05/04/2016 08:34 GMT+7

Vẻ đẹp của chuyện “xử phạt”...

LÊ ĐỨC DỤC
LÊ ĐỨC DỤC

TTO - Tai nạn giao thông đang là một vấn nạn của đất nước. Ứng xử thế nào để người vi phạm ý thức hơn trong việc chấp hành Luật giao thông hơn là việc rút ra tờ biên lai ghi số tiền phạt là điều đáng bàn.

Nếu buổi chiều ngày 1-4 vừa qua, cảnh sát giao thông (CSGT) ở Đà Nẵng khi phát hiện hai cô gái chạy xe vào đường ngược chiều và chỉ cần ra hiệu lệnh dừng xe, đọc cho người vi phạm nghe: “Căn cứ vào điểm i, khoản 4, điều 6 nghị định số 171/2013/NĐ-CP ngày 13-11-2013 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, bị phạt tiền từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: i) Đi vào đường cấm, khu vực cấm; đi ngược chiều của đường một chiều...”.

Và sau đó là xử phạt các cô gái đúng như luật pháp quy định, chắc hẳn câu chuyện này cũng sẽ lãng quên như hàng ngàn trường hợp vi phạm giao thông mỗi ngày trên cả nước.

Nhưng những CSGT của Đà Nẵng đã không làm thế, thay vì phạt tiền, họ đã để cho người vi phạm ngồi chép phạt 50 lần câu “Tôi hứa sẽ không đi ngược chiều nữa”.

Và khi hình ảnh cô gái ngồi chép phạt xuất hiện trên mạng đã khiến cộng đồng mạng “dậy sóng”. Rất nhiều người bày tỏ sự thích thú với việc “phạt lạ” này nhưng cũng có nhiều ý kiến cho rằng việc xử phạt này không đúng quy định, không nên cổ súy cho việc phạt kiểu này.

Mỗi bên đều có lý lẽ của mình để bảo vệ quan điểm, tuy nhiên cách mà những CSGT Đà Nẵng đã làm lại có vẻ thuyết phục được số đông. Bởi luật pháp, suy cho cùng là do chính con người tạo ra để phục vụ con người.

Luật giao thông là để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện đi lại trên đường, bất đắc dĩ mới dùng tới hình thức xử phạt. Và xử phạt là biện pháp cuối cùng nhằm giáo dục ý thức tham gia giao thông.

Khi áp dụng hình thức chép phạt với người vi phạm, rõ ràng những CSGT Đà Nẵng đã ưu tiên cho việc giáo dục ý thức tham gia giao thông cho người vi phạm chứ không đặt nặng việc phạt tiền.

Từ câu chuyện “phạt lạ” của CSGT Đà Nẵng, chúng ta mới nhớ lại rất nhiều câu chuyện nhân văn và thú vị khác của CSGT ở thành phố này: Đó là chuyện hồi tháng 11 năm ngoái, chính những CSGT của Đà Nẵng đã tổ chức sinh nhật cho cậu bé 11 tuổi bị ung thư máu Đỗ Tuấn Dũng bằng cách cho em được trở thành một CSGT như ước mơ của em.

Cũng năm ngoái, một bạn trẻ lên Facebook kể chuyện vi phạm giao thông và thay vì xử phạt, sau khi nhắc nhở về vi phạm, các CSGT đã yêu cầu bạn trẻ này đi mua ủng hộ cho một cụ bà bán dạo mấy thỏi kẹo cao su.

Và rất nhiều người khác cũng đã kể về những lần vi phạm giao thông do lần đầu đến thành phố này, chưa hiểu hết các quy định, và thay vì bị phạt, họ đã được đối xử thân tình, nhắc nhở nhẹ nhàng.

Tôi vẫn tin rằng chính vẻ đẹp của sự ứng xử ấy sẽ khiến người vi phạm sau đó ý thức trong việc chấp hành Luật giao thông hơn là việc rút ra tờ biên lai ghi số tiền phạt.

Tai nạn giao thông đang là một vấn nạn của đất nước. Câu chuyện những CSGT ở nơi này nơi kia nhận mãi lộ không phải đã chấm dứt. Khi ở vài nơi vẫn có tình trạng CSGT đã giữ gìn trật tự giao thông bằng cách chủ yếu là... phạt, thì những câu chuyện của CSGT Đà Nẵng khiến chúng ta thấy ấm lòng và tin cậy.

Sống ở một địa phương có những CSGT như vậy chắc chắn là mong ước của nhiều người. Làm được như CSGT Đà Nẵng có khó không? Chắc cũng không quá khó! Không quá khó, nhưng tại sao vẫn là chuyện hiếm ở nước mình?

LÊ ĐỨC DỤC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên