02/11/2014 09:51 GMT+7

Văn hóa ứng xử, phải “từ nhà ra ngõ”

NGUYỄN THẾ THANH
NGUYỄN THẾ THANH

TT - Thực trạng văn hóa ứng xử của Hà Nội đang ở mức báo động đỏ. Điểm ứng xử thấp xảy ra ở những khu vực học hành, chữa bệnh, giao dịch pháp lý...

Cảnh người dân chen chúc nhau làm lễ, nhoài người nắm lấy bảo kiếm trong điện thờ Đền Thượng (miền bắc) dịp rằm tháng giêng âm lịch hàng năm - Ảnh Nguyễn Khánh

Chưa rõ dự thảo bộ quy tắc ứng xử sẽ được UBND TP Hà Nội tiếp thu các góp ý và chỉnh sửa ra sao trước khi ban hành. Nhưng điều rõ nhất và được nhiều người đồng tình là nhận định: thực trạng văn hóa ứng xử của Hà Nội đang ở mức báo động đỏ.

Trong 60.000 bảng hỏi, trả lời về hành vi ứng xử không phù hợp, có 50-70% là ở trường học, 90% là ở bệnh viện và đáng chú ý là có tới 95% ở cơ quan, công sở.

Đáng lo ngại là điểm ứng xử thấp đều xảy ra ở những khu vực có trách nhiệm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của con người: học hành, chữa bệnh, giao dịch pháp lý.

Phải giải quyết thực trạng và mối lo ngại nói trên là quá đúng. Bởi vì văn hóa của thủ đô cũng chính là văn hóa của quốc gia.

Nhưng nếu chỉ tập trung xây dựng chuẩn mực ứng xử chung và ứng xử cụ thể cho cơ quan hành chính, trường học, bệnh viện, doanh nghiệp, khu dân cư và nơi công cộng thì dù không sai nhưng e rằng chúng ta đã bỏ quên một môi trường hết sức quan trọng, nếu không nói là quan trọng nhất, trong việc xây dựng văn hóa ứng xử, đó là gia đình.

Nhà - làng - nước, gia đình - nhà trường - xã hội, các thực thể chính trị - xã hội ấy gắn bó với nhau và ảnh hưởng chặt chẽ đến nhau đều thông qua cái gì nếu không phải giềng mối văn hóa.

Văn hóa mà chúng ta cần chia sẻ nhận thức rộng khắp và sâu sắc đó là các giá trị, như một sự đo lường chất lượng. Ăn mặc, đi đứng, làm việc, học tập, ứng xử với con người và cộng đồng thế nào cho đúng cách thì mới được xem là giá trị (văn hóa).

Nếu muốn có những công chức mẫn cán và chuyên gia chuẩn mực ở cơ quan hành chính, ở bệnh viện, ở trường học thì ngay từ trong gia đình con người phải được giáo dục kỹ lưỡng rằng tình thương yêu con người, tinh thần trách nhiệm, tri thức và kỹ năng làm việc mới là các giá trị cốt lõi của con người chứ không phải các giá trị khác như tiền bạc, chức vụ, danh tiếng và sắc đẹp.

Khi con người từ nhỏ được dạy không được vứt rác bừa bãi, không được làm ngơ khi có người cần giúp đỡ, không được nói to khi trong nhà có khách hoặc người lớn đang nói chuyện, không được quên nói cảm ơn khi được giúp đỡ và xin lỗi khi làm sai, không được bỏ bê những việc cần phải làm và đã nhận làm, không được lấy những gì không phải của mình, không được làm những gì luật pháp không cho phép... thì khi ở tuổi trưởng thành, việc tuân thủ những quy tắc ứng xử chung mới trở nên không gượng ép vì đã thành nếp.

Có được văn hóa ứng xử đã thành nếp từ trong gia đình, người Việt Nam đi ra nước ngoài mới có thể dễ dàng hòa nhập với môi trường văn minh, tiến bộ và tự tin với giá trị Việt Nam mà bản thân là đại diện.

Văn hóa gia đình - chứ không phải danh hiệu gia đình văn hóa, vì thế có ý nghĩa quan trọng trước hết và trên hết đối với quá trình xây dựng xã hội văn minh, trong đó có văn hóa ứng xử.

Và như thế, xây dựng quy tắc ứng xử đâu chỉ là việc cần làm của Hà Nội, mà là của tất cả địa phương trong cả nước nếu chúng ta tìm được sự đồng thuận, rằng chỉ khi văn hóa ứng xử được quan tâm cải thiện tỉ lệ thuận với tăng trưởng kinh tế thì sự phát triển của quốc gia mới bền vững, mới có thể tránh được sự đứt đoạn về văn hóa ứng xử như từng diễn ra ở Hà Nội, khiến cho ngày nay nhiều người còn nuối tiếc “đã từng có một Hà Nội thanh lịch”.

Vẫn chưa quá muộn khi bây giờ Hà Nội quyết tâm gầy dựng lại danh tiếng ấy, không chỉ cho Hà Nội ngàn năm tuổi, mà cho cả đất nước từng bốn ngàn năm văn hiến.

NGUYỄN THẾ THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên