04/04/2024 08:09 GMT+7

Vai trò của vắc xin cúm trên người cao tuổi

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), người cao tuổi/người có bệnh lý nền dễ bị lây nhiễm và có khả năng cao chịu ảnh hưởng nặng từ cúm mùa.

PGS.TS.BS Vũ Thị Thanh Huyền - tổng thư ký Hội Lão khoa Việt Nam, Bệnh viện Lão khoa trung ương - cho biết bệnh viện đã ghi nhận nhiều ca mắc cúm mùa là người lớn tuổi, có những trường hợp có bệnh lý nền đã phải nhập viện do biến chứng của cúm như viêm phổi, suy hô hấp.

Trên thực tế, hệ miễn dịch của người cao tuổi đã bị lão hóa, cơ thể suy yếu do tuổi tác và đa số sẽ kèm ít nhất một bệnh nền sẵn có nên dễ mắc cúm và có nguy cơ cao gặp các biến chứng nghiêm trọng do cúm mùa gây ra.

Cúm mùa và những biến chứng nghiêm trọng

Vi rút cúm mùa có khả năng ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều cơ quan trong cơ thể, trong đó có hệ tim mạch.

Đối với người cao tuổi, PGS.TS.BS Vũ Thị Thanh Huyền chia sẻ: "Ở người cao tuổi, khi nhiễm cúm mùa, cơ thể có thể gánh chịu những hậu quả nặng nề, như nguy cơ đột quỵ tăng gấp 8 lần, nguy cơ viêm phổi tăng gấp 8 lần, nguy cơ gặp các biến cố bất thường liên quan đến đường huyết tăng 74%".

Người có bệnh lý nền như bệnh về tim mạch là một trong những đối tượng nguy cơ dễ bị lây nhiễm cúm mùa - Ảnh: Shutterstock

Người có bệnh lý nền như bệnh về tim mạch là một trong những đối tượng nguy cơ dễ bị lây nhiễm cúm mùa - Ảnh: Shutterstock

Đối với người có bệnh lý tim mạch, cúm mùa có thể "châm ngòi" cho các cơn nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não ở những bệnh nhân đã có tình trạng xơ vữa động mạch trước đó.

GS.TS.BS Phạm Mạnh Hùng - viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam - lý giải: "Ở những người cao tuổi có bệnh lý tim mạch, vi rút cúm mùa khi xâm nhập vào cơ thể sẽ ảnh hưởng đến hệ tim mạch qua ba nhóm tác động. Thứ nhất là ảnh hưởng trực tiếp đến mạch máu làm nứt vỡ mảng xơ vữa. Thứ hai là tác động trực tiếp đến cơ tim do cơ chế viêm, độc tế bào gây chết tế bào cơ tim, viêm màng tim, cơ tim. Thứ ba là do tác động gián tiếp đến hệ tim mạch thông qua các ảnh hưởng hệ thống như tăng phản ứng viêm, tăng đông máu, thiếu oxy, cường thần kinh giao cảm".

GS.TS.BS Phạm Mạnh Hùng cho biết thêm, các cơ chế nói trên dẫn đến cúm mùa làm tăng nguy cơ gây nhồi máu cơ tim từ 6 đến 10 lần trong vòng 1 tuần sau khi nhiễm bệnh, nguy cơ về đột quỵ tăng từ 3 đến 10 lần, nguy cơ về suy tim phải nhập viện tăng 24%. Đáng báo động nhất, nguy cơ tử vong lên tới 30% so với người không mắc cúm.

Nhóm ưu tiên hàng đầu cần tiêm ngừa cúm

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Bộ Y tế Việt Nam đã đưa người cao tuổi/người có bệnh lý nền vào danh sách đối tượng ưu tiên hàng đầu cần tiêm phòng cúm mùa hàng năm.

Vắc xin cúm không những giúp bảo vệ khỏi cúm mùa mà còn giúp giảm tỉ lệ nhập viện và tử vong liên quan đến cúm. GS.TS.BS Phạm Mạnh Hùng nhấn mạnh việc tiêm phòng vắc xin cúm có thể làm giảm 27% việc nhập viện do cúm, giảm 22% tỉ lệ nhập viện do các bệnh về đường hô hấp gây nên, giảm 47% tử vong do mọi nguyên nhân. Một nghiên cứu tổng hợp công bố vào cuối năm 2023 đã cho thấy việc tiêm phòng cúm mùa làm giảm 26% nguy cơ bị nhồi máu cơ tim và giảm tới 33% nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch.

Vắc xin cúm chính là giải pháp tối ưu để phòng ngừa cúm mùa - Ảnh: ShutterStock

Vắc xin cúm chính là giải pháp tối ưu để phòng ngừa cúm mùa - Ảnh: ShutterStock

Trong thời điểm giao mùa này, thời tiết chuyển biến thất thường, các chuyên gia cũng đưa ra khuyến cáo, ngoài theo dõi các dấu hiệu bệnh nền kịp thời, tiêm phòng cúm hằng năm cho người cao tuổi, người có bệnh lý tim mạch là biện pháp hiệu quả để ngăn ngừa cúm mùa và cải thiện tiên lượng cho người bệnh.

Bên cạnh đó, người thân và người chăm sóc cho đối tượng trên cũng cần tiêm vắc xin hàng năm để tránh lây nhiễm cho những người này.

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi:

GS.TS.BS Phạm Mạnh Hùng - viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam

PGS.TS.BS Vũ Thị Thanh Huyền - tổng thư ký Hội Lão khoa Việt Nam, Bệnh viện Lão khoa trung ương


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên