguy cơ cao bị nhiễm trùng uốn ván.

Sai lầm nếu chỉ phòng bệnh bằng huyết thanh

Trước đây, người bệnh nhiễm trùng uốn ván (với nguy cơ tử vong 3-6%) phần lớn là nông dân, công nhân, thợ thuyền...

Gần đây, người nhiễm trùng uốn ván nặng gặp không ít ở đối tượng thanh niên sống trong thành phố, chủ yếu bắt nguồn từ những chấn thương nhỏ khi tham gia chơi thể thao như đá bóng, chơi ván trượt, nhảy hip hop...

Băn khoăn lớn nhất của gia đình anh T. là anh đã được sơ cứu, lại được tiêm huyết thanh chống uốn ván kịp thời tại sao tình trạng nhiễm trùng vẫn xảy ra, tính mạng đang bị đe dọa nghiêm trọng?

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp cho hay biện pháp trước hết để phòng chống nhiễm trùng uốn ván khi không may bị vết thương hở là giải phóng hết dị vật trong vết thương, cắt lọc phần giập nát, dùng kháng sinh cho các vết thương có nguy cơ nhiễm trùng.

Tiêm huyết thanh chống uốn ván giúp người bệnh có được kháng thể chống nhiễm trùng uốn ván ngay tức thì, nhưng nó chỉ có “tuổi thọ” chừng một tuần. Do đó, để cơ thể tiếp tục chống đỡ, loại trừ vi khuẩn thì cần kết hợp tiêm văcxin phòng uốn ván: “Tiêm văcxin uốn ván thì chỉ sau 7-10 ngày cơ thể sẽ sinh ra kháng thể tiêu diệt vi khuẩn. Tức là khi huyết thanh chống uốn ván hết tác dụng thì cơ thể đã có miễn dịch chủ động để đối phó với nguy cơ nhiễm trùng”.

Tuy nhiên, thường tại các bệnh viện điều trị lại chỉ có huyết thanh mà không dự trữ văcxin. Do đó, theo các bác sĩ truyền nhiễm, bệnh nhân bị các vết thương, đặc biệt vết thương có dính đất, cát, các mảnh dằm lạ... cần chủ động đến các trung tâm y tế dự phòng để tiêm ngừa.

Bác sĩ Cấp cũng lưu ý hiện nay việc dự phòng chống nhiễm trùng uốn ván đang được làm rất tốt ở trẻ em và phụ nữ mang thai, còn đối tượng dân cư khác, nhất là nam thanh niên - đối tượng nguy cơ cao khi hoạt động thể lực nhiều dễ dẫn đến trầy xước - lại có vẻ lơ là với việc tiêm phòng văcxin.

Thực tế cho thấy mũi tiêm phòng uốn ván có giá khá rẻ, tiêm dịch vụ cũng chỉ 40.000-50.000 đồng/ mũi thuốc ngoại. Trong khi đó, tìm hiểu tại Bệnh viện Nhiệt đới trung ương cho thấy chi phí điều trị mỗi ca bệnh cấp cứu vì nhiễm trùng uốn ván không dưới 100 triệu đồng.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên