19/03/2015 10:25 GMT+7

​Tung tích chiếc ấn của vua Quang Trung

NGUYỄN NAM
NGUYỄN NAM

TT - Chiếc ấn này được phát hiện hàng chục năm trước, tuy nhiên đến nay tỉnh Bình Thuận vận động người giữ ấn giao nộp thì vị này cho biết ấn vua đã thất lạc.

Linh Sơn cổ tự, nơi phát hiện chiếc ấn của vua Quang Trung - Ảnh: Nguyễn Nam

UBND tỉnh Bình Thuận chỉ đạo các cơ quan chức năng vận động, thuyết phục gia đình ông Phạm Chẵn (ngụ xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong) giao nộp chiếc ấn của vua Quang Trung cho Nhà nước quản lý theo quy định của Luật di sản văn hóa.

Chiếc ấn này được phát hiện hàng chục năm trước, tuy nhiên đến nay tỉnh Bình Thuận vận động người giữ ấn giao nộp thì vị này cho biết ấn vua đã thất lạc.

Ấn vua ở Linh Sơn cổ tự

Ít ai biết được hàng chục năm trước, chiếc ấn của vua Quang Trung được phát hiện tại ngôi chùa Linh Sơn (thuộc xã Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong, Bình Thuận) trên ngọn núi heo hút ở huyện Tuy Phong.

Linh Sơn cổ tự do thiền sư Bảo Tạng (tên thật là Lê Chí Thành, 1818-1872) khai sáng.

Thông tin từ thư viện tỉnh Bình Định tại thư mục “Chiếc ấn của triều Tây Sơn Nguyễn Huệ” viết rằng: “Từ thuở xa xưa ấy chỉ là một thảo am đơn giản làm bằng cây rừng lợp bằng tranh núi. Những nhà sư nối tiếp cùng các thiện nam tín nữ hảo tâm ở Vĩnh Hảo đã dày công trùng tu, tôn tạo cho ngôi Linh Sơn đến ngày nay được uy nghiêm khang trang”.

Vận động giao nộp

Ông Nguyễn Xuân Lý, giám đốc Bảo tàng Bình Thuận, cho hay sự việc liên quan đến chiếc ấn hiện nay cơ quan công an đang điều tra nên ông không thể cung cấp thông tin cho báo chí.

“Khi nào làm xong chúng tôi sẽ công bố thông tin, còn bây giờ không thể nói được gì” - ông Nguyễn Xuân Lý nói.

Theo nguồn tin của Tuổi Trẻ, Công an tỉnh Bình Thuận đã có báo cáo xác minh ban đầu về chiếc ấn của vua Quang Trung được phát hiện tại chùa Linh Sơn.

UBND tỉnh Bình Thuận đang giao các cơ quan chức năng cùng với chính quyền địa phương vận động, thuyết phục gia đình ông Phạm Chẵn giao nộp chiếc ấn cho Nhà nước theo quy định của Luật di sản văn hóa.

Thừa kế lớp hậu tổ, năm 1920 cư sĩ Thích Thiện Thông - tục thật Phạm Hành, tự hiệu Ngô Minh Trí Đạt trở thành trụ trì, phật tử thường gọi là Sư Ông.

Vị này khi cuốc đất trong khuôn viên chùa đã làm vỡ một hộp cứng để lộ ra chiếc ấn màu đen huyền bóng láng còn nguyên vẹn, chỉ mẻ một vệt nhỏ ở đầu núm do vết cuốc va vào mạnh.

Nguồn tư liệu của thư viện tỉnh Bình Định viết rằng ấn này thuộc triều Tây Sơn Nguyễn Huệ đúc vào mùa đông năm Tân Hợi (1791) tại Phú Xuân.

Theo đó, chiếc ấn đúc bằng đồng có màu đen, trọng lượng 650gr, dài 9,4cm, ngang 6,4cm, dày 1,25cm. Bề mặt nổi lên đường gờ ngoài ngang 6 li và 8 li ở gờ trong.

Hai bên khắc hàng chữ Hán thuận theo chiều đứng (dịch): Tân Hợi niên đông tạo, trung thăng tứ hiệu, quân nghĩa vệ, úy (quán) quân sứ. Bề trái dấu ấn là ba hàng chữ khắc sâu trong khuôn đóng; hàng giữa: Trung thắng tứ hiệu; hai bên mặt trái: Quân sĩ vệ úy (quán) quân sứ.

“Theo truyền thuyết, chiếc ấn lịch sử ở Linh Sơn cổ tự là ấn thuộc đội quân thứ tư bảo vệ vua. Đại đức Nguyên Thận, vị trụ trì kế thừa giữ gìn báu vật, cho biết khoảng năm 1988 do người địa phương “làm mối” có người từ TP.HCM ra đến chùa, sau một hồi nhìn ngắm mãn nhãn, người đó đã “định giá” 30 lượng vàng, nếu cần thì “chồng tiền” để nhận chiếc ấn. Đây là vật bất ly thân, cho dù trải qua bao cảnh thăng trầm của lịch sử, đại đức Nguyên Thận vẫn luôn nhớ lời Sư Ông căn dặn là phải giữ báu vật lại cho chùa” - tư liệu viết.

Ấn vua Quang Trung đã thất lạc?

Từ nguồn thông tin này của thư viện tỉnh Bình Định, PV Tuổi Trẻ đã tìm về Linh Sơn cổ tự để xác minh thông tin chiếc ấn của vua Quang Trung.

Trụ trì chùa Linh Sơn là ông Phạm Ngọc Khẩn (81 tuổi) khẳng định câu chuyện về chiếc ấn của vua Quang Trung là có thật. Ông Phạm Ngọc Khẩn cho hay pháp danh của mình là Nguyên Thận, hiệu là Thích Từ Châu.

Ông Phạm Ngọc Khẩn mô tả chiếc ấn của vua Quang Trung có dạng hình khối, thông tin ghi trên đó giống như những gì mà PV tìm hiểu được từ thư viện tỉnh Bình Định.

Theo đó, chiếc ấn vua có từ thời cha của ông là Phạm Hành để lại.

“Chiếc ấn này anh trai tôi cất giữ vì là con đầu. Anh tôi là Phạm Chẵn đang tu ở tịnh xá Thông Minh Viện” - ông Khẩn cho hay. Ông Khẩn cho biết thêm ông được nghe kể lại rằng chiếc ấn này của một sứ quân triều Tây Sơn Nguyễn Huệ. Còn nguyên nhân vì sao chiếc ấn này được chôn cất ở Bình Thuận thì ông Khẩn cũng không hiểu rõ ràng.

Chúng tôi đến tịnh xá Thông Minh Viện (xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong) tìm gặp ông Phạm Chẵn (86 tuổi, trụ trì). Ông Phạm Chẵn cho hay cha ông là Phạm Hành có hai người con trai là ông Chẵn và ông Phạm Ngọc Khẩn. Trước đây, ông Chẵn cũng tu trên chùa Linh Sơn cùng với em trai và sau đó ông Phạm Chẵn xuống núi mở tịnh xá Thông Minh Viện.

Khi được hỏi thông tin về chiếc ấn vua Quang Trung, ông Phạm Chẵn cho hay ông bị tai biến nên không còn nhớ rõ ràng.

“Trong khi dọn xuống núi thì chiếc ấn bị thất lạc. Các cán bộ của Bảo tàng tỉnh Bình Thuận, công an có đến nhà vận động tôi giao chiếc ấn nhưng tôi không nhớ để ở đâu” - ông Phạm Chẵn nói.

Một chuyên gia trong ngành văn hóa tỉnh Bình Thuận cho hay thông tin về chiếc ấn là có thật. Mặc dù chưa nhìn thấy chiếc ấn nhưng vị này cho rằng qua những thông tin có được, chiếc ấn được một đạo quân mang theo, có thể đi hành quân hoặc mở mang bờ cõi, cầm theo chiếc ấn thể hiện chính danh thay mặt vua Quang Trung Nguyễn Huệ.

Chiếc ấn này có giá trị lịch sử mang tầm quốc gia, nếu chiếc ấn được giao Nhà nước quản lý, trưng bày sẽ có lợi rất nhiều, còn người giao nộp cũng được khen thưởng xứng đáng.

 

NGUYỄN NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên