10/01/2015 11:02 GMT+7

Tự truyện của Thành Lộc  - Kỳ 1: Tiểu gia đình trong ngôi đình cổ

THÀNH LỘC - NGUYỄN THỊ MINH NGỌC
THÀNH LỘC - NGUYỄN THỊ MINH NGỌC

TT - LTS: NSƯT Thành Lộc vừa ra mắt cuốn tự truyện Tâm Thành và Lộc đời do nhà văn - nhà biên kịch Nguyễn Thị Minh Ngọc chấp bút, Phương Nam và NXB Văn Hóa - Văn Nghệ TP.HCM ấn hành.

NSƯT Thành Lộc (giữa) cùng cha mẹ (NSND Thành Tôn và NS Huỳnh Mai) và anh trai - NS Bạch Long -  Ảnh tư liệu gia đình

Tuổi Trẻ trích giới thiệu tự truyện của anh - một nghệ sĩ tài năng của sân khấu kịch Việt Nam.

Tôi sinh năm 1961, tuổi Tân Sửu, cầm tinh con trâu. Lá số tử vi của tôi cho thấy về Tài Bạch tôi là đàn ông nhưng thuộc sao Thái Âm, làm về ban đêm sẽ thành công, sinh lúc 5g sáng (giờ Dần) trúng vào giờ Cô Thần (tuyệt) nên không có vợ con.

Thế giới sân khấu thấm đẫm từng tế bào

Để vẽ lại ấu thời của tôi, hai cái bóng in đậm là ba và má, rồi cả gia đình, cùng những sắc màu rực rỡ, âm thanh quyến rũ của sân khấu.

Ngay má và ba tôi cũng đồng nghĩa với sân khấu rồi. Thử hình dung đi, một cái đình lớn mang tên đình Cầu Quan - sau này còn gọi là đình Thái - Hưng. Trong lòng cái đình ấy có chứa một cái sân khấu để biểu diễn.

Bao quanh và trên dưới sân khấu ấy, ngoài chỗ cho khán giả ngồi xem còn là nơi sinh sống, ngủ, nghỉ và làm việc của vài gia đình thuộc dòng họ bầu Thắng nổi tiếng của ông ngoại như nhà của các cậu Minh Tơ, Khánh Hồng cùng các cậu, dì, anh chị họ khác của tôi. Mỗi gia đình có khoảng vài mét vuông.

Đình Cầu Quan nằm ngay trung tâm thành phố Sài Gòn hoa lệ, cách chợ Bến Thành đâu có bao xa, nay là đất vàng đất bạc, nhưng ngày ấy tôi cũng ý thức được cái xóm mình lớn lên là một xóm nghèo.

Nghịch lý thay, cái nghèo ấy đã khiến cho tâm hồn tôi, nghiệp diễn tôi lại giàu có hơn lên.

Nếu tính đứng từ sân khấu đó nhìn xuống khán giả thì nguyên một mảng mấy mét vuông thuộc cánh gà bên hông phải của sân khấu chính là nhà của tôi.

Chưa đến giờ diễn, nơi đó đủ chỗ để chứa một bộ bàn ghế để cả nhà dùng cơm cùng chiếc đivăng là giang sơn của má (công chúa, con gái ông bầu mà).

Tới giờ diễn, chiếc bàn xếp lại để chỗ cho dàn nhạc cải lương ngồi - dàn nhạc hồ quảng thì nằm ở ngoài hố nhạc, trước mặt khán giả. Má ngồi trên đivăng để hóa trang - lúc đó kêu là sắm tuồng.

Khu vực này có một gác xép, từ đó có một cầu thang đi xuống cánh gà bên phải sân khấu. Ngay dưới chân cầu thang gác xép đó sẽ là nơi banh cái ghế bố ra thành chỗ ngủ của ba sau khi tan suất hát. Khoảng 9g là tất cả bị lùa lên gác ngủ. Giờ đó bị phát giác còn thức chạy loăng quăng là bị đòn.

Tôi thường ngồi thòng hai chân, ấn mặt vào giữa hai chấn song của lan can trên gác xép ngó xuống sân khấu coi hát như được ngồi ở một loại “chuồng gà” đặc biệt, thiết kế dành cho dân hạng sang trong các nhà hát của Tây xây.

Tới chừng vãn hát, phần gác xép là nơi ngủ của ba chị: Bạch Liên, Bạch Lựu và Bạch Lý. Anh Long thì từ nhỏ vì khó nuôi đã được gửi ở nhà một bà cô cách đình vài bước chân thôi.

Hai người còn lại là chị Bạch Lê và tôi, bạn có đoán được nơi ngủ không? Chính là sàn diễn mình mới được xem hồi nãy, trải chiếu ra thành nơi ngủ của người chị thứ nhì và bé Út trong nhà.

Mỗi ngày, từ lúc mở mắt ra đến lúc tạm nhắm hờ để trôi vào mộng, tất cả thế giới đầy màu sắc và âm thanh của sân khấu như vậy đã ngập tràn, thấm đẫm vào từng tế bào da thịt cùng tâm hồn tôi.

Tôi cũng không thể lơi lỏng ý tưởng mình là con trai của kép chánh Thành Tôn, thuộc một dòng dõi theo nghề hát bội ba đời tại đất Vĩnh Long. Ông nội của tôi là bầu Nở nức tiếng Vĩnh Long. Là kép nổi nhứt vùng vì hát hay lại khá đẹp trai, nhưng ba tôi sớm ý thức được là để thỏa chí làm nghề cần phải xuất hiện ở Sài Gòn nên ông đã rời gánh của cha mình mà lên đó đầu quân. Rồi sau đó sanh tình và kết hôn với Huỳnh Mai, con gái thứ của bầu Thắng.

Sau này tôi biết thêm năm 1924 ông ngoại tôi là nghệ sĩ hát bội Hai Thắng đã gom góp tiền bạc trong gia đình mua lại gánh hát bội của bà Ba Ngoạn (là bà nội của cô Kim Cương), lập đoàn Vĩnh Xuân. Khoảng năm 1950, mấy người anh chị em của má như Minh Tơ - cùng vợ là nghệ sĩ Bảy Sự, các cậu Đức Phú, Khánh Hồng... đều có học hát cải lương của đoàn Phụng Hảo.

Khoảng cuối thập niên 1950 thì danh xưng cải lương tuồng tàu ra đời. Sau đó vài năm khán giả gọi đó là cải lương hồ quảng để rồi sau năm 1975, khi chuyển sang hát lịch sử Việt Nam, bộ môn này chuyển thành loại hình cải lương tuồng cổ.

Người em trai thất lạc

Sau khi sanh hai chị Liên và Lê, mất một con trai, má tôi sanh tiếp hai chị Lựu và Lý. Sanh và nuôi con gái không sao mà hễ sanh con trai là má tôi bệnh, không thì mấy đứa con trai cũng bệnh vì xem ra gia đình không có số nuôi con trai nên tôi suýt cũng theo số phận bị gửi cho người khác nuôi như anh Long. Nhưng rồi mấy chị thèm có em trai quá nên xin ba má để tôi lại nuôi.

Má kể có lần tôi bị đau ban lên sởi rất nặng và đã ngưng thở khi được vài tháng tuổi. Ba má đã mang tôi lên chùa Tân Nghĩa ở Gò Vấp, nơi ba má tôi quy y.

Sư trụ trì mang tôi đặt trong lòng chiếc đại hồng chung, ông gióng lên ba hồi chuông và rồi cái xác tôi giật mình thức dậy sau một giấc ngủ dài rồi cười ngất như thể bị ai đó cù lét. Sư trụ trì phán: “Cái xác phàm nầy coi như đã qua một kiếp, giờ thằng nhỏ đã được tái sinh trong kiếp mới”.

Tôi được thầy đặt pháp danh là Thiện Tâm từ đó. Để dễ nuôi hơn trong kiếp mới này, ba má cho giả làm con gái để tóc dài và cho bận áo đầm. Cả nhà phải né tên thật mà gọi trại đi là Thành Tâm, với lòng tin nếu có “mấy người coi số tử” tới tìm, sẽ lầm tưởng là đứa trẻ khác mà không bắt đi.

Không hiểu sao gia đình tôi khó nuôi con trai lắm. Anh đầu mất, anh Bạch Long phải gửi người khác nuôi và kêu ba má tôi là anh Hai, chị Hai. Chúng tôi còn một người em trai nữa, ba má đặt tên Thành Long, nhưng phải gửi chính bà mụ đỡ đẻ nuôi. Về sau bà sang Pháp sống. Có tin về là em chúng tôi đã lập gia đình rồi và đang rất hạnh phúc.

Lần đó có một vị đạo diễn nước ngoài về Việt Nam làm việc, tôi tình cờ biết được anh chính là con trai ruột của bà mụ năm nào. Khi bà mất, anh có nhận nuôi người em này của chúng tôi. Khi anh ấy ly dị vợ thì Thành Long cũng rời nhà và tự lập gia đình riêng.

Chúng tôi rất muốn tìm gặp lại em, nhưng vị đạo diễn này cho biết chính anh ấy muốn tìm cũng không biết tìm nơi đâu. Chúng tôi chỉ còn biết cầu nguyện một ngày nào đó sẽ được gặp lại người em trai thất lạc. Không chừng em Thành Long cũng không biết là mình còn anh chị sống tại Việt Nam và mấy chị nữa sống ở Mỹ, Pháp, Úc. Anh Bạch Long tên thiệt là Thành Tùng, nhưng anh lấy nghệ danh là Bạch Long để nhớ về người em này.

Phải là nghệ sĩ sống trong nghề nhiều năm, ở giai đoạn trước đây (mà cả sau này nữa) mới mang cảm giác sợ con cái mình theo nghề diễn của mình sẽ thấy trước đời sẽ cực khổ nhiều hơn niềm vui.

Ba má tôi cũng vậy, không muốn “đời cha ăn mặn đời con khát nước”, cứ sợ các con theo nghiệp mình sẽ khóc nhiều hơn cười nên luôn buộc các con phải học xong trung học rồi muốn làm gì thì làm.

Ấy vậy mà thích diễn quá, tôi đã mấy lần bước ra sàn diễn nhà tham gia làm quân sĩ cùng với anh Bạch Long, trước mắt ba tôi. Anh lúc đó coi như người của “nhà khác” rồi, nên là người duy nhất trong gia đình bấy giờ được đi hát.

Khi bị tôi xin được làm đứa quân sĩ thứ hai đứng chung, anh Long cũng sợ anh Hai (tức là ba của hai đứa), nhưng vì cưng đứa em út, thấy tôi mê quá anh làm liều. Chính anh là người “sắm tuồng” (vẽ mặt) cho tôi. Khi ba tôi ra hát, vừa dòm thấy tôi ông hết sức ngạc nhiên, còn tôi thì run lên từng chập vì sợ ăn đòn.

Vừa xong lớp đó là ba chụp lấy cây roi mây định khi vào cánh gà sẽ quất cho mấy roi, nhưng ông vừa vào cánh gà bên này, tôi đã tọt sang cánh gà bên kia. Chạy vòng vòng như vậy, lại tới lớp ông phải ra.

Tôi cứ thoắt hiện thoắt biến như vậy cho tới khi vãn tuồng thì tôi... thoát nạn.

_____________

Kỳ tới: Cô đơn trong ngôi nhà mình

 

THÀNH LỘC - NGUYỄN THỊ MINH NGỌC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên