Ảnh: N.K.P.
Và Mạ tui là một trong những tự truyện như vậy.
Người mẹ trong Mạ tui là một con người bình thường - rất bình thường, chỉ có "chức vụ" duy nhất là mẹ của chín đứa con, suốt năm tháng chạy chợ "đầu tắt mặt tối, đòn gánh đè vai… bàn tay chai sạn, bàn chân nứt nẻ vì nắng mưa gió chướng"...
Vậy mà qua cuộc đời bà và những người con - kể cả mấy người "con-dâu-hụt" - cũng đều là người bình thường, chúng ta như được gặp lại, được sống lại những năm tháng đầy biến động của dân tộc. Nói cách khác, những con người bình thường trong Mạ tui vẫn chứa đựng một phần lịch sử.
Tác giả Mạ tui (Tự truyện của Nguyễn Viết An Hòa) tên thật là Nguyễn Viết Kế. Trong giáo giới và nhiều thế hệ học sinh, sinh viên - ít ra là ở Huế - Nguyễn Viết Kế là một tên tuổi được kính nể. Từ năm 1974, anh đã là chủ tịch Ban đại diện sinh viên Đại học Sư phạm Huế, cùng thế hệ với nhà văn Trần Thùy Mai, PGS. Bửu Nam…
35 năm (1977-2012) đứng trên bục giảng, anh là người thầy dạy văn được hàng chục ngàn học sinh trung học yêu mến- từ Pleiku Tây Nguyên xa ngái đến các Trường Đặng Huy Trứ, Nguyễn Trường Tộ (Huế).
Với vốn sống đó, trong Mạ tui, có rất nhiều kỷ niệm đẹp ví như cuộc gặp thầy trò "Có thể nào quên" tại Pleiku sau gần 30 năm xa cách, với chuyến bay trở lại Huế có thể là "độc nhất vô nhị" bằng chuyên cơ H.344 của người học sinh cũ đã thành nhân vật nổi tiếng Bầu Đức (sếp Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai) do anh hùng không quân Nguyễn Thành Trung cầm lái!
Tuy vậy, những cuộc tình dang dở trong tự truyện không chỉ khiến Mạ tui thêm sức cuốn hút mà có ý nghĩa xã hội sâu sắc. Các chuyện tình trắc trở của thầy Kế không phải để "câu khách", càng không phải kiểu tình yêu chụp giật hay buông thả, chạy theo danh lợi của không ít người trong giới showbiz từng bị dư luận chỉ trích.
Tình yêu ngang trái của tác giả không thiếu vẻ đẹp mà chính tác giả gọi là "Mối tình thơ" và "Chuyện tình xuân", nhưng rồi bất thành vì sự trớ trêu của thời cuộc, gợi chúng ta nghĩ đến bao điều về thân phận con người trước những đổi thay trên bàn cờ chính trị, về sự ràng buộc tình yêu đôi lứa vì tín ngưỡng tôn giáo…
Ví như mối tình đầu với một nữ sinh Đồng Khánh, vào lúc "giao thời" của lịch sử Việt Nam: Năm 1974, chàng vay tiền mẹ nàng để tổ chức Đêm Sư phạm hàng năm vào dịp Tết, dự tính khi nhận học bổng sinh viên sẽ trả.
Nhưng ai ngờ, sau 26-3-1975, "Huế giải phóng và… học bổng sinh viên cũng được "giải phóng" luôn!". Ban đại diện thì chỉ mình chàng ở lại Huế "chịu trận". Thế là Mạ phải "bán gần hết tra lúa được chừng gần một cây vàng" cho con trả nợ. "Làm cái Ban đại diện chi cho khổ cả nhà rứa con ơi!... Trời ơi là trời, trời không có mắt !"
Quả là chỉ có kêu… Trời, chứ biết hỏi ai? Biết trách ai bây chừ!
Lần thứ hai, với người đẹp là Tôn nữ (dòng dõi Tôn Thất), đặc biệt hơn nữa là thân phụ nàng đang phải "cải tạo" ở Bình Điền! Vậy mà đôi bên đã vượt qua bao nghi ngại, cho làm lễ ăn hỏi, nhưng sự đời, ai học hết chữ "ngờ"!
Đúng lúc chàng và nàng tình ngày làm lễ cưới thì tin như "sét đánh ngang tai": Chính quyền "quyết định trưng thu ngôi nhà, vườn tược 2000 mét vuông, chỉ để lại căn bếp và 100 mét vuông cho gia đình, mẹ em đã ngất xỉu…" Thế là tan nát một mối tình đẹp vì "với ba em, tui là "cán bộ Đoàn, người của cách mạng".. Ta đành phụ nhau em ơi!..."
Cũng chỉ có kêu… Trời, chứ biết hỏi ai để phân giải được sự đúng-sai? Biết trách ai đã làm cho đôi trẻ khóc hết nước mắt vì biệt ly bây chừ!
Tác giả còn "trắng tay" trong cuộc tình lần thứ ba vì gia đình anh theo đạo Phật mà nàng là tín hữu Ki tô giáo; rồi lần bốn…
Nhưng thôi, chỉ hai cuộc "lỡ đò" ở trên cũng đủ để chúng ta phải suy ngẫm về những bất trắc và sự "vô thường" trên đường đời không phải lúc nào cũng êm đẹp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận