Như Tuổi Trẻ Online phản ánh: Nhiều bệnh nhân đi khám bệnh bảo hiểm y tế, được bác sĩ kê toa thuốc nhưng đến lúc mua thuốc thì phải bỏ ra tiền triệu để mua do hết thuốc hoặc bảo hiểm y tế không có loại thuốc này.
Nhiều ý kiến đặt vấn đề: Cách nào để giảm bớt phiền toái cho người bệnh? Bao giờ người bệnh khám bảo hiểm y tế không phải mua thuốc bên ngoài với giá cao?...
Bảo hiểm y tế chỉ cấp 1 loại thuốc, 5 loại phải mua ngoài
"Con tôi mới 8 tháng tuổi, bảo hiểm y tế 100%, vậy mà tháng nào cũng hết mấy triệu. Nào là tiền làm các xét nghiệm lúc khám, mỗi cái vài trăm...
Chưa kể còn phải đến nhà thuốc bệnh viện mua thêm thuốc vì lý do hết thuốc. Nhiều lúc không hiểu có bảo hiểm y tế để làm gì nữa?".
Trên đây là thắc mắc của bạn đọc có tài khoản TGL, đồng thời cũng là bức xúc chung của nhiều bạn đọc từng tham gia bảo hiểm y tế.
Cùng gặp cảnh tương tự, bạn đọc Hanh Luong bổ sung: "Tôi bị tai nạn gãy xương đến khám bảo hiểm y tế, bác sĩ kê thuốc chỉ có 1 loại thuốc giảm đau, còn 5 loại thuốc điều trị phải ra ngoài mua tốn tiền triệu. Cả 3 lần tái khám cũng vậy. Phản ảnh thì bệnh viện bảo không có thuốc, bệnh viện không biết. Bó tay luôn!".
Còn bạn đọc Đạt Lê viết: "Tôi đi khám bảo hiểm y tế và gần như lần nào khám xong, lúc kê đơn bác sĩ đều bảo hết thuốc. Đã vậy, vào làm xét nghiệm thì bảo hết hóa chất phải hẹn đi hẹn lại. Những loại thuốc rất đơn giản như giãn tĩnh mạch, viêm mắt, chống đông máu... cũng không có. Bác sĩ kê đơn rồi ra ngoài nhà thuốc bệnh viện mua".
Từ kinh nghiệm bản thân, bạn đọc Nguyễn Thị Kim Yên mách: "Khi khám bệnh bảo hiểm y tế nhớ đem theo tiền nhé, tùy bệnh mà chuẩn bị".
Cũng là câu hỏi cần lời đáp, bạn đọc Huỳnh Đảm bổ sung: "Tại sao bệnh nhân khám bảo hiểm y tế, bác sĩ khám kê đơn mua thuốc ngoài và chỉ định đến nhà thuốc cụ thể của bệnh viện? Nhiều bệnh nhân không đủ tiền để mua thuốc theo đơn thì phải làm sao? Thật quá tội cho bệnh nhân nghèo".
Xâu chuỗi vấn đề, bạn đọc Vân Long nhận xét: "Bảo hiểm y tế nhìn chung là tốt, bởi nếu không có bảo hiểm y tế khi nằm viện, bệnh nặng rất tốn kém. Tuy nhiên, hiện nay như báo phản ánh là có và tình trạng diễn ra trầm trọng hơn. Người tham gia bảo hiểm y tế nhiều lúc hụt hẫng. Chỉ cần bệnh viện nói không có thuốc thì bệnh nhân bó tay chứ biết kêu ai, dù bệnh nhân đã có bảo hiểm y tế và được hưởng quyền lợi chính đáng".
Bệnh viện hết thuốc và thuốc nằm ngoài danh mục, bao giờ chấm dứt?
Bạn đọc Hiệp đề nghị: "Bộ Y tế nên xem lại việc đấu thầu thuốc và danh mục thuốc. Người mua bảo hiểm y tế cần có sự công bằng".
Thêm vào, bạn đọc Hùng nêu ý kiến: "Tiền đóng bảo hiểm y tế thì tăng, vậy mà khi người dân đi khám chữa bệnh thì bệnh viện bảo thiếu thuốc. Thậm chí, ống truyền dịch cũng phải đi mua. Vậy là sao?".
Bạn đọc có số điện thoại 0987******28 nêu ý kiến: "Đi khám bảo hiểm y tế thì đợi tới trưa dù đi 6h sáng và cứ phải mua thuốc ngoài.
Khuyến khích mọi người tham gia bảo hiểm y tế nhưng người mắc bệnh không được chăm sóc đúng nghĩa. Cần phải thay đổi ngay để đúng với niềm tin yêu của người dân".
Cũng với những thắc mắc về quyền lợi của người mua bảo hiểm y tế, bạn đọc viet****@gmail.com nêu: "Vậy bảo hiểm có trả tiền lại cho người có bảo hiểm y tế mà không có thuốc phải mua ngoài không? Và người bệnh không có tiền mua thuốc, ảnh hưởng sức khỏe thì ai chịu trách nhiệm? Cần làm rõ vấn đề này".
Cho rằng hiện nay người mua bảo hiểm y tế không được đối xử công bằng, bạn đọc Trường phân tích: "Khám bảo hiểm y tế thì nhiêu khê, nhưng khi khám tự túc ngoại tuyến và dịch vụ thì làm cực nhanh. Theo tôi, đó là bất công với những bệnh nhân nghèo mua bảo hiểm y tế".
Lại một nghịch lý cần có câu trả lời hợp lý, bạn đọc Nam nêu: "Nhà thuốc bệnh viện thì luôn đầy đủ thuốc nhưng giá cao. Còn nhà thuốc bảo hiểm y tế của bệnh viện thì không đủ thuốc hoặc thuốc rất rẻ".
Để giải quyết vấn đề, bạn đọc Hoang gợi ý: "Theo tôi, cần quản lý chặt chẽ việc liên kết của nhà thuốc và bệnh viện. Nếu bảo hiểm y tế không đủ thuốc, nhà thuốc trong bệnh viện bán giá thấp hơn hoặc bằng với nhà thuốc bên ngoài".
Cụ thể hơn, bạn đọc Đức Lợi gợi ý: "Cần phải kiểm tra, rà soát lại việc cung cấp, cấp phát thuốc của bảo hiểm y tế trong các bệnh viện hiện nay. Rất nhiều loại thuốc trong danh mục cấp phát cho bệnh nhân bảo hiểm thường xuyên không có".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận