14/12/2018 09:38 GMT+7

Vẽ chân dung 'lớp học hạnh phúc'

VĨNH HÀ
VĨNH HÀ

TTO - Hàng loạt câu chuyện không vui xuất hiện trong học đường vừa qua khiến nhiều người hoang mang với câu hỏi 'điều gì đang diễn ra trong các nhà trường?'. Có 'lớp học hạnh phúc' không và nó như thế nào?

Vẽ chân dung lớp học hạnh phúc - Ảnh 1.

Một tiết học sinh động và tràn đầy tiếng cười ở lớp 5 Trường tiểu học Điện Biên (quận 10, TP.HCM) khi giáo viên thực hiện phương pháp dạy học cá thể - Ảnh: H.HG.

Vẽ chân dung "lớp học hạnh phúc" là một cách nói hình tượng cho việc đi tìm giải pháp để giúp các thầy, cô giáo vượt lên áp lực, khó khăn. 

Sự thay đổi tích cực trong hành động của các thầy, cô giáo là cách để họ có thể tạo dựng lên những lớp học mà ở đó học sinh tìm thấy sự an toàn, ấm áp yêu thương.

Áp lực bủa vây

"Tôi nói thật, tiết học đầu giờ bước vào lớp có đến 50% học sinh nằm rạp ngủ vì giờ học bắt đầu quá sớm. Sự miễn cưỡng, đối phó của học sinh thể hiện rõ. 

Biết là dạy cũng không vào đầu học sinh nhưng không thể ngừng lại để tìm một cách nào đó thay đổi vì giờ học quy định cứng, kéo theo là những công việc khác, những mục tiêu giáo viên phải đạt, những việc phải đáp ứng cho đủ yêu cầu khi có kiểm tra chuyên môn… 

Trong bối cảnh đó, thầy cô cũng không thể hạnh phúc thì làm sao có thể giúp học sinh hạnh phúc được" - một giáo viên THPT ở Hà Nội đã chia sẻ trong câu chuyện "làm gì để có một lớp học hạnh phúc".

Nhận xét của cô giáo này chỉ nói lên một phần mâu thuẫn giữa yêu cầu giáo dục học sinh và mục tiêu "làm gì để học sinh hạnh phúc". Bởi gây áp lực, mắng mỏ, dọa dẫm, phạt bằng các hình thức khác nhau - điều đang được một bộ phận giáo viên áp dụng để rèn nề nếp, ý thức học tập của học sinh - lại rất có thể khiến giáo viên bị lên án, kỷ luật nếu nảy sinh khiếu kiện. Và thực tế sự "dọa nạt" cũng chỉ khiến học sinh chịu áp lực, không thể có sự hứng khởi, không thể hạnh phúc khi bước chân vào lớp.

Cô Nguyễn Thị Thu Anh - hiệu trưởng Trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành, Hà Nội - nhận định có nhiều áp lực tác động lên giáo viên hiện nay, góp phần dẫn tới tình trạng giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo như việc thanh tra, kiểm tra, đánh giá, sát hạch trong hệ thống giáo dục đè nặng lên các nhà trường với những chỉ tiêu về học sinh giỏi, hạnh kiểm tốt, tỉ lệ lên lớp, đậu tốt nghiệp 100%... chủ yếu được đánh giá qua điểm số. Ngoài ra là đòi hỏi của phụ huynh về chất lượng giáo dục cũng chủ yếu qua điểm số.

Nhưng theo cô Thu Anh, áp lực lớn hơn và trực tiếp tác động đến giáo viên lại chính là học sinh trong các tình huống khác nhau. Cụ thể là hành vi, thái độ không chuẩn mực của một số học sinh khiến giáo viên bị ức chế. 

Trong khi công việc của giáo viên hiện nay rất nặng nề, năng lực giải quyết khủng hoảng của giáo viên không tốt, không được chia sẻ, hỗ trợ từ lãnh đạo, đồng nghiệp dẫn đến những ứng xử tiêu cực.

Dạy dỗ, dọa dẫm hay phải làm gì?

Trên một diễn đàn giáo viên, công thức 4D được một thầy giáo chia sẻ gồm "Dạy - Dỗ - Dụ - Dọa" và cho rằng đó là cách an toàn, vừa đạt được mục đích giáo dục vừa không phạm vào việc "bạo hành". Nhưng có nhiều ý kiến cho rằng "dọa" cũng là bạo hành tinh thần. 

"Nghề giáo quá nhiều rủi ro vì bất cứ lúc nào cũng có thể bị kiện. Một giám đốc tát nhân viên nhưng cũng không bị lên án gay gắt bằng một giáo viên có hành vi đánh học sinh. Cho dù đây đều là hành động sai trái, vi phạm nhân quyền. Chung quy chỉ vì nghề giáo là "nghề cao quý" thì phải bị ứng xử khắc nghiệt" - một giáo viên trên diễn đàn này chia sẻ cay đắng.

Cô Nguyễn Kim Anh - giáo viên Trường THPT Phan Huy Chú, Hà Nội - cho rằng ngôi trường/lớp học hạnh phúc là làm cho học sinh thấy hạnh phúc khi học tập và bên nhau. Một trong những điều hạnh phúc nhất của đời người là được sống trong sự công bằng. Hạnh phúc của môi trường giáo dục cũng vậy, cần có sự công bằng. 

Hạnh phúc là mỗi cá nhân hoàn thành trách nhiệm học tập và rèn luyện của mình. Có thể có những điểm chưa đạt yêu cầu thì được ở trong hạnh phúc bằng sự nâng đỡ, khích lệ. Hạnh phúc của những người sống có trách nhiệm chứ không phải hạnh phúc của người lười nhác, buông xuôi.

Một trong những giải pháp không quyết liệt nhưng lại có sức lan tỏa được thực hiện ở một số trường phổ thông tại Hà Nội là việc giáo dục giá trị sống bằng rất nhiều hình thức sáng tạo. 

"Những chủ đề nhân văn sẽ giúp hình thành ở học sinh sự chia sẻ, yêu thương, biết ơn… Và khi hướng dẫn học sinh trong các hoạt động giáo dục lòng nhân ái, giáo viên cũng phải điều chỉnh thái độ, việc làm theo những giá trị mà họ đang đồng hành" - cô Thu Anh trao đổi.

Giá như cô chấp nhận con tôi chỉ trung bình

Theo đúng phân tuyến của phòng GD-ĐT, con tôi được vào học ở một trường tiểu học nổi tiếng trong quận. Vì là trường nổi tiếng nên lớp của cháu có đến 54 học sinh. Học sinh lớp 1 nên tinh thần kỷ luật hầu như không có và tôi biết cô chủ nhiệm đã rất vất vả.

Học được 2 tuần, cô giáo yêu cầu con tôi ở lại sau giờ ra về để học phụ đạo với cô (cô dạy miễn phí cho gần 10 học sinh mà theo như cô nói là "quá yếu"). Đúng là con tôi hơi chậm thật, cháu cũng nhát, ít nói chứ không lanh lợi như bạn bè đồng trang lứa.

Một phần cũng bởi tôi không cho bé học chữ trước khi vào lớp 1. Năm ấy lớp của con tôi "có đến 14 học sinh mang "cái đầu trắng" vào lớp 1, đến chữ cái mà cũng nhầm lẫn, quên trước quên sau" - trích nguyên văn câu nói của cô.

Sau khi nghe cô than, tôi cũng cố gắng kèm con mình nhưng hiệu quả không như cô chủ nhiệm mong muốn. Rồi không hiểu sao cứ buổi sáng chuẩn bị đi học là con tôi bị đau bụng, chóng mặt… Sau đó tôi mới phát hiện là cháu rất sợ đi học, rất sợ phải gặp mặt cô chủ nhiệm. Tìm hiểu thêm, tôi mới biết ngày nào cháu cũng bị cô cho ăn đòn vì cái tội viết chậm, đọc chậm, làm toán chậm…

Tôi về hỏi con nhưng cháu lặng im, hai hàng nước mắt ứa ra nhìn thật tội nghiệp. Tôi gặng hỏi thì cháu òa khóc, nói rằng: "Cô không thương con. Cô thường xuyên la con và đánh con...".

Tôi vào lớp nói chuyện với cô, cô giáo kể ra hàng loạt "tội" của con tôi. Rằng cả chục năm đứng lớp, cô chưa bao giờ gặp học sinh nào yếu như vậy. Cô nói rằng: cô đã làm khối trưởng khối lớp 1 cả chục năm nay, năm nào lớp cô cũng đạt 100% khá, giỏi, nếu không cố gắng con tôi sẽ chịu loại trung bình.

Tôi có đề đạt rằng: tôi cũng sẽ kèm cho cháu nhưng sức học của cháu trung bình thì phải chấp nhận loại trung bình. Nhưng cô không chịu, vì như thế sẽ mất mặt cô lắm, giáo viên giỏi cấp thành phố như cô thì không thể có học trò học lực trung bình.

Tiếp xúc với cô, tôi biết cô là người tâm huyết, cô có một mong ước lớn nhất là học sinh của cô phải giỏi. Nhưng từ mong ước ấy, cô truyền áp lực lên vai học sinh. Cùng với sự nóng ruột, cô đã hành hạ học sinh bằng cách đánh, mắng, làm cho cháu xấu hổ với bạn bè khi đa số các bạn trong lớp đều nói: bạn V. (con tôi) học dở nhất lớp.

Hết học kỳ 1 năm ấy, không thể chịu nổi cảnh con đến trường với những giọt nước mắt ngắn dài đầy đau khổ và tâm tư, tôi xin chuyển trường cho con mình. Tôi đã hỏi thăm và cho cháu học một trường bình thường trong quận, bởi cô giáo ở trường mới chấp nhận lực học trung bình của cháu mà không ép cháu phải trở thành học sinh giỏi.

Tâm sự của bà N.T.T.Đ. (phụ huynh ở TP.HCM)

H.HƯƠNG ghi

Cô giáo nói lý do phạt học sinh 231 cái tát vì áp lực thi đua Cô giáo nói lý do phạt học sinh 231 cái tát vì áp lực thi đua

TVO - Cô giáo Nguyễn Thị Phương Thủy, chủ nhiệm lớp 6/2, Trường THCS Duy Ninh (Quảng Bình) đã có những giải trình ban đầu về việc đưa ra hình phạt là cả lớp cùng tát em Hoàng Long Nhật vì nói tục.

VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên