22/11/2016 18:04 GMT+7

Văn miếu Trấn Biên ngày nhận bằng di tích quốc gia

Tin: THANH ĐỨC, ảnh: CHÍ HÀO
Tin: THANH ĐỨC, ảnh: CHÍ HÀO

TTO - Sáng nay, 22-11, Trung tâm Văn miếu Trấn Biên (TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) tổ chức lễ đón nhận bằng di tích lịch sử cấp quốc gia Văn miếu Trấn Biên...

Các bạn đoàn viên thanh niên giao lưu tại chương trình phân tích ý nghĩa của chiếc nón lá, cây đèn dầu, bánh tét,… cùng diễn giả Hồ Nhựt Quang
Các bạn đoàn viên thanh niên giao lưu tại chương trình phân tích ý nghĩa của chiếc nón lá, cây đèn dầu, bánh tét,… cùng diễn giả Hồ Nhựt Quang

Đồng thời trung tâm cũng tổ chức chương trình tìm hiểu văn hóa Nam Bộ nhân kỷ niệm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam lần thứ 12.

Nếu như đất Bắc có Văn miếu Quốc tử giám làm rạng danh thì phương Nam có Văn miếu Trấn Biên nêu cao đất học, khí phách con người Nam Bộ, thành đồng Tổ quốc.

Hơn 300 năm hình thành và phát triển, những giá trị văn hóa lịch sử của Văn miếu Trấn Biên đã trở thành một biểu tượng của tâm hồn và khí phách vùng đất Biên Hòa, Đồng Nai.

Cùng nhìn lại chặng đường hơn 3 thế kỷ, Trung tâm Văn miếu Trấn Biên đã phối hợp cùng Câu lạc bộ Nghiên cứu và Vinh danh Văn hóa Nam Bộ tổ chức chương trình biểu diễn nghệ thuật tái hiện lại những giá trị văn hóa, lịch sử, ca ngợi truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo, ca ngợi những danh nhân văn hóa đã làm nên hồn thiêng sông núi phương Nam như Võ Trường Toản, Bùi Hữu Nghĩa, Nguyễn Đình Chiểu,…

Thông qua những loại hình nghệ thuật truyền thống đậm chất Nam Bộ như cải lương, đờn ca tài tử, các loại hình sân khấu truyền thống,… nghệ sĩ Xuân Lan, Diệu Thanh, Tiến sĩ - nhạc sĩ Hải Phượng, Thạc sĩ - NSƯT Huỳnh Khải cùng nhiều nghệ sĩ trẻ khác đã làm sống lại dòng chảy bi hùng của văn hóa phương Nam.

Phần diễn thuyết và giao lưu trực tiếp tại chương trình của diễn giả văn hóa Hồ Nhựt Quang đã giúp khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ, được tận tay đếm số vành nan tre trên chiếc nón lá và khám phá ý nghĩa của nó, phân tích ý nghĩa của chiếc đèn dầu một cách trực quan sinh động hay lý giải nguyên tắc bày biện trên bàn thờ tổ tiên “Đông bình Tây quả”, lý giải ý nghĩa của chiếc bánh tét ở miền Nam…

Qua đó, chương trình hướng đến giáo dục các bạn trẻ cùng chung tay gìn giữ, phát huy nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam; đồng thời tin tưởng phó thác trọng trách đó lên vai thế hệ trẻ.

Khán giả tại chương trình còn được tham quan triển lãm 28 tượng chân  dung, chủ đề “Sống mãi với thời gian” về hình ảnh các danh nhân văn hóa, lịch sử được thờ phùng tại Văn Miếu do nghệ nhân Kim Thanh và Nguyễn Sang thực hiện.

Phát biểu tại chương trình, ông Trần Trung Tuyến, Phó Giám đốc Trung tâm Văn miếu Trấn Biên, cho biết: Văn Miếu là mạch nguồn nối liền truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo, uống nước nhớ nguồn; là công trình kiến trúc nghệ thuật đặc sắc mang đạm tính dân tộc và hiện đại; môi trường tự nhiên và không gian văn hóa hài hòa, mang đậm cốt cách của con người và vùng đất phương Nam.

Với những giá trị lịch sử và văn hóa đó, Văn miếu Trấn Biên được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử theo Quyết định 2894/QĐ-BVHTTDL ngày 18-8-2016.

Trích đoạn Di mộ ân sư
Trích đoạn Di mộ ân sư
Tiến sĩ nhạc sĩ Hải Phượng
Tiến sĩ nhạc sĩ Hải Phượng
Văn miếu Trấn Biên long trọng làm lễ đón nhận bằng di tích cấp quốc gia
Văn miếu Trấn Biên long trọng làm lễ đón nhận bằng di tích cấp quốc gia
Nhiều nghệ sĩ tham dự lễ nhận bằng và biểu diễn văn nghệ trong chương trình tìm hiểu văn hóa
Nhiều nghệ sĩ tham dự lễ nhận bằng và biểu diễn văn nghệ trong chương trình tìm hiểu văn hóa
Trích đoạn Tạ ơn thầy
Trích đoạn Tạ ơn thầy
Tin: THANH ĐỨC, ảnh: CHÍ HÀO
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên