Ảnh: Huy Huỳnh
Có một sự kiện năm 1978 xảy ra tại xã Ba Chúc (nay là thị trấn Ba Chúc), huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang mà hẳn nhiều người vẫn còn nhớ: quân Khmer Đỏ tràn vào và thảm sát hết sức dã man hơn 3.000 người dân, chứng tích rõ rệt nhất còn để lại chính là vết máu không thể nào bôi xóa được trên một bức tường trong chùa Phi Lai, nơi không biết bao nhiêu gia đình đã chạy vào ẩn náu.
Vậy Ba Chúc ở thời điểm hiện tại có gì lạ?
Nơi đó có những con đường nhỏ "chói chang nắng. Mùi nắng mùi gió, cảnh vật cây cối đều không có gì đặc biệt. Khi đi gần tới ngã ba nhìn cây dầu trăm tuổi ở giữa đường, bạn mới cảm thấy thật sự mình chạm vào Ba Chúc… Những người còn sống sót đều ở xoay quanh ngã ba gần cây dầu".
Nhà văn - giáo viên mỹ thuật ở An Giang - chị Võ Diệu Thanh đã nhiều lần ghé qua Ba Chúc. Tại đây chị lắng nghe rất nhiều câu chuyện của các nạn nhân, từ những người sống sót sau đợt thảm sát và cả những nạn nhân gián tiếp, có người thân bị giết hại. Ký sự Về từ hành tinh ký ức của chị chính là đúc kết từ những cuộc trò chuyện đấy.
Người ta đã nói quá nhiều về Pol Pot, vậy thêm một quyển sách nữa về vấn đề này để làm gì? Chính bản thân tác giả cũng lưỡng lự, chị từng tự nhận là một "kẻ ngoại cuộc" và thường sợ khi nghe nói tới "đốt nhà, cưỡng hiếp".
Nhiều lần chị ghé qua Ba Chúc vì công việc, thi thoảng nghe bạn bè kể về khoảng thời gian đen tối ấy, thường với giọng điệu rất bình thản, như thể điều đó không có gì to tát.
Rồi đến một ngày chị gặp chị Tư Chỉnh, người thoát chết bốn lần ở núi Nước trong trận diệt chủng, đặt câu hỏi rất thẳng thắn: "Sao không ai kể về tôi?".
Tác giả đã rất bất ngờ và sau đó phát hiện không chỉ có chị Chỉnh mà rất nhiều nạn nhân khác đã hỏi câu tương tự, tại sao không có ai kể về họ? Có phải câu chuyện của họ là không đáng được nhắc đến?
Về từ hành tinh ký ức tập hợp lời kể của rất nhiều nhân chứng trong vụ thảm sát Ba Chúc và cả trong các cuộc chiến không tên khác.
Đó là người bác gái của Tư Long cúi xuống lạy bọn giặc xin tha mạng rồi bị một phát súng vào đầu, chết trong tư thế quỳ, phơi ba ngày trong cái nắng tháng ba đổ lửa và chân tay cứng không chỉnh được nữa.
Đó là anh Út Nam đau xót khi nhắc lại cảnh cả gia đình vào hang trên núi trú ẩn, vợ anh đã bụm miệng đứa trẻ đang khóc để không liên lụy mấy chục người trong hang, đứa trẻ đã không trở về, và trường hợp của anh cũng không phải duy nhất.
Đó là mẹ của chị Hưởng đã tự hỏi khi tắm cho xác con gái mình, người ta rọc hàm trước hay đạp bể bầu ngực trước? Con mắt người ta đánh kiểu gì mà văng ra khỏi tròng?
Mọi thứ thảm khốc nhất hiện ra trên từng câu chữ không chỉ để kể cho nhau nghe mà còn để tố cáo thật mạnh mẽ những tội ác chống lại con người.
Trái với suy nghĩ của nhiều người: tài liệu, sách vở về vụ thảm sát này hẳn phải có rất nhiều, lúc nào cũng thấy có vài bài báo và phóng sự được đăng tải. Thực ra hầu hết đó là những câu chuyện của vài trường hợp hay số liệu được nhắc lại nhiều lần.
Về từ hành tinh ký ức do đó là một đóng góp cho lịch sử của một vùng đất từng trải qua thảm sát kinh hoàng.
Đây cũng có thể là một trong những tác phẩm quan trọng nhất của Võ Diệu Thanh, khi chị vượt ra khỏi giới hạn chính mình để cố khắc họa diện mạo của những cái ác nằm ngoài tưởng tượng, và trên hết là để tìm lại tiếng nói cho những số phận dần bị lãng quên, trước khi "tất cả nối đuôi nhau về hố đen vĩnh hằng".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận