18/07/2014 05:35 GMT+7

Vẫn kiên quyết "xử" giáo viên

NGỌC TÀI
NGỌC TÀI

TT - Ngày 17-7, Sở GD-ĐT Bến Tre tiếp tục có văn bản yêu cầu các phòng GD-ĐT huyện, thành phố, các đơn vị trực thuộc sở thực hiện nghiêm văn bản ban hành trước đó về việc xử lý giáo viên tiếng Anh chưa đạt chuẩn.

Giáo viên sốt vó lo... luyện thi tiếng AnhTrình độ giáo viên tiếng Anh còn thấpTP.HCM: ưu tiên tuyển giáo viên tiếng Anh đạt chuẩn

Oz2yJqb3.jpg
iNesYmfU.jpg
Ảnh: N.Tài
Văn bản này được đưa ra trong bối cảnh văn bản cũng do chính Sở GD-ĐT Bến Tre ban hành hồi đầu tháng 7-2014 về việc xử lý giáo viên không đạt chuẩn tiếng Anh đang bị các giáo viên phản ứng.

EMCO vi phạm hợp đồng

Về gói thầu bồi dưỡng nâng chuẩn tiếng Anh, ông Lý Chí Hùng - trưởng phòng kế hoạch tài chính Sở GD-ĐT Bến Tre - cho biết hợp đồng với Công ty cổ phần Học liệu (EMCO) được ký kết sau khi đã mời thầu theo phương thức chào hàng cạnh tranh. EMCO đáp ứng những yêu cầu mà gói thầu đặt ra như giáo viên giảng dạy, thời lượng, giáo trình với mức giá gần 12 triệu đồng/học viên (học phần có tổng cộng 543 tiết) và đây cũng là mức giá thầu thấp nhất.

Tuy nhiên, sau đó EMCO đã vi phạm hợp đồng khá nhiều. Cụ thể, trong một cuộc họp diễn ra ngày 22-11-2013 giữa Sở GD-ĐT, đại diện EMCO và các giáo viên tiếng Anh tham dự chương trình bồi dưỡng, Sở GD-ĐT Bến Tre đã chỉ ra việc EMCO vi phạm nhiều điều khoản trong hợp đồng như giảng viên đứng lớp không đúng với danh sách giảng viên mà EMCO giới thiệu trong hồ sơ mời thầu trước đó. EMCO chỉ cho học viên sử dụng tài liệu photo trong khi cam kết với sở là sử dụng tài liệu gốc, sử dụng tài liệu giảng dạy không đúng với tài liệu giới thiệu trong hồ sơ thầu...

"Việc giáo viên không vượt qua kỳ thi không thể đỗ lỗi cho EMCO. EMCO làm sai, chúng tôi đã yêu cầu họ khắc phục"

ÔngLÊ NGỌC BỮU

Tại cuộc họp, các học viên cũng đã chỉ ra rất nhiều khuyết điểm của đội ngũ giảng viên EMCO như giảng viên thường xuyên viết sai chính tả. Giảng viên khẳng định họ chỉ là người phát tài liệu và hỗ trợ người học chứ không phải người dạy. Học viên yêu cầu giải thích cấu trúc ngữ pháp nhưng giảng viên lại trả lời hình như đây là cấu trúc rút gọn hay cái gì đó. Một giảng viên bản ngữ tự giới thiệu mình có kinh nghiệm nhiều năm làm actor (diễn viên).

Xử lý nghiêm

Dạy chủ yếu là “câu giờ”

Một chuyên viên của Sở GD-ĐT Bến Tre cũng thừa nhận những phản ảnh của giáo viên là có cơ sở. Vị này dẫn chứng vào tiết dự giờ thầy D. (một giảng viên bản ngữ): “Thầy D. không có một chút gì về kiến thức sư phạm và tôi nghi ngờ thầy chưa qua một trường lớp đào tạo bài bản nào. Bởi vì học viên viết nhiều từ sai, cấu trúc sai nhưng thầy D. không sửa. Thầy dạy chủ yếu là kéo dài thời gian. Tôi canh giờ thì có đến 15 phút đầu tiên thầy D. cứ ngồi đó mà chưa có dạy gì hết”.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Ngọc Bữu - giám đốc Sở GD-ĐT Bến Tre - thừa nhận trong sáu tuần đầu tiên EMCO làm sai hợp đồng khi đưa đội ngũ giảng dạy, tài liệu giảng dạy không đạt chuẩn như hợp đồng. Tuy nhiên, ông Bữu vẫn giữ quan điểm “các giáo viên không thể đổ lỗi cho EMCO” và vẫn phải xử lý nghiêm.

Và đúng như vậy, ngày 17-7 Sở GD-ĐT Bến Tre tiếp tục ban hành một công văn mới. Công văn này yêu cầu các phòng GD-ĐT huyện, thành phố, các đơn vị trực thuộc sở thực hiện nghiêm túc công văn trước đó sở ban hành về việc nhận xét, đánh giá giáo viên, chuẩn nghề nghiệp và xử lý đối với giáo viên được cử đi học, bồi dưỡng tiếng Anh mà không đạt yêu cầu, bỏ học, bỏ thi và vi phạm quy chế.

Trong công văn ban hành đầu tháng 7-2014, Sở GD-ĐT Bến Tre yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm các vấn đề như: không xét danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng đối với các cá nhân không hoàn thành nhiệm vụ được sở cử đi học bồi dưỡng các lớp nâng chuẩn tiếng Anh; các giáo viên không thi đậu trong kỳ thi nâng chuẩn tiếng Anh cũng như các giáo viên chưa được cử đi bồi dưỡng nâng chuẩn lên B2 và C2 đều bị đánh giá chưa đạt chuẩn nghề nghiệp; xử lý kỷ luật đối với giáo viên không tham gia học đầy đủ, bỏ thi, bị hủy kết quả bài thi và bồi thường kinh phí đào tạo theo quy định...

LTS: Những ngày qua, Tuổi Trẻ nhận được nhiều thư kêu cứu của giáo viên đang học nâng cao trình độ tiếng Anh theo đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020” của tỉnh Bến Tre (bài “Giáo viên sốt vó lo... luyện thi tiếng Anh”, Tuổi Trẻ ngày 17-7). Chúng tôi trích đăng một trong những lá thư đó mà người viết nhờ chuyển đến Bộ trưởng Bộ GD-ĐT.

Kính gửi đồng chí Bộ trưởng Bộ GD- ĐT Phạm Vũ Luận,

Chúng tôi, hàng trăm giáo viên dạy môn tiếng Anh ở tỉnh Bến Tre, đang phải chịu cảnh khốn đốn, không biết cầu cứu ở đâu nên cuối cùng mới quyết định gửi đến đồng chí những lời tâm sự tận đáy lòng, rất tha thiết đồng chí dành chút ít thời gian đọc và hiểu được hoàn cảnh mà giáo viên chúng tôi đang cam chịu.

Cách đây khoảng ba năm theo đề án giáo dục, chúng tôi là những giáo viên tiếng Anh được thông báo tập hợp về Sở GD-ĐT khảo sát tiếng Anh theo chuẩn châu Âu. Kết quả, chỉ một giáo viên đạt B2. Chúng tôi rất mừng vì lâu nay môn tiếng Anh chưa được quan tâm nhiều, mãi cho tới bây giờ chúng tôi mới có cơ hội, thật sự ai cũng phấn khởi vì ai cũng nghĩ tương lai sẽ được bồi dưỡng để nâng cao trình độ giảng dạy.

Rồi cơ hội cũng đến, chúng tôi được Sở GD-ĐT tỉnh Bến Tre cho đi học (chúng tôi không ai gửi đơn xin đi học). Năm 2012, một đợt nâng chuẩn B1 do Sở GD-ĐT thuê Công ty Shane bồi dưỡng, chúng tôi đã được học rất nhiều điều mới lạ mà trước đây chưa từng được học. Sau cuối đợt học, công ty tổ chức kiểm tra, đánh giá và hầu hết chúng tôi đều đạt chuẩn B1 theo yêu cầu của Sở GD-ĐT đưa ra. Một số giáo viên có kinh tế khá đã tự đăng ký thi (1,1 triệu đồng/lần thi) và nhiều người cũng đạt chuẩn B1 của Cambridge ở giai đoạn 1.

Ngày 28-10-2013, chúng tôi mới có quyết định triệu tập lên tỉnh học nâng chuẩn B2. Chúng tôi rất háo hức, nhưng đợt học này Sở GD-ĐT mời Công ty EMCO bồi dưỡng cho chúng tôi. Chúng tôi quá thất vọng vì sau một tuần học, công ty này không hề cung cấp cho chúng tôi được ít nào kiến thức. Vì thế chúng tôi bốn lớp học đã làm đơn kiến nghị Sở GD-ĐT về tình hình học không hiệu quả. Suốt bốn tuần chúng tôi không học được gì cả. Giảng viên không có tí gì kiến thức về nội dung thi FCE. Sau sáu tuần “tranh đấu” với Sở GD-ĐT, một cán bộ của sở đã dự giờ môn viết của một thầy nước ngoài, chỉ sau 15 phút dự giờ vị cán bộ này cũng nhận xét thầy dạy quá tồi. Sau lần đó chúng tôi nghỉ hai tuần để Sở GD-ĐT giải quyết. Tiếp đó, chúng tôi trở lại học cho đến ngày 25 Tết Nguyên đán và giảng viên vẫn là của Công ty EMCO chi nhánh ở Hà Nội và cũng không hiệu quả. Đến ngày 8-3 vừa qua, bốn lớp chúng tôi (khoảng 200 giáo viên) thi. Và đồng chí thử tưởng tượng xem, không có một giáo viên nào đạt chuẩn B2.

Chúng tôi là người trực tiếp tham gia học tập, ai cũng cố gắng hết sức: vừa học, vừa gia đình, vừa dạy ở trường, hoàn thành nhiệm vụ, thi tay nghề, rồi tham gia đầy đủ và vượt trội tất cả các hoạt động ngoại khóa ở trường... thì cuối năm mới xét thi đua. Trường và Phòng GD-ĐT đã xác minh thi đua và tôi cũng là giáo viên nhiều năm liền đạt chiến sĩ thi đua cơ sở. Vậy mà công văn của “Sở GD-ĐT tỉnh Bến Tre ngày 7-7-2014 v/v nhận xét đánh giá giáo viên, chuẩn nghề nghiệp và xử lý giáo viên....” đã cắt tất cả danh hiệu thi đua của tôi chỉ vì lý do chưa đạt chuẩn B2 (tôi đã đạt B1). Sở còn “cho” chúng tôi thêm hai tuần ôn thi và bắt buộc chúng tôi tự đăng ký và đóng tiền lệ phí thi, nếu ai không đậu phải bồi thường học phí cho sở.

Chúng tôi đi học hầu như ai cũng bỏ tiền túi ra nhiều vì sự hỗ trợ chỉ là phần nào, bây giờ sở đòi tiền lại thì tiền đâu chúng tôi trả, gia đình tôi phải ra sao? Trong khi chúng tôi tốt nghiệp ĐH, CĐ đều bằng loại giỏi và nhiều năm liền là giáo viên giỏi cấp huyện, chương trình trong sách giáo khoa chúng tôi truyền đạt cho học sinh đầy đủ. Vậy tại sao phải ép chúng tôi như vậy? Sở còn ra lệnh cho Phòng GD-ĐT huyện cắt mọi thi đua của anh em chúng tôi và còn đánh giá chuẩn nghề nghiệp chưa đạt vào hồ sơ công chức. Sở GD-ĐT làm vậy có nghĩ tới anh em giáo viên chúng tôi, có công bằng so với những giáo viên khác không?

Ở các tỉnh khác, các đồng nghiệp chúng tôi đều lần lượt được thi FCE do các trường trong nước được phép cấp chứng chỉ (bằng nội địa) và họ nhẹ nhàng vượt qua và yên tâm trong công tác. Còn cán bộ của Sở GD-ĐT tỉnh Bến Tre trả lời thẳng với chúng tôi là không chấp nhận bằng nội địa và ép buộc chúng tôi phải lấy bằng FCE của Cambridge. Ở các tỉnh lân cận Bến Tre, đồng nghiệp tôi chưa biết FCE là gì nữa chứ đừng nói là thi nhiều lần tốn tiền của như chúng tôi...

Chúng tôi đang cảm thấy vô cùng thất vọng, hụt hẫng về tinh thần, ý chí. Kính mong đồng chí đọc được những lời kêu cứu của chúng tôi và giúp chúng tôi giải thoát khỏi những ám ảnh trong cuộc đời giáo viên để chúng tôi vững tâm trên con đường giảng dạy của mình.

Hàng trăm giáo viên tiếng Anh ở tỉnh Bến Tre đang trông chờ đồng chí.

NGỌC TÀI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên