30/12/2014 09:06 GMT+7

Vang dậy Tiếng gọi non sông

ÐỨC TRIẾT
ÐỨC TRIẾT

TT - Ðêm công diễn 27-12-2014, rạp Hồng Hà vừa kín chỗ tầng 1. Dù đêm đông giá rét nhưng nhiều khán giả dắt theo các em nhỏ đến xem và lý giải: “Cho các cháu đi xem để học lịch sử dân tộc”.

Trai anh hùng (Ngô Quyền, NSƯT Xuân Quý đóng) - gái thuyền quyên (Như Ngọc, nghệ sĩ Kiều Oanh) trong vở Tiếng gọi non sông - Ảnh: Đức Triết

Nhà hát Tuồng VN vừa ra mắt vở tuồng lịch sử Tiếng gọi non sông. Vở tuồng được mở ra từ câu chuyện tiết độ sứ Dương Ðình Nghệ ốm nặng, quyết định trao quyền cho con rể là Ngô Quyền đang trấn ở Ái Châu.

Dẫu Dương Tam Kha (con trai Dương Ðình Nghệ) thuận lòng nhưng Kiều Công Tiễn - một nha tướng - vẫn đến giết hại ông để cướp chức tiết độ sứ, đồng thời bắt giam Dương Thị Như Ngọc (vợ Ngô Quyền) rồi quay sang cầu cứu viện binh phương Bắc - quân Nam Hán.

Trước những biến động sâu sắc của nội tình đất nước, ở Ái Châu Ngô Quyền đã phải tự đưa ra quyết định cho riêng mình: mặc nghĩa công để trả thù riêng hay vì nghĩa công quên thù riêng?

Tiếng gọi non sông đã vang dậy từ nút thắt ấy để người anh hùng dân tộc Ngô Quyền có những quyết sách xoay chuyển tình thế, cuối cùng không chỉ dẹp xong nội loạn mà ông còn làm nên một chiến thắng “vô tiền khoáng hậu” - trận Bạch Ðằng Giang (năm 938)...

Sau bản dựng của những năm 1962, 1978, dịp này Tiếng gọi non sông (tác giả: Kính Dân, đạo diễn: Ðặng Bá Tài) mang nhiều hơi thở mới.

Ấy là, cùng với việc khắc họa đậm khí phách, tài năng của vị anh hùng dân tộc Ngô Quyền thì đạo diễn đã cố gắng đem lại những khoảng suy tư, trăn trở, thậm chí là cả cuộc đấu tranh trong nội tâm của ông trước thù riêng - nghĩa chung.

Hay như nhân vật Kiều Công Chuẩn mang những nỗi dằn vặt nên chọn theo con đường phản bội Tổ quốc mà cha anh ta (Kiều Công Tiễn) đang theo hay đành bất hiếu để giữ trọn tấm lòng trung trinh với Tổ quốc đã làm vở diễn không dừng lại ở một bản hùng ca mà trở nên gần gũi với cuộc sống, con người hôm nay.

Và cái mới còn được đẩy cao khi phần âm nhạc có sự kết hợp táo bạo với những khoảng dành riêng cho giai điệu hát ru, tiếng sáo, tiếng kèn nói hộ tâm can nhân vật.

Và thành công của vở diễn còn được thể hiện rõ nét ở dàn nghệ sĩ tâm huyết với nghề.

Ở đây, ngoài NSƯT Hán Văn Tình tiếp tục trở lại với vai Kiều Công Tiễn thì tất cả đều là những gương mặt mới như NSƯT Xuân Quý (Ngô Quyền), nghệ sĩ Kiều Oanh (Như Ngọc), nghệ sĩ Trịnh Thế Thủy (Kiều Công Chuẩn), nghệ sĩ Ðình Nam (Dương Ðình Nghệ), nghệ sĩ NSƯT Văn Thủy (Ðinh Công Trứ)...

Nhưng trong “hơi thở mới” ấy có lẽ vở diễn sẽ tròn trịa hơn nếu như mạch chảy của vở nhanh hơn, mạnh mẽ hơn, khoáng đạt hơn, phần trang trí sân khấu bắt mắt hơn, sinh động hơn và các nghệ sĩ vào vai “ngọt” hơn nữa...

Ông Phạm Ngọc Tuấn - giám đốc Nhà hát Tuồng VN - cho biết sau đêm công diễn này, vở tuồng sẽ tiếp tục được biểu diễn vào dịp Tết Ất Mùi tại rạp Hồng Hà và các huyện ngoại thành Hà Nội.

ÐỨC TRIẾT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên